Site icon Medplus.vn

10 cách tăng cường trí nhớ cho bé 0-1 tuổi

10 cách tăng cường trí nhớ cho bé 0-1 tuổi

10 cách tăng cường trí nhớ cho bé 0-1 tuổi

Sự hỗ trợ của bố mẹ trong một số hoạt động hằng ngày sẽ giúp tăng cường trí nhớ cho bé ngay từ năm đầu đời. Dưới đây là 10 cách tăng cường trí nhớ cho bé 0-1 tuổi bố mẹ có thể tham khảo:

1. Tạo sự thống nhất

Sự thống nhất trong việc sắp xếp đồ dùng hay thực hiện các thói quen sinh hoạt hằng ngày sẽ giúp hoàn thiện khả năng ghi nhớ của bé. Ở giai đoạn 0-3 tháng tuổi, bé chỉ phát triển trí nhớ ngắn hạn nên càng có ít thay đổi trong mọi việc thì bé sẽ nhớ càng lâu. Bố mẹ có thể cho bé chơi cùng một món đồ chơi, tại cùng một phòng, vào một khoảng thời gian nhất định trong ngày. Như vậy bé sẽ ghi nhớ tốt hơn.

2. Dạy bé kỹ năng mới

Mỗi khi một món đồ chơi mới đòi hỏi bé phải học thêm một kỹ năng, bố mẹ hãy hướng dẫn bé, rồi cho bé chơi đi chơi lại trong những khoảng thời gian ngắn. Ví dụ, mỗi lần đến giờ chơi, bố mẹ lại cho bé chơi với món đồ chơi mới đó trong 5 phút. Ngày nào cũng vậy, mỗi ngày vài lần, trong suốt cả tuần. Cách làm này sẽ giúp bé ghi nhớ kỹ năng tốt hơn so với việc chỉ chơi trong 1-2 ngày, dù mỗi ngày đều chơi lâu hơn.

10 cách tăng cường trí nhớ cho bé 0-1 tuổi

3. Gọi tên bé nhiều

Khi được 4 tháng tuổi, bé sẽ bắt đầu nhận ra tên mình và biết là khi bố mẹ gọi tên, tức là bố mẹ chú ý đến mình. Vậy nên, bố mẹ hãy gọi tên bé thường xuyên để in đậm cái tên đó trong trí nhớ của bé. Bé cũng sẽ bắt đầu nhận ra tên của những người mà bé hay gặp hằng ngày. Cho nên, bố mẹ cũng cần thường xuyên nhắc đến từ “bố”, “mẹ” nữa nhé!

4. Trò chuyện kèm hành động với bé

Khi bé được 4-6 tháng tuổi, bố mẹ nên kết hợp giữa lời nói và hành động. Từ đó, bé sẽ nắm bắt thông tin tốt hơn và nhớ được mối quan hệ nguyên nhân – kết quả hoặc các khái niệm đơn giản. Ví dụ, khi xếp tháp cao, bố mẹ có thể nói với bé: “Tháp cao quá rồi! Sẽ đổ mất thôi!”. Nhờ đó, bé sẽ hiểu được nhiều khái niệm đơn giản và lần sau sẽ biết dự đoán tình huống.

5. Đáp lại những lời bập bẹ của bé

Khi bố mẹ trò chuyện với bé, dù bé chưa biết nói, bố mẹ cũng nên dừng lại để lắng nghe bé “phản hồi” bằng những tiếng ê a, bập bẹ. Việc này khiến bé học được rằng mình nên đáp lại khi bố mẹ nói. Bé cũng sẽ nhớ được cách thức tương tác qua lại khi trò chuyện. Ngoài ra, bé cũng sẽ nhớ thêm được những từ ngữ mà bố mẹ nói đấy!

6. Có nếp sinh hoạt quen thuộc

Khi được khoảng 9 tháng tuổi, bé sẽ biết dự đoán sự việc từ những hành động của bố mẹ. Chẳng hạn, khi bố mẹ hứng nước vào chậu tức là bé sắp đi tắm. Đôi khi, bố mẹ có thể thay đổi các hành động một chút để bé thấy bất ngờ và buồn cười (ví dụ, cho bé mặc áo vào chân), từ đó giúp củng cố trí nhớ của bé về những thói quen chuẩn xác.

7. Cho bé nghỉ ngơi đầy đủ

Giống như người lớn, bé yêu cũng sẽ ghi nhớ thông tin tốt hơn nếu được nghỉ ngơi đầy đủ. Bố mẹ không nên tranh thủ mọi lúc mọi nơi để “bắt” bé phải học hỏi, mà cứ để bé tự khám phá. Việc được nghỉ ngơi, ngủ đủ sẽ giúp bé lưu giữ thông tin được lâu hơn.

8. Giới thiệu nhiều trò chơi mới

Đến giai đoạn 10-12 tháng tuổi, bé sẽ bắt đầu chán sự lặp đi lặp lại. Vì vậy, bố mẹ nên dành thời gian tìm hiểu và giới thiệu các trò chơi hoặc cách chơi mới cho bé. Ví dụ, thay vì chỉ đua ô tô đồ chơi, bố mẹ hãy khuyến khích bé phân loại ô tô theo màu sắc, kích thước… Từ đó, bé cũng sẽ nhớ thêm về đặc điểm của đồ vật.

9. Giúp bé hiểu thêm khái niệm “hằng định đối tượng”

Bé 10-12 tháng tuổi đã hiểu về “hằng định đối tượng” và biết rằng, một món đồ mà mình không nhìn thấy thì không có nghĩa là nó không tồn tại nữa. Bố mẹ có thể cho bé chơi trốn tìm hoặc tìm kiếm đồ vật để củng cố thêm nhận thức này. Ngoài ra, việc đi tìm đồ chơi sẽ khuyến khích bé ghi nhớ những đặc điểm của món đồ đó.

10. Dạy bé về mối liên hệ giữa từ ngữ với sự vật

Khi bắt đầu nói những từ đầu tiên, bé sẽ liên kết chúng với những hình ảnh nhất định. Vì thế, để củng cố khả năng ghi nhớ từ vựng của bé, bố mẹ nên thường xuyên dùng hình ảnh hoặc sự vật thật. Ví dụ, khi bé nhìn đồ vật mà bố mẹ đang cầm, bố mẹ hãy nói tên đồ vật đó và giơ cho bé xem thật rõ, hoặc cho bé chạm vào, nếu có thể. Bằng cách này, bé sẽ nhớ từ ngữ tốt hơn, và có vốn từ vựng rộng hơn.

Xem thêm bài viết:

Nguồn: verywellfamily

Exit mobile version