Site icon Medplus.vn

7 cách rèn nếp kỷ luật bằng lời nói

7 cách rèn nếp kỷ luật bằng lời nói

7 cách rèn nếp kỷ luật bằng lời nói

Bố mẹ hoàn toàn có thể rèn nếp kỷ luật bằng lời nói bằng cách sử dụng từ ngữ phù hợp để giúp trẻ điều chỉnh hành vi thay vì quát mắng, đánh đòn và nổi nóng với trẻ.

Các nghiên cứu của Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng, các hình thức phạt động chạm đến cơ thể trẻ, hoặc mắng và miệt thị, đều không giúp trẻ điều chỉnh hành vi. Hơn nữa, những việc đó còn gây hại đến sức khỏe thể chất và tinh thần lâu dài của trẻ. Để rèn nếp kỷ luật bằng lời nói nhẹ nhàng, bố mẹ hãy tham khảo những cách dưới đây:

1. Thể hiện sự thấu hiểu khi trẻ muốn làm những điều không được cho phép

“Bố mẹ biết con muốn chơi tiếp, nhưng…” hoặc “Bố mẹ biết con muốn bố mẹ mua kẹo, nhưng…”. Bố mẹ hoàn toàn có thể từ chối những mong muốn của con mà không làm con phải xấu hổ.

2. Giải thích ngắn gọn lý do bố mẹ không làm điều mà trẻ muốn

Bố mẹ cứ nói thật, nhưng cũng cần cho con thấy rằng bố mẹ công bằng và có quyền kiểm soát. Ví dụ: “Sắp đến giờ ăn tối rồi, mẹ phải về chuẩn bị thức ăn”, hoặc “Ăn nhiều kẹo rất hại răng đấy”.

7 cách rèn nếp kỷ luật bằng lời nói

3. Đưa ra 1 giải pháp hoặc 1 phương án thay thế

Ngay cả khi biết rõ rằng có những việc con hiểu mình phải hành động thế nào, bố mẹ vẫn nên nhắc nhở con. Ví dụ: “Con đừng ném cát, con thử xúc cát vào xô xem”, hoặc “Con đừng nên đánh người khác. Nếu con đang bực tức thì cứ nói với bố mẹ, hoặc đánh vào đồ chơi đấm bốc nhé”.

4. Nhắc nhở trẻ rằng còn nhiều lựa chọn khác

Bố mẹ có thể nói: “Thay vì ăn kẹo làm sâu răng, con có muốn ăn quả táo không?”, hoặc “Bây giờ mình không ở lại chơi được ngày mai mình có thể quay lại mà!”. Và bố mẹ cần thực hiện đúng những lời mình nói.

5. Bày tỏ niềm tin rằng trẻ có thể làm những điều đúng đắn

Bố mẹ nên nói với trẻ một cách tôn trọng (về cả giọng điệu và ngôn từ). Ví dụ, bố mẹ hãy nói: “Bố mẹ biết là con muốn giúp”, thay vì: “Đừng làm phiền bố mẹ!”. Hoặc thay vì nói: “Con lúc nào cũng quên đợi đến lượt mình”, hãy nói “Bố mẹ biết con luôn nhớ đợi tới lượt mình mà”.

6. Đặt những giới hạn và quy tắc mà trẻ có thể hiểu

Bố mẹ hãy nói nhẹ nhàng, dứt khoát và ngắn gọn, thậm chí có thể lặp đi lặp lại các quy tắc và chỉ dẫn cho đến khi trẻ ghi nhớ.

Ví dụ: “Con không nên xem chương trình đó, con có thể tắt tivi được không, hay để bố mẹ tắt nhé”. Hoặc: “Con đi giày xong rồi mình sẽ ra ngoài nhé!”, hay: “Bố mẹ biết là con đang muốn đi, nhưng con phải ngồi yên vào ghế thì bố mẹ mới khởi động ô tô được!”…

7. Tạo ra nhiều khoảng thời gian vui tươi với trẻ

Hãy cho trẻ biết rằng bố mẹ thích chơi với con, bằng cách cùng chơi đùa, cười nói và ôm con. Bố mẹ cũng nên khen ngợi những nỗ lực của con dù kết quả không hoàn hảo, trò chuyện và đọc sách cho con nghe… Từ đó, trẻ sẽ hiểu được rằng, mình là người vô cùng quan trọng đối với bố mẹ và cảm thấy có động lực để làm bố mẹ vui lòng.

Trẻ cần có thời gian để rèn luyện kỷ luật, cũng giống như cách con học các kỹ năng về thể chất hoặc xã hội. Vậy nên, bố mẹ hãy tìm hiểu nhiều hơn về những hành vi điển hình ở độ tuổi của trẻ, đồng thời, cố gắng thể hiện cho con thấy rằng, bố mẹ là những người dẫn dắt, luôn sẵn sàng ở bên con để giúp con trưởng thành.

Xem thêm bài viết:

Nguồn: verywellfamily

Exit mobile version