Site icon Medplus.vn

4 kiểu hành vi khiến trẻ bị cô lập

4 kiểu hành vi khiến trẻ bị cô lập

4 kiểu hành vi khiến trẻ bị cô lập

Có một số hành vi khiến trẻ bị cô lập, khi đó trẻ bị nhiều bạn bè không ưa và không chơi cùng. Điều này khiến trẻ cảm thấy rất buồn bã và khổ sở, bởi đôi khi, trẻ không thấy mình làm gì xấu hay “quá đáng” với bạn bè cả. Để giúp đỡ con, bố mẹ nên tìm hiểu xem có phải trẻ có một số hành động dễ dẫn đến tình trạng bị cô lập hay không, từ đó, chỉ cho con cách chỉnh sửa hành vi nhé!

Cố tỏ ra hài hước (nhưng không thành)

Những trẻ hơi lúng túng trong giao tiếp xã hội thường khó biết thế nào là hài hước một cách đủ độ. Những trẻ này thực ra nên cố gắng thể hiện sự tốt bụng hơn là sự hài hước. Bởi vì, “hài hước” là một nghệ thuật tinh tế, khi sự hài hước trở nên “quá đà”, nó sẽ khiến người khác khó chịu.

Vì vậy, tốt nhất là bố mẹ nên dạy trẻ thực hiện những hành động tử tế ở trường lớp, nhưng cũng cần dặn con không đưa tiền hoặc đồ dùng của mình cho các bạn – một số bạn sẽ nhận, nhưng sẽ bớt tôn trọng con. Ngoài ra, việc ghi lại các hành động tốt của con và nhắc lại vào giờ ăn hoặc trước giờ đi ngủ sẽ giúp con cảm thấy tự hào về bản thân mình.

4 kiểu hành vi khiến trẻ bị cô lập

Lờ đi những dấu hiệu “dừng lại”

Một số trẻ không giỏi giao tiếp xã hội thường không nhận ra những tín hiệu tiêu cực từ người khác, và cứ tiếp tục có những hành vi không phù hợp với hoàn cảnh. Ví dụ, trẻ cứ nói mãi về một chủ đề mà người khác không còn hứng thú hay liên tục đá vào ghế của bạn khi bạn đã nhắc nhở rồi.

Vì vậy, bố mẹ nên dạy trẻ về những dấu hiệu “dừng lại” ở người khác, để con biết dừng lại đúng lúc. Ví dụ như khi bạn bè nhìn đi chỗ khác (hoặc thậm chí chạy đi chỗ khác), hoặc nói: “Dừng lại đi!” hay “Cậu phiền quá!”… Bố mẹ có thể bảo trẻ tự viết ra một danh sách những dấu hiệu “dừng lại” kiểu như thế, rồi tập phản ứng trong những trường hợp đó, như nói: “Có vậy thôi đó”, hoặc hỏi: “Cậu muốn chơi gì khác không?”…

Chơi thể thao “xấu tính”

Vui chơi là một cách hữu hiệu để trẻ tương tác với bạn bè. Tuy nhiên, nhiều trẻ có kỹ năng xã hội kém thì hay quá quan trọng việc thắng – thua. Trẻ có thể chơi ăn gian, cãi cọ, xô đẩy hoặc khó chịu nếu mọi thứ không như mong muốn. Việc này làm ảnh hưởng đến tinh thần vui chơi của các bạn khác, khiến các bạn muốn cô lập trẻ.

Bố mẹ có thể tập cho trẻ tinh thần chấp nhận thua cuộc khi ở nhà, bằng cách cho con tự chơi một trò gì đó mà có thể dần dần tự phá các kỷ lục của chính mình, rồi sau đó sẽ là chơi các trò khác với mọi người. Khi chơi, bố mẹ nên giải thích và nhấn mạnh với trẻ rằng, thắng hay thua chỉ là tạm thời, con sẽ không thể lúc nào cũng thắng, nhưng điều con nhận được chính là những khoảnh khắc chơi đùa vui vẻ.

Ba hoa khoác lác

Trẻ gặp vấn đề về giao tiếp xã hội đôi khi muốn gây ấn tượng để “thu hút” các bạn. Tuy nhiên, việc này không bao giờ hiệu quả. Thay vì vậy, trẻ nên tìm những điểm chung giữa mình và các bạn thì hơn.

Trẻ nhỏ làm quen và kết bạn qua việc cùng nhau tham gia các hoạt động. Đứa trẻ nào cũng thường dễ thân hơn với những bạn mà trẻ thấy là giống mình. Vì vậy, bố mẹ nên giúp trẻ tìm ra cách tạo nên hoặc khám phá những điểm chung giữa mình với các bạn, như tham gia vào các hoạt động ngoài giờ học, rủ bạn đến nhà chơi hoặc hỏi về sở thích của bạn bè.

Cho dù hành vi của trẻ đã được cải thiện, nhưng cũng chưa chắc là trẻ được các bạn chấp nhận ngay. Dù sao, đây cũng là bước đầu giúp trẻ kết nối tốt hơn với các bạn và dần dần sẽ không còn bị cô lập nữa.

Xem thêm bài viết:

Nguồn: verywellfamily

Exit mobile version