Giãn đồng tử là gì?
Giãn đồng tử là sự giãn nở của đồng tử, sự kích thích của các sợi xuyên tâm của mống mắt làm tăng khẩu độ đồng tử. Giãn đồng tử có thể là một phản ứng có tính sinh lý hoặc do một nguyên nhân nào đó.
Lý giải một chút, đồng tử là một lỗ đen nằm ở trung tâm mống mắt. Chúng tập trung ánh sáng và mang đến võng mạc để tạo thành hình ảnh. Đồng tử hay con ngươi khi nhìn bằng mắt thường có dạng hình tròn màu đen trong mắt. Chúng có nhiệm vụ thu thập ánh sáng và hình ảnh, sau đó truyền tín hiệu đến võng mạc để giúp ta nhìn thấy được. Đồng tử giãn ra hoặc mở rộng hơn là phản ứng điển hình nhằm đáp ứng với tình trạng giảm ánh sáng bên ngoài.
Thỉnh thoảng không phải do mức độ ánh sáng bên ngoài. Thậm chí đồng tử vẫn mở to trong môi trường có ánh sáng đầy đủ, bác sĩ gọi tình trạng này là giãn đồng tử. Trái ngược với bệnh này là co đồng tử (khi đồng tử thu lại nhỏ hơn).
Nguyên nhân gây giãn đồng tử
Có nhiều nguyên nhân ví dụ như:
Thuốc
Một số loại thuốc làm cho mắt nhạy cảm với ánh sáng như thuốc histamin, thuốc say tàu xe, thuốc buồn nôn, thuốc trầm cảm ba vòng, thuốc điều trị parkinson, thuốc chống động kinh,…
Chấn thương mắt
Một số chấn thương mắt nghiêm trọng dẫn tới tổn thương mống mắt và khiến cho đồng tử giãn ra hoặc biến dạng. Ngoài ra, chấn thương mắt có thể gặp trong quá trình phẫu thuật như ghép giác mạc, mổ đục thủy tinh thể.
Các bệnh về não
Đột quỵ, u não hay chấn thương đầu có thể ảnh hưởng khả năng mắt nhạy cảm với ánh sáng, khiến cho đồng tử ở một hoặc cả hai bên mắt bị giãn. Áp lực tích tụ bên trong não sau các tình trạng trên có thể làm tổn thương các cơ trong mống mắt có chức năng giúp đồng tử co giãn.
Thuốc gây nghiện
Những người có sử dụng thuốc gây nghiện sẽ khiến cho mắt phản ứng chậm với ánh sáng và đồng tử bị giãn. Bên cạnh đó, thuốc cai nghiện cũng có thể làm xảy ra tình trạng này.
Mống mắt có dị tật bẩm sinh
Dị tật mống mắt bẩm sinh là tình trạng khiếm khuyết một phần hay toàn phần ở mống mắt, làm cho đồng tử bị giãn rất rộng. Dị tật mống mắt thường gây ảnh hưởng ở cả hai mắt. Đi kèm với các vấn đề nghiêm trọng như: đục thủy tinh thể bẩm sinh. Dây thần kinh võng mạc và thị giác không phát triển. Tăng nhãn áp, rung giật nhãn cầu và giảm thị lực.
Triệu chứng và dấu hiệu
Triệu chứng đặc trưng là đồng tử không co giãn để đáp ứng với ánh sáng xung quanh.
Khi đồng tử giãn ra, mắt trở nên nhạy cảm hơn với ánh sáng. Điều này có thể khiến bạn nhìn mờ, cũng như, trong một số trường hợp, cảm giác co thắt quanh trán và mắt.
Bạn cũng có thể bị đau đầu, chóng mặt, kích ứng mắt và khó ngủ.
Nếu cảm thấy khó di chuyển mắt và mí mắt, bạn có thể bị giãn do đau dây thần kinh số ba.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh như thế nào?
Bác sĩ sẽ xem xét kỹ các triệu chứng và tiền căn bệnh lí của bạn. Họ sẽ muốn biết thêm về những thuốc bạn đang dùng. Hay có chấn thương nào xảy ra trong thời gian gần đây không.
Bác sĩ sẽ khám thị lực bao gồm cả test thị lực và test đánh giá hoạt động cơ mắt. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể làm xét nghiệm máu để loại trừ những bệnh lý khác.
Một số xét nghiệm giúp tầm soát và tìm nguyên nhân:
- Xét nghiệm máu tìm chất gây nghiện
- CT scanner, MRI não,….
Cách điều trị
Những cách sau sẽ giúp bạn xoay sở với những triệu chứng của bệnh:
- Tránh ánh nắng chiếu vào trực tiếp
- Không nên lái xe vào ban ngày
- Đeo kính mát được khuyên dùng bởi bác sĩ nhãn khoa trong môi trường có đầy ánh sáng
- Tránh đọc sách báo quá gần mắt
Việc điều trị còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra. Bác sĩ của bạn có thể khuyến nghị dùng kính sát tròng có chức năng chắn ánh sáng hoặc kính mát chống nhạy cảm ánh sáng trong quá trình điều trị. Thậm chí trong một số trường hợp có thể cần phẫu thuật. Do đó việc xác định nguyên nhân khá quan trọng, từ đó có thể đưa ra phương pháp điều trị chính xác.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ
Nếu tình trạng giãn đồng tử kéo dài không giảm thì bạn nên đến khám bác sĩ nhãn khoa hoặc bác sĩ tổng quát. Những nguyên nhân nền gây bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, ví dụ như do thuốc hoặc những tình huống nặng như chấn thương, tổn thương sọ não. Bệnh sẽ hồi phục càng nhanh nếu chẩn đoán nguyên nhân càng sớm.
Bài viết đã cung cấp cho bạn thông tin cơ bản về bệnh giãn đồng tử. Hy vọng giúp bạn có thể bổ sung kiến thức nhằm phát hiện được bệnh sớm và điều trị kịp thời. Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Không thể bằng lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa. Nếu bạn đang có các dấu hiệu trên hãy đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị kịp thời bạn nhé.
Các bài viết liên quan:
Nguồn tham khảo: Tổng hợp