Site icon Medplus.vn

5 loại xét nghiệm giúp chẩn đoán bệnh viêm cơ tim

Vậy, tiêu chuẩn chẩn đoán viêm cơ tim là gì và cần tiến hành những xét nghiệm nào để chẩn đoán chính xác bệnh? Mời bạn cùng MedPlus tìm hiểu cụ thể trong bài viết này nhé!

Các xét nghiệm giúp chẩn đoán viêm cơ tim

Chẩn đoán viêm cơ tim có thể gặp khó khăn bởi một số người bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ và không đặc hiệu, dễ nhầm lẫn với các vấn đề về tim mạch khác. Bác sĩ sẽ cần phải thăm khám sức khỏe, hỏi kỹ lưỡng về tiền sử bệnh và các triệu chứng mà bạn đang gặp phải.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu thực hiện một hoặc nhiều xét nghiệm sau đây để xác định chính xác bạn có mắc bệnh viêm cơ tim hay không và mức độ nghiêm trọng của bệnh:

Điện tâm đồ viêm cơ tim

Điện tâm đồ là công cụ để đo hoạt động điện của tim bằng các điện cực dán trên da trước vùng ngực trái. Mô hình điện tim được ghi lại dưới dạng các sóng. Vai trò của điện tâm đồ là giúp phát hiện tình trạng nhịp tim không đều hay rối loạn nhịp tim và các đường biểu diễn điện học bất thường hướng đến chẩn đoán viêm cơ tim.

Chụp X-quang ngực

Chụp X-quang ngực là một xét nghiệm hình ảnh khá phổ biến trong chẩn đoán viêm cơ tim. Xét nghiệm này cho biết kích thước và hình dạng của tim cũng như các cấu trúc khác trong lồng ngực. Nếu kích thước tim lớn hơn, mạch máu của phổi đậm hơn trên phim có thể cho thấy dấu hiệu bất thường cảnh báo chức năng tim suy giảm. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng xem xét trên phim X-quang xem có dịch trong màng ngoài tim, khoang màng phổi liên quan đến suy tim hay không.

Siêu âm tim

Siêu âm tim là xét nghiệm sử dụng sóng âm thanh tần số cao để tạo ra hình ảnh chuyển động của tim đang hoạt động. Công cụ này có thể cho biết kích thước tim và chức năng tim đang bơm máu tốt như thế nào. Ngoài ra, bằng cách siêu âm, bác sĩ cũng có thể biết các vấn đề về van tim, có cục máu đông hình thành trong tim hoặc tràn dịch màng ngoài tim hay không.

Chụp cộng hưởng từ (MRI) tim để chẩn đoán viêm cơ tim

Chụp MRI tim sử dụng sóng điện từ; cho biết kích thước, hình dạng và cấu trúc của tim. Hình ảnh học này có thể cho thấy dấu hiệu của tình trạng viêm cơ tim, khác với chụp X-quang ngực hay siêu âm tim. Thậm chí, trong một số trường hợp, chụp MRI tim sẽ hỗ trợ chẩn đoán viêm cơ tim mà không cần phải sinh thiết tim.

Xét nghiệm máu

Các xét nghiệm máu được sử dụng để chẩn đoán viêm cơ tim bao gồm công thức máu toàn bộ và xét nghiệm để kiểm tra nồng độ của một số protein (enzym) báo hiệu tổn thương cơ tim. Ngoài ra, các xét nghiệm máu khác có thể được thực hiện để xác định xem cơ thể có các kháng thể chống lại virus và các sinh vật khác gây nhiễm trùng như là nguyên nhân dẫn đến viêm cơ tim hay không.

Sinh thiết tim để chẩn đoán viêm cơ tim

Trong những trường hợp nghiêm trọng, sinh thiết tim nên được thực hiện để chẩn đoán xác định bằng giải phẫu học. Đây là cơ sở cho các bác sĩ có thể đưa ra tiên lượng và phác đồ điều trị phù hợp.

Bác sĩ thực hiện sinh thiết tim bằng cách sử dụng một ống thông dài được đưa vào đường động mạch hoặc tĩnh mạch ở bẹn hoặc cổ tay và luồn vào tim. Trong quá trình này, một công cụ đặc biệt sẽ đưa vào buồng tim để lấy một mẫu mô cơ tim rất nhỏ (sinh thiết) và phân tích trong phòng thí nghiệm, dưới kính hiển vi để kiểm tra tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng.

Bạn nên làm gì sau khi được chẩn đoán mắc bệnh viêm cơ tim?

Sau khi đưa ra chẩn đoán viêm cơ tim, bác sĩ có thể đề nghị theo dõi, điều trị nâng đỡ hay điều trị đặc hiệu tùy theo nguyên nhân, triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Một số người bệnh chỉ cần dùng thuốc trong vài tháng và sau đó hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, một số người bị tổn thương cơ tim mãn tính, không thể phục hồi hoàn toàn và cần dùng thuốc tim mạch suốt đời, hoặc phải cấy ghép các thiết bị hỗ trợ chức năng tim. Nghiêm trọng hơn, một số bệnh nhân cần phải được ghép tim để duy trì sự sống.

Bên cạnh đó, người được chẩn đoán mắc bệnh viêm cơ tim cũng nên thay đổi lối sống lành mạnh để hỗ trợ phục hồi chức năng cơ tim, bao gồm:

  • Nghỉ ngơi và giảm bớt những hoạt động thể chất có thể tác động tiêu cực lên tim.
  • Giảm lượng muối (natri) trong chế độ ăn uống.
  • Hạn chế uống rượu.
  • Hạn chế uống nước quá nhiều, hãy tham khảo bác sĩ về lượng nước nên uống.
  • Bỏ hút thuốc.
  • Tránh tham gia các bộ môn thể thao cạnh tranh và tập thể dục quá sức ít nhất từ 3-6 tháng sau khi chẩn đoán viêm cơ tim.

Một khi bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh viêm cơ tim, bạn có thể bị tái phát bệnh sau nhiều năm. Vì vậy, hãy thăm khám càng sớm càng tốt nếu nhận thấy những triệu chứng bất thường.

Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn những xét nghiệm giúp chẩn đoán viêm cơ tim và những việc cần làm sau khi được chẩn đoán mắc bệnh. Chẩn đoán và điều trị viêm cơ tim sớm ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường là việc làm cần thiết để giúp bạn vẫn giữ được một trái tim khỏe mạnh!

Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.

Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn: Myocarditis

Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất:

Exit mobile version