Site icon Medplus.vn

10 lưu ý dạy con không đòn roi

10 lưu ý dạy con không đòn roi

10 lưu ý dạy con không đòn roi

Dạy con không đòn roi từ xa xưa đã từng là phương pháp giáo dục không được ông cha ta ưa chuộng. Phụ huynh của các thế hệ trước cho rằng “Thương cho roi cho vọt”. Có rèn luyện nghiêm khắc, khắt khe thì con cháu mới nên người. Nhưng điều này có thực sự đúng hay không? Câu trả lời vẫn còn nhiều phần trái chiều, bởi nhiều người lớn lên được “rèn giũa” bằng đòn roi vẫn ủng hộ quan điểm này, và nhiều người khác lại cực lực phản đối phương pháp giáo dục này.

Tác hại của đòn roi đối với trẻ

Mới đây Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ đã nghiên cứu và cho biết, việc đánh đòn chỉ làm cho trẻ trở nên lì lợm, hung hăng hơn. Và trẻ bị đánh đòn càng nhiều thì càng có hành vi sai trái, như nói dối, hay bắt nạt người khác. Khi trẻ làm sai thì lại càng bị đánh phạt nhiều hơn. Cứ thế, việc đánh đòn con trẻ trở thành một vòng luẩn quẩn, khiến nhân cách và tâm lý – cảm xúc trẻ càng ngày càng bị ảnh hưởng xấu.

Tệ hơn cả đó là, khi bị đánh đòn nhiều, trẻ sẽ cho rằng, bạo lực chính là cách hiệu quả để giải quyết mọi vấn đề. Từ đó, trẻ sẽ dễ dàng tổn thương người khác, kể cả người mà trẻ quý mến, nếu trẻ cảm thấy bất mãn hoặc không có được thứ mình cần.

Việc đánh đòn làm tăng nguy cơ bị thương và có thể để lại nhiều dấu ấn không thể lường trước ở cả não bộ và cơ thể trẻ. Trẻ hay bị đánh đòn cũng dễ bị căng thẳng, lâu dài dẫn đến trầm cảm. Bên cạnh đó, sự phát triển não bộ của trẻ cũng bị ảnh hưởng. Trẻ hay bị đánh mắng liên tục sẽ có ít chất xám hơn và điểm IQ thấp hơn so với trẻ không bị đánh đòn.

Lợi ích của việc dạy con không đòn roi

Việc kỷ luật lành mạnh (dạy con không đòn roi) có thể điều chỉnh được những hành vi xấu và dạy trẻ cách cư xử tốt đẹp. Nhờ vậy, bố mẹ hoàn toàn có thể đưa con vào nề nếp mà không cần phải sử dụng đến bạo lực. Từ đó, trẻ sống có trách nhiệm hơn.

Trẻ cũng học được cách sống tình nghĩa, tử tế và nhân hậu hơn với người khác. Còn gì tuyệt vời hơn khi trẻ biết làm việc tốt, tự làm bản thân hạnh phúc cũng như lan tỏa niềm vui đến mọi người xung quanh.

10 lưu ý dạy con không đòn roi

10 cách dạy con không đòn roi nhẹ nhàng và hiệu quả

Mục tiêu chính của việc kỷ luật lành mạnh (dạy con không đòn roi) chính là điều chỉnh được hành vi chưa tốt. Để làm được điều đó, bố mẹ hãy tập trung vào những hành động tích cực của trẻ. Từ đó, định hướng cho trẻ lối cư xử tử tế và phát triển lành mạnh, như 10 khuyến nghị của Học viện Nhi Khoa Hoa Kỳ dưới đây:

1. Hướng dẫn và làm gương cho trẻ

Bố mẹ hãy những hành động và lời nói điềm đạm, nhẹ nhàng để dạy trẻ điều đúng. Tránh đưa ra những chỉ dẫn mang tính phủ định (như “đừng làm cái này”, “không được làm cái kia”). Đồng thời, bố mẹ hãy làm gương để trẻ noi theo bằng cách làm đúng những điều mà mình muốn dạy cho trẻ.

2. Đưa ra giới hạn

Đặt những luật lệ rõ ràng và thống nhất để trẻ có thể làm theo. Bố mẹ cần giải thích những luật lệ này theo cách phù hợp với lứa tuổi của trẻ, để trẻ dễ hiểu.

3. Đưa ra hậu quả

Bố mẹ cần bình tĩnh và kiên quyết giải thích rõ ràng về hậu quả nếu trẻ cư xử không đúng mực. Ví dụ: Bố mẹ hãy nói rằng, nếu trẻ không tự thu dọn đồ chơi, bố mẹ sẽ cất đồ chơi đi trong suốt ngày hôm đó. Tất nhiên, bố mẹ phải thực hiện đúng như vậy, chỉ cần đừng lấy đi những thứ mà trẻ thực sự cần, như thức ăn, nước uống.

4. Lắng nghe trẻ

Việc lắng nghe là rất quan trọng, nên bố mẹ hãy để trẻ trình bày hết trước khi can thiệp. Bố mẹ cũng cần lưu ý đến những hành vi sai trái đã trở thành thói quen, ví dụ như trẻ thường xuyên thể hiện sự ghen tị. Với những trường hợp này, bố mẹ nên trò chuyện, tâm sự với trẻ thay vì chỉ đưa ra hậu quả.

10 lưu ý dạy con không đòn roi

5. Chú ý tới trẻ

Công cụ tốt nhất cho việc rèn kỷ luật hiệu quả chính là sự chú ý – nhằm thúc đẩy những hành vi tốt và hạn chế hành vi xấu.

6. Khen ngợi khi trẻ làm việc tốt

Trẻ cần biết được khi nào mình làm đúng, khi nào sai. Do đó, bố mẹ hãy để ý những hành vi tốt của trẻ, nêu ra, khen ngợi kết quả và sự nỗ lực của trẻ. Hãy khen con về một điều cụ thể, ví dụ: “Con dọn đồ gọn gàng quá!”.

7. Biết khi nào thì không cần phản ứng

Miễn là trẻ không làm gì nguy hiểm, và khi cư xử tốt vẫn được chú ý khen ngợi, thì việc bố mẹ lờ đi khi trẻ có hành vi chưa đúng mực cũng là một cách hiệu quả để trẻ dừng hành vi đó. Khi bố mẹ không phản ứng, trẻ cũng có thể học được về hậu quả tự nhiên của hành động của mình. Ví dụ, nếu trẻ ném mạnh tay và làm hỏng đồ chơi, thì trẻ không dùng được đồ chơi đó nữa. Bố mẹ không cần can thiệp, rồi tự trẻ sẽ học được cách phải chơi đồ chơi cho cẩn thận.

8. Sẵn sàng ứng phó với rắc rối

Bố mẹ nên nghĩ trước về những tình huống mà trẻ có thể hành xử không đúng và chỉ dạy trước cho trẻ cách cư xử hợp lý.

9. Làm cho trẻ bận rộn

Đôi khi, trẻ có hành động không tốt chỉ vì chán quá, không biết làm gì khác hay hơn. Bố mẹ hãy tìm thêm các hoạt động bổ ích cho trẻ làm, để trẻ không “nhàn cư vi bất thiện” nhé!

10. Sử dụng phương pháp cách ly tạm thời

Việc cách ly tạm thời sẽ rất hiệu quả khi trẻ vi phạm một luật lệ cụ thể. Cách áp dụng: Bố mẹ nên cảnh báo rằng trẻ sẽ bị cách ly tạm thời nếu không dừng hành vi của mình, đồng thời giải thích rõ và ngắn gọn rằng trẻ đang làm gì sai. Sau đó, cho trẻ ra chỗ khác trong một khoảng thời gian nhất định (cứ một phút cho mỗi tuổi). Với những trẻ trên 3 tuổi, bố mẹ có thể để trẻ tự quyết định khoảng thời gian cách ly của mình thay vì đưa ra một con số cụ thể. Ví dụ, bố mẹ có thể nói: “Hãy vào phòng con đi, bao giờ con bình tĩnh hơn thì quay lại đây nhé!”. Cách này giúp trẻ học và rèn luyện kỹ năng tự kiểm soát bản thân. Nó cũng rất hiệu quả với những trẻ lớn hơn và trẻ vị thành niên.

Xem thêm bài viết:

Nguồn: verywellfamily

Exit mobile version