Site icon Medplus.vn

18 hoạt động phát triển kỹ năng toán học

18 hoạt động phát triển kỹ năng toán học

18 hoạt động phát triển kỹ năng toán học

Để trẻ phát triển kỹ năng toán học từ sớm, bố mẹ nên lồng ghép, giới thiệu các khái niệm về toán cho trẻ một cách từ từ và đều đặn, ngay từ khi trẻ chỉ 2-3 tuổi. Những hoạt động dưới đây đều không tốn nhiều thời gian, mà lại phù hợp với khả năng của trẻ, bố mẹ tham khảo nhé:

Tập đếm và phân loại

Bố mẹ hãy gom nhiều đồ chơi các loại lại, và cùng trẻ đếm những món đồ đó. Ngoài ra, bố mẹ hãy bảo trẻ phân loại đồ chơi theo kích thước, màu sắc, hay tính năng nhé.

18 hoạt động phát triển kỹ năng toán học

Học số điện thoại và địa chỉ nhà

Khi trẻ được tầm 3 tuổi, bố mẹ nên bắt đầu dạy trẻ số điện thoại và địa chỉ nhà. Bố mẹ cũng có thể nói thêm về cách đánh số nhà trên phố hoặc số các căn hộ ở chung cư để trẻ hiểu thêm về quy luật nữa.

Nhận biết kích thước

Bố mẹ nên dạy trẻ hiểu khái niệm kích thước thông qua những đồ vật có sẵn trong nhà. Ban đầu, bố mẹ có thể chỉ cho trẻ thấy những món đồ to nhất và nhỏ nhất. Sau đó, bố mẹ hãy thử bảo trẻ so sánh kích thước của chính mình với mọi thứ khác, như: “Liệu con có chui vừa vào gầm bàn không nhỉ?”.

Nấu ăn

“Tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, nên bố mẹ có thể cho trẻ cùng tham gia nấu ăn hằng ngày. Thông qua việc múc, rót, trộn…, trẻ sẽ dần học đếm, cân đong (khối lượng và thể tích), cộng trừ và ước lượng nữa.

Để ý đến thời gian

Bố mẹ hãy lấy một chiếc đồng hồ bấm giờ, rồi đặt mốc thời gian là 1-3 phút cho một số hoạt động khác nhau. Qua đây, trẻ sẽ hiểu được khái niệm thời gian hoặc thời lượng, và nhận ra rằng, có những việc cần nhiều thời gian hơn những việc khác.

Đi dạo

Đi dạo là cơ hội để trẻ học đếm (bước chân, bậc thang…), so sánh (cái nào to hơn, nhỏ hơn, những gì giống và khác nhau…)… và luyện tập nhiều kỹ năng khác. Bố mẹ cũng có thể dạy trẻ cách ước lượng thời gian (đi từ nhà ra công viên hết bao nhiêu phút) hoặc phân loại (những bông hoa màu nào được trồng ở đâu)…

Hát và đọc số

Bố mẹ hãy cùng trẻ hát các bài hát có nhịp điệu, có những câu lặp đi lặp lại và có các con số nữa nhé. Từ đó, trẻ sẽ nhớ các con số lâu hơn, và đây cũng là cách để trẻ rèn luyện các kỹ năng ngôn ngữ nữa.

Chia đồ dùng, thức ăn…

Việc chia đồ dùng (bát, đũa…) hoặc thức ăn cho mọi người cũng là một cách giúp trẻ hiểu thêm về các khái niệm toán học. Trong khi cùng trẻ phân chia, bố mẹ nên nhắc đến các con số: “Một chiếc bánh cho con, một chiếc cho mẹ, một chiếc cho bố…” để trẻ ghi nhớ nhé.

Xem lịch

Bố mẹ hãy cho trẻ xem lịch và nói với trẻ về ngày tháng và thời tiết. Những cuốn lịch là công cụ hữu hiệu để giúp trẻ tập đếm và hiểu thêm về các chuỗi số trong toán học. Ngoài ra, để giúp trẻ phát triển tư duy logic, bố mẹ có thể đặt các câu hỏi như: “Tháng 12 thì trời lạnh, chúng ta sẽ mặc đồ gì nhỉ?”.

Tìm hiểu các dạng hình học

Bố mẹ nên cho trẻ chơi với những đồ chơi có hình và màu sắc khác nhau, từ đó giới thiệu cho trẻ về số cạnh, màu sắc của những hình đó. Ngoài ra, bố mẹ có thể cắt các hình bằng bìa nhiều màu để dạy trẻ, và chỉ cho trẻ thấy những biển báo trên phố với nhiều dạng hình học nữa.

Để trẻ hiểu thêm về hình khối, bố mẹ hãy cho trẻ chơi cùng các khối gỗ, hộp nhựa, hộp bìa… có sẵn trong nhà. Trò xếp tháp hoặc lồng các hộp vào nhau sẽ giúp trẻ biết thêm về các loại hình khối. Trẻ cũng hiểu được mối quan hệ giữa các loại hình khối đó, cũng như giữa những thứ có cùng hình khối nhưng kích cỡ khác nhau.

Chui qua hầm

Bố mẹ có thể dùng thùng các-tông cũ, tạo thành đường hầm cho trẻ chui qua. Hoạt động này sẽ giúp trẻ hiểu được vị trí của của mình trong không gian, cũng như mối tương quan giữa cơ thể mình với những vật xung quanh.

Giới thiệu các khái niệm độ dài

Bố mẹ hãy cắt vài sợi dây hoặc dải băng giấy theo nhiều độ dài khác nhau. Sau đó, bố mẹ giải thích cho trẻ biết về các khái niệm dài, ngắn, rồi cùng trẻ sắp xếp theo thứ tự độ dài nhé.

Chạm để học

Bố mẹ hãy cắt bìa thành nhiều hình khác nhau như hình tròn, chữ nhật, tam giác. Sau đó, bảo trẻ nhắm mắt lại rồi sờ các hình để đoán xem đó là hình gì.

Phân loại

Bố mẹ hãy cho trẻ phân loại những thứ như mỳ nui nhiều hình dạng, các loại khuy cỡ lớn, các loại hạt đậu… Hoạt động này sẽ giúp trẻ học cách chia nhóm theo những quy tắc nhất định. Tuy nhiên, bố mẹ nhớ giám sát cẩn thận và dọn sạch ngay sau khi chơi, tránh nguy cơ trẻ cho những thứ này vào miệng và hóc nhé.

Học từ quần áo

Khi chuẩn bị gấp quần áo sạch, bố mẹ hãy tranh thủ giúp trẻ rèn một số kỹ năng toán học qua những trò chơi vui vẻ. Bố mẹ hãy bảo trẻ chia riêng quần, áo, tất, rồi xem đống đồ nào nhiều hơn (ước lượng). Trẻ cũng có thể đếm số lượng đồ sau khi đã phân loại, hoặc tìm hai chiếc tất giống nhau để ghép thành đôi…

Ra sân chơi

Tại sân chơi, bố mẹ hãy cùng trẻ thực hiện nhiều kiểu so sánh như chiều cao (cao/thấp), vị trí (trên/dưới), kích cỡ (to/nhỏ)…

Chọn quần áo

Khi trẻ gần 3 tuổi, bố mẹ nên cho trẻ tự chọn quần áo để mặc. Dựa trên những thứ trẻ đã chọn, bố mẹ hãy đặt những câu hỏi về màu sắc hay họa tiết. Chẳng hạn: “Áo mà con chọn có màu gì? Trong nhà có thứ gì giống màu áo đó không?”… Ngoài ra, bố mẹ có thể cùng trẻ tìm những dạng hình học hay họa tiết (kẻ sọc, xoắn ốc…) trên quần áo nữa.

Trò chơi bảng biểu

Khi trẻ được 3 tuổi, bố mẹ có thể đưa bảng biểu vào cuộc sống hằng ngày theo những cách rất thú vị. Ví dụ, bố mẹ hãy làm cho trẻ một tờ lịch tuần hoặc tháng. Trên đó, trẻ có thể tự dán các kiểu đề can (hoặc vẽ hình) để phân biệt giữa những hôm trời nắng và trời mưa. Cuối tuần, trẻ nên đếm xem số ngày nắng hay mưa nhiều hơn, hoặc cuối tháng thì trẻ có thể so sánh số ngày nắng giữa các tuần… Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể làm các kiểu bảng biểu khác, tùy theo sở thích hoặc ý tưởng của trẻ.

Hy vọng bài viết trên sẽ đem lại những thông tin hữu ích để bố mẹ giúp trẻ phát triển kỹ năng toán học từ sớm nhé!

Xem thêm bài viết:

Nguồn: verywellfamily

Exit mobile version