Hôi miệng là một vấn đề khiến nhiều người mất tự tin khi giao tiếp. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến công việc và đời sống của mọi người. Vì vậy, không ít người tìm đến các biện pháp giúp hơi thở thơm tho. Trong đó, có một phương pháp dân gian vô cùng hữu hiệu giúp cải thiện tình trạng này là sử dụng gừng tươi. Vậy, có những cách trị hôi miệng bằng gừng nào?
Theo thống kê, khoảng 25% dân số mắc bệnh hôi miệng. Nếu bạn thuộc nhóm 25% dân số này, hãy tham khảo ngay những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của MedPlus để biết được 4 cách trị hôi miệng bằng gừng hiệu quả.
Khái quát về chứng hôi miệng
Hôi miệng là tình trạng hơi thở có mùi hôi, gây ra nhiều bối rối trong giao tiếp hằng ngày. Hôi miệng do vi khuẩn tạo mùi phát triển bên trong khoang miệng. Khi không chải răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên, vi khuẩn sẽ tích tụ trên các mảng thức ăn còn sót lại trong miệng và giữa các kẽ răng. Các hợp chất lưu huỳnh do những vi khuẩn này tiết ra làm cho hơi thở có mùi.
Một số loại thực phẩm như tỏi và hành… có thể góp phần gây hôi miệng. Nguyên nhân là do tinh dầu của những món này sau khi tiêu hóa sẽ thấm vào máu, đưa đến phổi và ảnh hưởng đến hơi thở. Hút thuốc lá cũng là một nguyên nhân chính gây hơi thở có mùi.
Hôi miệng có thể là một vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, có thể ngăn ngừa hơi thở có mùi bằng một số phương pháp đơn giản và gần gũi. Nổi bật trong đó là cách trị hôi miệng bằng gừng. Từ xa xưa, gừng đã được sử dụng như một phương thuốc dân gian để làm dịu cơn đau dạ dày, giảm cân… Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, có những cách trị hôi miệng bằng gừng rất hữu hiệu.
Mời bạn đọc tiếp bài viết để biết được 4 cách trị hôi miệng bằng gừng, vừa dễ thực hiện, vừa đem lại hiệu quả bất ngờ.
Tại sao gừng có thể trị chứng hôi miệng? Cách trị hôi miệng bằng gừng có phản khoa học không?
Khi điều tra cách thức thực phẩm ảnh hưởng đến hoạt động của các phân tử trong nước bọt, các nhà nghiên cứu tại Đại học Kỹ thuật Munich (TUM) ở Đức đã phát hiện ra gừng có thể giúp ích trong việc điều trị chứng hôi miệng nhờ vào thành phần tạo nên vị cay: 6-gingerol. Đây là một chất thuộc họ các hợp chất làm cho thực phẩm có vị cay, bao gồm cả capsaicin và piperine được tìm thấy tương ứng trong ớt và tiêu đen.
6-gingerol có tác dụng kích thích các enzim có trong nước bọt phá vỡ các chất có mùi hôi trong miệng, đảm bảo hơi thở thơm tho và dư vị tốt hơn. Cụ thể, nguyên lý cay nồng của gừng làm cho mức độ enzim sulfhydryl oxidase 1 trong nước bọt tăng lên 16 lần trong vài giây. Các enzim này giúp phân hủy các hợp chất chứa lưu huỳnh độc hại gây hôi miệng. Điển hình là việc làm giảm dư vị lâu dài của nhiều loại thực phẩm như cà phê có chứa lưu huỳnh 2-furfurylthiol khiến hơi thở có mùi.
Theo giáo sư Thomas Hofmann, người đứng đầu Viện Sinh học Hệ thống Thực phẩm Leibniz tại TUM, “gừng có thể làm giảm nồng độ chất tạo mùi trong hơi thở thông qua việc làm gia tăng đáng kể lượng sulfhydryl oxidase, gây ra sự suy giảm oxy hóa của 2-furfurylthiol tạo mùi hôi. Do đó, sulfhydryl oxidase có thể được coi là một thành phần của mạng lưới phân tử kích hoạt cơ chế làm sạch miệng sau khi ăn.” Ông cũng cho rằng, phát hiện này có thể góp phần vào sự phát triển trong tương lai của các sản phẩm vệ sinh răng miệng mới.
Bật mí 4 cách trị hôi miệng bằng gừng hiệu quả
Có rất nhiều cách trị hôi miệng bằng gừng. Súc miệng bằng nước gừng tươi hoặc kết hợp gừng cùng các nguyên liệu tự nhiên khác cũng góp phần làm giảm tình trạng hơi thở có mùi. Tham khảo 4 cách trị hôi miệng bằng gừng dưới đây để có một hơi thở thơm tho và tự tin khi giao tiếp:
1. Súc miệng bằng nước gừng chữa hơi thở có mùi
Một trong những cách trị hôi miệng bằng gừng dễ làm nhất là nấu nước gừng tươi để súc miệng. Phương pháp này sẽ giúp khoang miệng tiết ra nhiều axit amin để phân hủy các chất gây hôi miệng.
Nguyên liệu:
- 1 củ gừng tươi
- 350ml nước lọc
Cách thực hiện:
- Bước 1: Rửa sạch gừng tươi, cạo vỏ thái thành từng lát mỏng.
- Bước 2: Cho gừng vào nồi, đun sôi với 350ml nước trong 5-10 phút. Lưu ý, đun với lửa nhỏ để không làm mất tinh dầu và các chất dinh dưỡng có trong gừng.
- Bước 3: Tắt bếp, lọc lấy nước gừng và để nguội.
