Đôi khi, những người bạn tưởng tượng gây ra những rắc rối, bố mẹ cần biết cách xử lý phù hợp để điều chỉnh hành vi của trẻ nhưng không làm tổn thương trẻ nhé!
Mặc dù những người bạn tưởng tượng đem lại những lợi ích nhất định trong cuộc sống của trẻ, nhưng không phải lúc nào “họ” cũng khiến bố mẹ vui vẻ, dễ chịu. Tuy nhiên, để tránh làm cho trẻ tự ái và thu mình lại, bố mẹ hãy cùng tìm hiểu các cách xử lý phù hợp nhé. Nhất là trong những trường hợp sau đây:
Trẻ nhờ bố mẹ làm nhiều việc cho những người bạn tưởng tượng
Đôi khi, trẻ nhờ bố mẹ làm quá nhiều việc cho những người bạn tưởng tượng, như giữ cửa mở, làm thêm thức ăn hay dọn giường cho “họ”. Nhưng thay vì chiều theo ý trẻ, bố mẹ hãy khuyến khích trẻ tự mình làm những điều đó cho bạn. Bằng cách này, bố mẹ sẽ thể hiện cho trẻ thấy rằng mình tôn trọng và chấp nhận sự tồn tại của những người bạn ấy, nhưng đây cũng là cơ hội để trẻ phát triển các kỹ năng cần thiết.
Trẻ nhất định phải nói chuyện thông qua người bạn tưởng tượng
Nhiều trẻ khăng khăng rằng chuyện gì cũng phải hỏi ý kiến của người bạn tưởng tượng. Thậm chí, trẻ có thể yêu cầu bố mẹ nói chuyện với người bạn ấy, thay vì nói chuyện trực tiếp với trẻ. Nếu điều này khiến bố mẹ khó chịu, hãy thử nói với trẻ rằng: “Bố mẹ muốn biết suy nghĩ của con, chứ không phải của bạn, nên con hãy nói cho bố mẹ biết nhé!”.
Trẻ đổ lỗi cho người bạn tưởng tượng
Đôi lúc, trẻ làm hoặc nói gì đó sai, nhưng lại đổ tội cho người bạn tưởng tượng của mình. Lúc này, bố mẹ nên nói rõ ràng với trẻ rằng, người bạn tưởng tượng không thể làm như thế, và bố mẹ biết ai thực sự là người mắc lỗi. Sau đó, hãy yêu cầu con chịu trách nhiệm một cách hợp lý cho hành vi của mình, ví dụ như tự đi dọn đồ chơi đã bày bừa, tự xin lỗi nếu đã đánh em nhỏ…
Người bạn tưởng tượng là triệu chứng của những vấn đề khác
Trong một số ít trường hợp, những người bạn tưởng tượng có thể là biểu hiện của những vấn đề tiềm ẩn khác. Nếu bố mẹ cảm thấy lo lắng, hãy sớm hỏi ý kiến bác sĩ, nhất là khi trẻ mới trải qua sang chấn tâm lý, hoặc khi trẻ tưởng tượng ra những người bạn xấu tính, độc ác hoặc hư hỗn…
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily