Site icon Medplus.vn

5 cư xử làm tổn thương lòng tự trọng ở trẻ

5 cư xử làm tổn thương lòng tự trọng ở trẻ

5 cư xử làm tổn thương lòng tự trọng ở trẻ

Để tránh làm tổn thương lòng tự trọng ở trẻ hoặc trẻ trở nên tự ti, bố mẹ hãy cùng tìm hiểu về những sai lầm cần được loại bỏ trong cách cư xử của chính mình trong bài viết dưới đây nhé!

Không bố mẹ nào muốn cố ý gây tổn thương cho con. Tuy nhiên, nếu bố mẹ có một số cách thể hiện không phù hợp, thì tâm lý, lòng tự trọng và tự tin của trẻ đều bị ảnh hưởng. Vì vậy, bố mẹ hãy chú ý tránh những sai lầm sau đây trong cách cư xử:

1. Bỏ bê hoặc ít dành thời gian cho trẻ

Khi bố mẹ dành nhiều thời gian và tình cảm cho trẻ, trẻ sẽ nhận ra được giá trị của bản thân và hiểu rằng mình xứng đáng được yêu thương. Từ đó, trẻ học được cách yêu thương và trân trọng bản thân. Với những trẻ bị bỏ bê, ít được quan tâm, lòng tự trọng của trẻ giảm đi và thậm chí trẻ có thể bị chậm phát triển về mặt cảm xúc.

2. Cãi nhau trước mặt trẻ

Khi phải chứng kiến cảnh bố mẹ xung đột, cãi vã, trẻ sẽ cảm thấy bất an, sợ hãi, và rất khó thoát khỏi cảm giác này. Trẻ rất nhạy cảm và có thể cảm nhận được sự căng thẳng chỉ qua nét mặt, tông giọng của bố mẹ. Vì vậy, nếu bố mẹ đang có bất hòa, hãy cố gắng giữ bình tĩnh và tìm nơi phù hợp để trao đổi, thay vì thể hiện tất cả trước mặt con nhé!

5 cư xử làm tổn thương lòng tự trọng ở trẻ

3. Chê trách những đặc điểm riêng của trẻ

Nhiều bố mẹ muốn con phải giống mình về tính cách, suy nghĩ, sở thích, mục tiêu… Vì vậy, họ tỏ ra không hài lòng, thường xuyên chê bai hoặc thậm chí là coi thường những đặc điểm riêng của con mình.

Việc chỉ trích những khả và những đặc điểm riêng của trẻ khiến trẻ bị tổn thương và ám ảnh lâu dài. Trẻ sẽ cảm thấy rằng mình kém cỏi, không được yêu thương, không được trân trọng. Vì thế, trẻ cũng dần mất đi lòng tự trọng và tình yêu đối với bản thân mình.

Ngoài ra, bố mẹ cũng đừng đòi hỏi trẻ phải hoàn hảo, rồi cố chê bai để tác động đến trẻ, chẳng hạn như chê con béo để con giảm ăn. Hành động này sẽ phản tác dụng và khiến trẻ mặc cảm về hình ảnh bản thân, từ đó trở nên vô cùng tự ti.

Điều bố mẹ nên làm là khuyến khích, động viên để trẻ phát triển những ưu điểm cá nhân và có suy nghĩ riêng của mình nhé!

4. Đay nghiến khi trẻ mắc sai lầm

Trẻ nào cũng thích khám phá và thử nghiệm. Tuy nhiên, nhiều bố mẹ luôn làm to chuyện mỗi khi con mắc sai lầm, coi đó là “trọng tội”, và nói với con bằng những lời lẽ rất tiêu cực. Ví dụ: khi con làm sai việc gì đó, bố mẹ liền mắng con là “ngu ngốc” hay “vô dụng”.

Việc đay nghiến về sai lầm của trẻ chính là một dạng bạo hành tâm lý. Trẻ sẽ vì thế mà trở nên hay lo lắng, thiếu chủ động, không dám đối đầu với những thách thức. Trẻ cũng sẽ không chấp nhận được thất bại, thường tự trách móc bản thân và rất dễ suy sụp.

Để trẻ mạnh mẽ, kiên cường hơn, bố mẹ cần dạy cho trẻ thái độ sống tích cực. Biết nhận ra sai lầm, chấp nhận sai lầm và tìm cách thay đổi là những khả năng rất giá trị, rất quan trọng trong cả cuộc đời. Vì vậy, khi trẻ gặp thất bại, bố mẹ hãy khích lệ con chấp nhận điều đó và cố gắng tìm cách làm tốt hơn nhé.

5. Tiết kiệm lời khen ngợi con

Nhiều bố mẹ cho rằng, việc khen ngợi sẽ khiến trẻ mềm yếu, tự cao, rồi sinh hư. Họ coi những lúc trẻ cư xử tốt hoặc đạt được thành tích là chuyện tất yếu.

Thực tế, trẻ rất cần lời khen của bố mẹ để hiểu rằng mình đã làm tốt, từ đó tiếp tục phát huy. Lời khen của bố mẹ cũng chính là động lực để trẻ luôn cố gắng, bởi trẻ cảm thấy mình được yêu thương, tôn trọng, ghi nhận. Bố mẹ không nhất thiết phải khen con quá thường xuyên, nhưng hãy để ý tới những nỗ lực của con để khích lệ đúng lúc. Bằng cách này, trẻ sẽ phát triển được khả năng suy nghĩ tích cực và ngày càng tiến bộ hơn.

Xem thêm bài viết:

Nguồn: verywellfamily

Exit mobile version