Để đạt hiệu quả trị hôi miệng tốt nhất, cần súc miệng với nước gừng 2 – 3 lần/ngày, mỗi lần từ 5 – 7 phút. Nếu kiên trì áp dụng mẹo chữa hôi miệng bằng gừng này trong 3 tuần liên tục, tình trạng hơi thở có mùi không chỉ giảm đáng kể mà còn ngăn ngừa được bệnh sâu răng.
2. Cách trị hôi miệng bằng gừng tươi và muối
Phương pháp chữa hôi miệng bằng gừng tươi và muối không chỉ giúp hơi thở thơm tho hơn mà còn có công dụng sát khuẩn khoang miệng.
Nguyên liệu:
- 1 củ gừng tươi
- ½ muỗng muối.
- Một ít nước lọc.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Rửa sạch gừng tươi, cạo vỏ thái thành từng lát mỏng.
- Bước 2: Cho gừng, muối và một ít nước vào máy xay nhuyễn. Mục đích của việc thêm nước là để hỗn hợp được xay dễ dàng hơn.
- Bước 3: Lọc hỗn hợp vừa xay qua rây để lấy nước cốt.
Súc miệng bằng dung dịch vừa lọc được 2 lần/ngày để chữa hôi miệng. Ngoài ra, có thể pha hỗn hợp muối và gừng này với nước ấm để đạt hiệu quả tốt.
3. Uống trà gừng chữa hôi miệng
Trà gừng là một trong những biện pháp trị hôi miệng tại nhà dễ làm nhất. Ngoài ra, công dụng của trà gừng còn giúp thu gọn vòng eo, giúp cơ thể trông thon thả hơn.
Nguyên liệu:
- 1 củ gừng tươi
- 10g trà xanh khô hoặc lá chè xanh tươi.
- Nước sôi.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Đối với lá chè xanh tươi, cần chọn lá không bị sâu, sau đó rửa sạch, cho vào bình trà và đổ 300ml nước sôi vào. Đối với trà xanh khô, cho vào dụng cụ lọc trà, để vào ấm trà và đổ nước sôi vào. Sau 30 giây, đổ bỏ nước đầu tiên. Cho tiếp 300ml nước sôi vào ấm trà rồi ủ 20 phút.
- Bước 2: Trong thời gian hãm trà, rửa sạch gừng tươi, cạo vỏ thái thành từng lát mỏng.
- Bước 3: Cho gừng vào trong ấm trà.
Uống trà gừng lúc còn ấm sẽ giúp trị tình trạng hơi thở có mùi tốt hơn. Ngoài ra, có thể mua các gói trà gừng túi lọc có sẵn để tiết kiệm thời gian.
4. Cách trị hôi miệng bằng gừng tươi và chanh
Nước chanh kết hợp cùng gừng không chỉ có thể điều trị chứng hôi miệng, mà còn giúp loại bỏ vi khuẩn trong miệng.
Nguyên liệu:
- 1 củ gừng tươi
- 2 muỗng nước cốt chanh
- Nước ấm
Cách thực hiện:
- Bước 1: Rửa sạch gừng tươi, cạo vỏ thái thành từng lát mỏng.
- Bước 2: Cho gừng và một ít nước vào máy xay nhuyễn.
- Bước 3: Lọc hỗn hợp vừa xay qua rây để lấy nước cốt.
- Bước 4: Trộn nước cốt chanh và nước cốt gừng trong nước ấm để tạo thành nước súc miệng.
Súc miệng bằng nước chanh – gừng vừa mang lại cảm giác sảng khoái, vừa giúp điều trị hiệu quả chứng hôi miệng.
Lưu ý khi trị hôi miệng bằng gừng
Những cách trị hôi miệng bằng gừng mặc dù rất hiệu quả, tuy nhiên, vẫn có một số điều cần được chú ý khi áp dụng các biện pháp này:
- Khi súc miệng bằng gừng, không được nuốt nước gừng vì có thể chứa nhiều vi khuẩn.
- Phụ nữ có thai, người bị tiểu đường, bệnh tim, cao huyết áp không nên sử dụng gừng. Nguyên nhân là do gừng có tính nóng, có thể ảnh hưởng xấu đến thai nhi và làm tăng huyết áp.
- Không uống trà gừng khi thời tiết nắng nóng, làm việc nặng, đổ mồ hôi, mệt mỏi.
- Nếu có thể, nên để nguyên vỏ của củ gừng và rửa sạch, hoặc hạn chế gọt vỏ quá sâu để tránh làm mất những chất chữa hôi miệng có trong gừng.
- Không uống rượu, bia, hút thuốc lá khi áp dụng cách trị hôi miệng bằng gừng.
- Không được dùng gừng tươi với aspirin và coumarin. Nếu cần phải dùng, bạn nên dùng cách nhau ít nhất 4 giờ.
Cần hiểu rằng, các cách trị hôi miệng bằng gừng không giúp chữa dứt điểm tình trạng hôi miệng. Phương pháp này chỉ giúp ức chế vi khuẩn gây hơi thở có mùi, đồng thời át đi mùi hôi khó chịu. Nếu ngưng áp dụng các biện pháp chữa hôi miệng bằng gừng, tình trạng hôi miệng sẽ tái phát. Vì thế, cần chủ động đi khám nha khoa để được điều trị triệt để các bệnh lý về răng miệng. Có như vậy, tình trạng hôi miệng mới khỏi hoàn toàn.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được 4 cách trị hôi miệng bằng gừng hiệu quả. Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.
Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: A cup of ginger tea could beat bad breath
Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất: