Site icon Medplus.vn

6 bí quyết rèn luyện tư duy tích cực cho trẻ

6 bí quyết rèn luyện tư duy tích cực cho trẻ

6 bí quyết rèn luyện tư duy tích cực cho trẻ

Tư duy tích cực là sức mạnh không chỉ giúp tinh thần của trẻ vui tươi hơn, mà nó còn mang lại nhiều lợi ích đáng kinh ngạc cho sức khỏe thể chất, tinh thần của trẻ. Vì vậy, mỗi ngày, bố mẹ hãy rèn luyện tư duy tích cực cho trẻ với 6 bí quyết đơn giản này nhé!

Tư duy tích cực là gì?

Tư duy tích cực là cách nhìn nhận lạc quan, giữ những suy nghĩ tốt đẹp về bản thân, về người khác và cả các vấn đề trong cuộc sống. Sức mạnh của tư duy tích cực đã được khoa học chứng minh nhiều lần – bởi những suy nghĩ, niềm tin của mỗi người đều có thể ảnh hưởng tới hành động của người đó. Và khi chúng ta giữ niềm tin, giữ hy vọng, thì khả năng thành công của chúng ta chắc chắn sẽ cao hơn.

Tư duy tích cực sẽ giúp trẻ tự tin hơn, từ đó sẽ thoải mái khám phá và tìm hiểu thế giới. Chính nhờ sự tự tin và thoải mái đó mà trẻ có động lực để cố gắng và phát huy khả năng của mình, cũng như nỗ lực vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

1. Ngừng phàn nàn

Điều đầu tiên bố mẹ nên làm là chấm dứt thói quen phàn nàn. Bởi khi bố mẹ tập trung vào những suy nghĩ tiêu cực và những nỗi bực mình thì trẻ sẽ học theo lối tư duy đó và cũng bắt đầu nhìn thấy đủ thứ khó chịu trong cuộc sống. Nên thay vì than vãn về những điều không như ý, bố mẹ cứ nói về cả những điều tốt và chưa tốt trong ngày của mình, nhưng nhấn mạnh vào những điều tốt (hoàn thành một bản báo cáo, ngồi cạnh một người dễ chịu trên xe buýt…).

Để rèn luyện tư duy tích cực cho trẻ, bố mẹ cũng nên hỏi về những điều trẻ gặp trong ngày, đặc biệt là những chuyện vui. Và thay vì càu nhàu về những điều chưa tốt lắm, bố mẹ hãy hướng trẻ tập trung vào những chuyện vui vẻ, tốt đẹp nhé!

6 bí quyết rèn luyện tư duy tích cực cho trẻ

2. Giao cho trẻ làm việc nhà phù hợp với lứa tuổi

Để trẻ tự tin hơn, bố mẹ nên giao cho trẻ những nhiệm vụ phù hợp với lứa tuổi. Ví dụ, trẻ 2 tuổi có thể tự nhặt đồ chơi vào hộp, trẻ 3 tuổi có thể tự cho quần áo bẩn vào giỏ, trẻ 4 tuổi có thể dọn bàn ăn… Bố mẹ có thể lập một danh sách những việc trẻ cần tự làm trong ngày, để xây dựng thói quen cho trẻ.

Việc giao nhiệm vụ cho trẻ vừa giúp bố mẹ bớt bận rộn, vừa giúp trẻ học tính trách nhiệm. Trẻ cũng sẽ thấy tự hào khi hoàn thành những phần việc của mình và nhận thức rõ hơn về giá trị của bản thân. Từ đó, trẻ cũng sẽ có thái độ sống lạc quan hơn.

3. Khuyến khích trẻ tự tin khám phá

Bố mẹ nào cũng muốn dành những điều tốt nhất cho con, nên đôi khi, bố mẹ quá bảo bọc con, tìm mọi cách che chở cho con khỏi bị đau, khỏi bị ngượng… Thậm chí, nhiều bậc bố mẹ còn ngăn cản con tham gia vào những hoạt động mà con chưa giỏi lắm. Thế nhưng, điều này thực ra lại làm giảm sự tự tin của trẻ, khiến trẻ bắt đầu nghĩ tiêu cực về khả năng của mình.

Thay vào đó, bố mẹ hãy tạo điều kiện cho trẻ trải nghiệm những điều mới mẻ trong cuộc sống mà không nhất thiết phải có bố mẹ kè kè ở bên. Hãy cứ để cho tính độc lập tự chủ của trẻ có cơ hội được phát huy phù hợp với độ tuổi của mình, như bê một cái bình đầy để rót nước, tự leo trèo ở sân chơi, đi tham quan cùng cả lớp… Có như vậy, trẻ mới có sự can đảm, lòng đam mê khám phá và học hỏi, và không sợ thử những điều mới mẻ.

4. Không vội vàng can thiệp

Khi trẻ gặp những điều bất công hay khó khăn, bố mẹ thường lo lắng, muốn vội vã can thiệp và tìm cách giải quyết ngay. Tuy nhiên, việc này sẽ tạo cho trẻ tâm lý ỷ lại. Nên thay vì can thiệp vào vấn đề của trẻ ngay lập tức, bố mẹ nên dành thời gian dạy cho trẻ cách xử lý tình huống, bảo vệ bản thân, vượt qua những thách thức và hãy để trẻ cố gắng tự giải quyết vấn đề của mình. Khi làm được như vậy, trẻ sẽ cảm thấy mình mạnh mẽ hơn và có suy nghĩ lạc quan hơn về những gì mình có thể làm trong tương lai.

5. Nhìn nhận những khó khăn mà trẻ đang gặp phải

Trẻ rất dễ nản chí chỉ sau một lần làm gì đó chưa tốt. Thậm chí, chỉ gặp một thất bại là trẻ có thể tự cho rằng mình kém, mình không thể làm được. Ví dụ, trẻ cho rằng mình không thông minh vì không thể đếm số nhanh như các bạn, hay mình không thể chơi thể thao chỉ vì đá hụt quả bóng.

Để trẻ không vội vàng kết luận như vậy, bố mẹ hãy cố gắng thay đổi cách nhìn nhận của trẻ. Bố mẹ nên kể cho trẻ nghe những câu chuyện về tư duy tích cực hoặc dịu dàng động viên trẻ cố gắng.

Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần cho trẻ biết rằng, ai cũng gặp khó khăn khi học những điều mới. Chẳng hạn, bố mẹ nên nói: “Học đá bóng đúng là hơi khó, kể cả người lớn cũng cần nhiều thời gian để luyện tập con ạ”.

Đồng thời, bố mẹ hãy nhắc tới một kỹ năng mà trẻ đã cố gắng tập và đã thành thạo. Chẳng hạn: “Con có nhớ khi con chưa biết đếm và con đã cố gắng thế nào không? Giờ thì con đã đếm được rất nhanh rồi! Mẹ tin là rồi con cũng sẽ viết nhanh và viết đẹp thôi!”. Những lời động viên dù là nhỏ bé như vậy thôi cũng sẽ giúp trẻ giữ hy vọng và giữ tâm lý thoải mái, tự tin, cũng như có động lực để cố gắng.

6. Hãy thực tế

Nhiều bậc bố mẹ dễ nhầm lẫn giữa việc động viên để con có tư duy tích cực với việc tâng bốc con, khen ngợi trẻ quá mức hoặc “lạc quan tếu”.

Ví dụ, khi gia đình chuyển nhà, trẻ hơi khó hòa nhập với các bạn ở trường mới. Trẻ than vãn với bố mẹ rằng: “Chẳng có ai chơi với con”. Có lẽ mẹ sẽ muốn an ủi rằng: “Con từng có rất nhiều bạn khi ở nhà cũ. Nếu các bạn ở đây mà biết là con tuyệt vời đến mức nào thì các bạn sẽ năn nỉ để được chơi với con ấy chứ!”.

Cách nói này sẽ khiến trẻ có hy vọng thiếu thực tế, và nó sẽ phản tác dụng khi mọi chuyện không diễn ra như lời bố mẹ đã nói. Chẳng hạn, nếu sau một thời gian mà các bạn vẫn chưa chơi với trẻ, trẻ sẽ tự ti và cho rằng mình chẳng hề tuyệt vời như bố mẹ nhận xét.

Tư duy tích cực không chỉ là suy nghĩ lạc quan mà còn phải có tính thực tế nữa. Có như vậy thì trẻ mới sẵn sàng đối diện với mọi vấn đề trong cuộc sống. Vì vậy, việc bố mẹ nên làm là trò chuyện chân thành với trẻ, thể hiện sự cảm thông và khích lệ trẻ đúng cách. Ví dụ, bố mẹ có thể nói: “Bố mẹ hiểu rằng việc chuyển nhà có gây khó khăn cho con, vì con phải cố gắng làm quen với các bạn mới. Việc kết bạn cần có thời gian, nên con hãy kiên nhẫn nhé!”.

Rèn luyện tư duy tích cực mỗi ngày sẽ giúp trẻ có một thái độ sống lạc quan, không nản chí. Về lâu dài, điều này sẽ khiến trẻ dễ đạt được nhiều thành công và hạnh phúc trong cuộc sống của mình.

Xem thêm bài viết:

Nguồn: verywellfamily

Exit mobile version