Site icon Medplus.vn

5 hành vi xấu của trẻ mẫu giáo

5 hành vi xấu của trẻ mẫu giáo

5 hành vi xấu của trẻ mẫu giáo

Ngay cả những trẻ dễ thương nhất cũng có lúc hành động không đúng mực. Bố mẹ hãy cùng tìm hiểu cách điều chỉnh hành vi xấu của trẻ mẫu giáo nhé!

Trẻ 3-4 tuổi học hỏi bằng cách thử nghiệm các giới hạn. Vì vậy, trong những tình huống mà trẻ không hài lòng hoặc không có khả năng kiểm soát, trẻ có thể có thái độ và hành vi hung hăng hơn. Những điều này đều là bình thường. Tuy nhiên, đây cũng chính là giai đoạn thích hợp để bố mẹ dạy trẻ những cách tốt hơn để giải quyết vấn đề. Vậy bố mẹ hãy tham khảo lời khuyên của các chuyên gia đối với 5 kiểu hành vi xấu thường gặp ở trẻ nhé:

Hành vi xấu của trẻ mẫu giáo 1: Nói dối

Khi trẻ nói sai sự thật thì không phải là trẻ có ý xấu, mà chỉ vì ở độ tuổi này, trẻ chưa hiểu được rằng nói như thế là không đúng.

Trẻ ở độ tuổi mẫu giáo thường có hai kiểu nói dối: nói dối để bảo vệ bản thân hoặc ba hoa khoác lác. Ví dụ, khi lỡ vẽ bậy lên tường, trẻ sẽ nói dối là không phải mình vẽ để không bị bố mẹ mắng. Hoặc trẻ khoe với bạn bè rằng sinh nhật vừa rồi, bố mẹ tặng cho trẻ một chú chim cánh cụt làm thú cưng. Kiểu nói dối thứ hai là do trẻ chưa phân biệt được giữa hiện thực và tưởng tượng.

Nếu bố mẹ thấy trẻ nói dối, hãy nói rõ ra nhưng đừng chỉ trích hoặc cáu giận với trẻ. Những lời nói dối ở tuổi này thường là những mong muốn của trẻ, nên bố mẹ hãy nhìn nhận điều đó. Bố mẹ có thể nói: “Mẹ biết là con muốn bố cho con xem tivi trước khi đi ngủ. Nhưng mẹ biết là bố đã không hề đồng ý, thế nên để mai mình xem con nhé!”. Dần dần, trẻ sẽ hiểu rằng việc bịa chuyện sẽ chẳng có ích gì. Tuy nhiên, bố mẹ không nên phạt trẻ, vì nhiều trẻ thực sự tin vào những chuyện tưởng tượng của mình. Vì vậy, việc nhẹ nhàng nhắc rằng trẻ cần nói thật sẽ tốt hơn là việc kỷ luật trẻ.

5 hành vi xấu của trẻ mẫu giáo

Hành vi xấu của trẻ mẫu giáo 2: Rên rỉ than vãn

Đây là cách để trẻ thể hiện thái độ bất mãn, do đói bụng hay buồn chán. Trẻ cũng biết đây là cách hữu hiệu để thu hút sự chú ý của bố mẹ, nên sẽ dùng giọng rên rỉ mỗi khi không hài lòng hoặc muốn thứ gì đó.

Khi trẻ lèo nhèo, bố mẹ hãy bình tĩnh nói rằng, bố mẹ không nghe rõ và không thể hiểu được nếu con cứ dùng giọng đó, và trẻ cần dùng giọng bình thường. Rồi bố mẹ hãy chú ý đến nhu cầu của trẻ khi trẻ nói lễ phép, đàng hoàng. Bố mẹ cũng không nên phớt lờ vì nếu bị bố mẹ mặc kệ thì trẻ sẽ càng cáu kỉnh và quấy hơn. Ngoài ra, bố mẹ cũng cần để ý vì trẻ rên rỉ có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ đang mệt nữa.

Hành vi xấu của trẻ mẫu giáo 3: Ném đồ đạc

Thường thì trẻ ở độ tuổi này ném đồ đạc là do cáu giận hoặc muốn được bố mẹ chú ý.

Nếu không muốn trẻ làm hỏng đồ đạc, bố mẹ cần đưa ra những nguyên tắc rõ ràng, rằng trẻ có thể ném những thứ gì (bóng mềm, gối ôm…) và ở đâu (ngoài sân, trên giường…). Nếu trẻ ném sách truyện vì tức giận, bố mẹ hãy nhìn nhận cảm xúc của trẻ và giải thích: “Bố mẹ hiểu là con đang bực tức, nhưng con ném sách như thế thì sách sẽ bị rách. Và sách mà bị rách thì con sẽ không thể đọc được nữa. Vậy con hãy chờ bố mẹ làm xong việc này rồi chúng ta cùng đọc cuốn ‘Cô bé lọ lem’ nhé?”.

Hành vi xấu của trẻ mẫu giáo 4: Đánh bạn

Đây là giai đoạn trẻ dễ ức chế trong việc thể hiện cảm xúc. Trẻ có vốn từ vựng để diễn tả cảm xúc, nhưng khi bực bội, trẻ không thể nói về tâm trạng của mình một cách nhanh chóng và chính xác được. Vì vậy, khi một người bạn làm gì đó không vừa ý trẻ, trẻ có thể chọn cách đánh bạn.

Nếu trẻ đánh bạn, chẳng hạn vì bạn giật đồ chơi của trẻ, bố mẹ hãy nhắc trẻ rằng việc đánh người khác là sai và dạy cho trẻ cách dùng lời nói để giải quyết vấn đề. Ví dụ: “Có vẻ như con chưa chơi xong lượt của mình nhỉ? Con thử bảo bạn Linh trả đồ chơi cho con đi!”.

Hành vi xấu của trẻ mẫu giáo 5: Thái độ hống hách

Trẻ đang ở độ tuổi muốn kiểm soát những việc xảy ra xung quanh mình. Ngoài ra, đôi khi, trẻ đòi hỏi để xem bố mẹ chịu được đến đâu, hoặc để chỉ cho bố mẹ thấy là bố mẹ đã làm nhầm gì đó.

Bố mẹ hãy tôn trọng nhu cầu của trẻ, tuy nhiên cũng không nên quá chiều chuộng. Nếu trẻ đòi hỏi và bố mẹ đang thuận tiện thì bố mẹ đáp ứng yêu cầu của trẻ cũng được. Tuy nhiên, nếu trẻ “ra lệnh” thì bố mẹ cần giải thích rằng, bố mẹ sẽ chỉ làm gì đó cho trẻ nếu trẻ lịch sự đề nghị. Trẻ càng cau có, bố mẹ càng không nên nhượng bộ.

Mong rằng bài viết này có thể giúp bố mẹ có cách xử lý thích hợp đối với những hành vi xấu mà trẻ thường có nhé!

Xem thêm bài viết:

Nguồn: verywellfamily

Exit mobile version