Site icon Medplus.vn

5 cách giúp bé hết sợ hãi đơn giản

5 cách giúp bé hết sợ hãi đơn giản

5 cách giúp bé hết sợ hãi đơn giản

Khi được khoảng 3 tuổi, bé có thể rất hay sợ hãi vì nhiều lý do. Tuy nhiên, bố mẹ hoàn toàn có thể giúp bé hết sợ hãi chỉ với 5 cách cực kỳ đơn giản.

Khi bé lên 3, khả năng tư duy của bé bắt đầu phát triển và trí tưởng tượng cũng phong phú hơn. Lúc này, bé bắt đầu có nhiều nỗi sợ hãi, đôi khi khá kỳ quặc. Đặc biệt, trước những hiện tượng mà bé chưa từng gặp hoặc chưa có câu trả lời chắc chắn, bé có thể sẽ tự đưa ra nhiều giả thuyết đáng sợ để giải thích. Có thể bố mẹ sẽ thấy những nỗi sợ của bé thật vô lý, nhưng đối với bé thì khác. Bé lên 3 chưa có khả năng phân biệt giữa thực tế và tưởng tượng, vì vậy, để giúp bé hết sợ hãi, bố mẹ không thể chỉ đơn giản là nói: “Điều đó chẳng đáng sợ chút nào”, hay “Ma không có thật đâu con!”, bởi vì bé sẽ chẳng tin đâu!

1. Chấp nhận những nỗi lo lắng của con

Thế giới xung quanh luôn đầy những điều thú vị, có thể kích thích mong muốn khám phá của bé, nhưng lại cũng không thiếu những tình huống lạ lẫm khiến bé bị sợ hãi. Chẳng hạn, bé hay sợ hãi bóng tối vì không nhìn rõ mọi vật xung quanh và cho rằng có nhiều thứ nguy hiểm đang rình rập xung quanh.

Những điều có vẻ bí ẩn cũng có thể khiến bé bị sợ hãi. Nỗi sợ thường xuất hiện khi bé tiếp xúc với một điều gì đó mới mẻ nhưng chưa thực sự hiểu được nó. Đó là lý do vì sao bé hay sợ hãi những gì mang tính bất ngờ như tiếng động lớn và đột ngột, hay những thứ có có vẻ rắc rối, khó hiểu như đường ống nước hoặc quạt điện đang quay.

Bé 3-4 tuổi chưa phân biệt được giữa thực tế và tưởng tượng, nên kể cả những nhân vật trong sách truyện như con rồng phun lửa cũng có thể khiến bé bị sợ hãi và luôn lo rằng những con quái vật tương tự cũng nấp trong tủ nhà mình. Ở tuổi này, bé bắt đầu hiểu được những ký hiệu, hình ảnh tượng trưng, nên bé cũng có thể sợ nhện vì nhện gắn liền với ngày lễ hóa trang kinh dị Halloween. Nói chung, bé chưa hiểu được rằng những điều đáng sợ mà bé xem trên phim hay trong sách thì không nhất thiết là sẽ xảy ra với mình hoặc những người thân yêu của mình.

5 cách giúp bé hết sợ hãi đơn giản

2. Chú ý tới những dấu hiệu để giúp bé hết sợ hãi

Khi sợ hãi, một số bé có thể sẽ nói: “Con sợ lắm!” hoặc “Con không muốn đi ra đó đâu!”. Tuy nhiên, nhiều bé lại chưa có đủ kỹ năng ngôn ngữ để thể hiện nỗi sợ của mình. Thay vào đó, bé có thể tỏ ra bồn chồn, ủ rũ, cáu kỉnh, và đôi khi, nó còn khiến bé khó chịu về thể chất như bị đau đầu hoặc đau bụng.

Nếu bé tỏ ra khó chịu, tốt nhất là bố mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để loại trừ những nguyên nhân về thể chất. Nếu những cơn đau xuất hiện vào cùng một thời điểm mỗi ngày hoặc có liên quan tới một sự kiện cụ thể, thì rất có thể nỗi sợ hãi chính là nguyên nhân.

3. Từng bước giúp bé hết sợ hãi

Khi biết bé hay sợ hãi, nhiều bố mẹ thường cố gắng tránh để con tiếp xúc với những yếu tố gây ra nỗi sợ. Nhưng thực tế, cách này còn khiến bé ngày càng hay sợ sệt hơn. Thay vì né tránh, bố mẹ nên giúp bé làm quen dần, từng chút một, với những tình huống có thể khiến bé bị sợ hãi. Ví dụ, nếu bé sợ chú chó nhà hàng xóm, bố mẹ hãy cho bé đứng trong nhà mình, nhìn chú chó qua cửa sổ. Khi bé đã quen dần, bố mẹ có thể cho bé lại gần chú chó hơn nhưng vẫn bế bé trên tay để bé thấy an toàn. Đối với những tình huống có thể gây bất ngờ, bố mẹ nên mô tả trước về những gì sẽ diễn ra để giảm nguy cơ bé bị giật mình.

4. Tập trung vào những điều vui vẻ

Những cách tiếp cận vui vẻ có thể giúp bé hết sợ hãi rất nhanh chóng. Chẳng hạn, nếu bé sợ bóng tối, bố mẹ hãy thử tắt đèn trong phòng, chỉ bật đèn pin khi kể chuyện trước khi đi ngủ, hoặc cho bé chơi những món đồ chơi phát sáng trong bóng tối.

Còn nếu bé sợ ma hay quái vật thì bố mẹ hãy vẽ những con quái vật với vẻ mặt buồn cười, hoặc cho bé chơi trò đóng kịch, trong đó bé chiến thắng quái vật.

5. Giúp bé thư giãn

Khi lên 4 tuổi, bé đã kiên nhẫn hơn và có đủ ý thức về cơ thể mình để luyện tập hít thở sâu. Bố mẹ hãy hướng dẫn bé nằm ngửa, nhắm mắt, hít vào trong khi co vai lên phía tai, rồi từ từ thả lỏng vai xuống và nhẹ nhàng thở ra. Việc tập hít thở chậm và sâu vài phút mỗi ngày sẽ giúp bé điều khiển cảm xúc và các phản ứng của cơ thể tốt hơn, từ đó, bé có thể lấy lại bình tĩnh khi nỗi lo sợ đang chuẩn bị ùa tới.

Bố mẹ hãy thật kiên nhẫn trong quá trình giúp bé hết sợ hãi nhé, vì theo cách nhìn của bé thì những thứ đáng sợ không hề “tầm thường” như cách người lớn nghĩ đâu. Dù sao, với sự hỗ trợ của bố mẹ thì dần dần, tâm lý của bé sẽ vững vàng hơn rất nhiều đấy!

Xem thêm bài viết:

Nguồn: verywellfamily

Exit mobile version