Bệnh cao huyết áp có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị hiệu quả. Hiểu rõ về cao huyết áp sẽ giúp bạn sớm phát hiện và có hướng điều trị kịp thời.
Huyết áp cao là bao nhiêu? Bệnh cao huyết áp có chữa khỏi được không? Bị tăng huyết áp nên làm gì? Xem ngay những chia sẻ dưới đây của MedPlus để phần nào có câu trả lời cho những băn khoăn trên bạn nhé!
1. Huyết áp cao là bao nhiêu?
Trước tiên, bạn cần biết, huyết áp được định nghĩa là áp lực của máu tác động lên thành động mạch khi tim hoạt động. Huyết áp được biểu hiện bằng 2 chỉ số:
- Huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa): Thể hiện áp lực trong mạch máu khi tim co bóp
- Huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu): Thể hiện áp lực trong mạch máu khi tim nghỉ ngơi giữa 2 nhịp đập.
Theo Bộ Y tế, huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương ở người bình thường sẽ ở mức dưới 130mmHg và 85mmHg. Nếu huyết áp tâm thu nằm trong khoảng 130 – 139mmHg và huyết áp tâm trương ở khoảng 85 – 89mmHg thì được gọi là giai đoạn tiền cao huyết áp. Huyết áp được xem là cao nếu huyết áp tâm thu từ 140mmHg trở lên và huyết áp tâm trương từ 90mmHg trở lên (khi được cán bộ y tế đo theo đúng quy trình).
2. Bệnh cao huyết áp nguy hiểm như thế nào?
Cao huyết áp được xem là “kẻ giết người thầm lặng”, có thể âm thầm làm tổn thương đến sức khỏe người bệnh ngay cả khi chưa biểu hiện thành các triệu chứng rõ rệt. Tình trạng huyết áp cao kéo dài có thể tác động đến nhiều cơ quan trong cơ thể như động mạch, tim, não, thận, mắt, cơ quan sinh dục… và làm tăng nguy cơ dẫn đến các biến chứng như nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
- Tổn thương động mạch: Huyết áp cao có thể gây tổn thương các tế bào của lớp lót bên trong động mạch, khiến chất béo từ chế độ ăn dễ tích tụ và làm thành động mạch trở nên kém đàn hồi, từ đó hạn chế khả năng lưu thông máu của động mạch. Ngoài ra, áp lực máu cao liên tục có thể khiến một phần của động mạch phình to ra. Nếu bị vỡ, chỗ phình này có thể gây xuất huyết và dẫn đến tử vong.
- Tổn thương tim: Bệnh cao huyết áp khiến việc cung cấp máu cho tim gặp nhiều khó khăn, từ đó dẫn đến các vấn đề như đau thắt ngực, nhịp tim bất thường hoặc nhồi máu cơ tim. Không những vậy, tim cũng phải làm việc nhiều hơn để đưa máu đến các bộ phận khác trong cơ thể. Điều này khiến tâm thất trái dày lên và làm tăng nguy cơ dẫn đến nhồi máu cơ tim, suy tim hoặc đột tử do ngừng tim.
- Tổn thương não: Huyết áp cao có thể ảnh hưởng đến não và dẫn đến nhiều biến chứng như suy giảm nhận thức mức độ nhẹ, sa sút trí tuệ, cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua (TIA) hoặc đột quỵ.
- Tổn thương thận: Huyết áp tăng cao là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sẹo thận (xơ hóa cầu thận) và suy thận.
- Tổn thương mắt: Huyết áp cao có thể làm “hư hỏng” các mạch máu nhỏ ở mắt, gây nên các vấn đề ở võng mạc, màng mạch hoặc làm tổn thương các dây thần kinh thị giác.
- Rối loạn chức năng sinh dục: Nam giới bị cao huyết áp có nhiều khả năng bị rối loạn cương dương vì bệnh lý này gây hạn chế lưu lượng máu đến dương vật. Đối với phụ nữ, lưu lượng máu đến âm đạo giảm do huyết áp cao có thể gây khô âm đạo, giảm ham muốn tình dục hoặc khó đạt được cực khoái khi giao hợp.
3. Bệnh cao huyết áp có chữa khỏi được không?
Cao huyết áp là một bệnh lý mạn tính, không có cách nào để chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, người bệnh có thể áp dụng nhiều phương pháp khác nhau để kiểm soát huyết áp.
Người bị cao huyết áp được khuyên nên duy trì lối sống lành mạnh để kiểm soát tốt tình trạng này. Ngoài ra, trong một số trường hợp, dựa vào chỉ số huyết áp cũng như nguy cơ phát triển các biến chứng do tăng huyết áp như đau tim hoặc đột quỵ mà bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc để làm giảm huyết áp.
Hiện có nhiều nhóm thuốc khác nhau có thể được sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp để kiểm soát huyết áp, chẳng hạn như nhóm thuốc chẹn kênh canxi. Nhóm thuốc này có tác dụng ngăn canxi đi vào các tế bào cơ trơn ở tim và động mạch, giúp tim co bóp chậm lại, đồng thời thư giãn và mở rộng các mạch máu đang bị thu hẹp. Điều này có tác dụng làm giảm nhịp tim và huyết áp. Bên cạnh nhóm thuốc chẹn canxi, các loại thuốc điều trị cao huyết áp khác thường được sử dụng phổ biến là:
- Thuốc lợi tiểu
- Thuốc ức chế men chuyển (ACE)
- Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB).
Nếu vẫn không đạt được huyết áp mục tiêu dù đã sử dụng kết hợp các loại thuốc kể trên, bác sĩ có thể kê đơn thêm một số loại thuốc khác để điều trị bệnh cao huyết áp như thuốc chẹn alpha, thuốc chẹn beta, thuốc chẹn alpha-beta, thuốc kháng aldosterone, thuốc ức chế renin hoặc thuốc giãn mạch.
Khi bị cao huyết áp, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc có cần sử dụng thuốc hay không cũng như đâu là loại thuốc hạ huyết áp phù hợp nhất.
4. Làm gì khi bị tăng huyết áp đột ngột?
Do là một tình trạng mạn tính nên thường bệnh cao huyết áp sẽ gây tổn thương cho cơ thể từ từ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp như căng thẳng, ăn quá nhiều muối, béo phì, lười vận động, huyết áp có thể tăng nhanh và nghiêm trọng đến mức cần phải nhập viện và cấp cứu ngay lập tức.
Khi nghi ngờ bản thân hoặc ai đó bị tăng huyết áp đột ngột, bạn cần kiểm tra chỉ số huyết áp ngay lập tức. Nếu chỉ số huyết áp cao trên 180/120mmHg, bạn hãy chờ 5 phút và đo lại lần nữa.
Trong trường hợp chỉ số này vẫn cao nhưng bạn không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nghiêm trọng nào như đau thắt ngực, khó thở, đau lưng, tê hoặc yếu cơ, các vấn đề về thị lực, khó nói… thì được xem là tình trạng tăng huyết áp khẩn trương. Lúc này, bạn nên đến bệnh viện thăm khám. Đa phần, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn điều chỉnh hoặc sử dụng thêm thuốc để kiểm soát huyết áp nhưng hiếm khi phải nhập viện.
Còn nếu chỉ số huyết áp vẫn cao trên 180/120mmHg và bạn có các triệu chứng nghiêm trọng kể trên, hãy đi cấp cứu ngay lập tức vì đây là biểu hiện của tình trạng tăng huyết áp cấp cứu.
5. Làm thế nào để kiểm soát bệnh cao huyết áp hiệu quả?
Để kiểm soát bệnh cao huyết áp hiệu quả, bạn cần kết hợp giữa việc thay đổi lối sống và sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Thay đổi lối sống
Lối sống đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị bệnh cao huyết áp. Nếu kiểm soát thành công huyết áp bằng một lối sống lành mạnh, bạn có thể tránh, trì hoãn hoặc giảm thiểu nhu cầu sử dụng thuốc. Dưới đây là những thay đổi trong lối sống có thể giúp bạn kiểm soát và duy trì huyết áp ổn định:
- Giảm cân và giảm vòng eo
- Tập thể dục thường xuyên
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh
- Hạn chế lượng natri tiêu thụ ở mức 1500mg mỗi ngày
- Hạn chế rượu bia
- Bỏ thuốc lá
- Hạn chế tiêu thụ caffeine
- Giảm căng thẳng
- Theo dõi huyết áp tại nhà và đi khám bác sĩ thường xuyên.
Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc điều trị cao huyết áp phù hợp tùy vào chỉ số huyết áp và sức khỏe tổng thể. Thông thường, hai hoặc nhiều loại thuốc sẽ được sử dụng kết hợp để cho hiệu quả tốt hơn. Nếu được chỉ định dùng thuốc, bạn cần uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Nếu sử dụng không đều đặn, thuốc có thể không phát huy tác dụng giảm huyết áp như mong đợi.
Các thuốc hạ huyết áp cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ như ho, tiêu chảy, táo bón, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, ngứa da, mệt mỏi… Lúc này, bạn không được tự ý ngừng thuốc mà nên thông báo với bác sĩ để được điều chỉnh thuốc phù hợp.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn giải đáp những thắc mắc thường gặp xoay quanh bệnh cao huyết áp và những phương pháp điều trị bệnh hiệu quả. Đừng chủ quan vì cao huyết áp có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Bạn hãy tiến hành kiểm tra huyết áp thường xuyên và thăm khám ngay khi nhận thấy các chỉ số huyết áp cao hơn mức bình thường để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời nhé.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.
Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: Overview – High blood pressure (hypertension)
10 ways to control high blood pressure without medication
Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất: