Site icon Medplus.vn

7 mẹo dạy trẻ biết chia sẻ với người khác

7 mẹo dạy trẻ biết chia sẻ với người khác

7 mẹo dạy trẻ biết chia sẻ với người khác

Biết chia sẻ là kỹ năng xã hội đặc biệt cần thiết trong cuộc sống của mỗi người. Vì vậy, bố mẹ hãy kiên nhẫn dạy trẻ biết chia sẻ với mọi người xung quanh nhé!

Trẻ từ 2 đến 3 tuổi thường có một thái độ khiến người lớn rất khó xử và khó chịu, đó là thái độ “của tôi hết”. Tức là, trẻ coi tất cả mọi thứ mình nhìn thấy đều là của mình, không muốn cho ai động vào. Trong quá trình dạy trẻ biết chia sẻ, nhiều bố mẹ thấy con như vậy còn lo lắng rằng con mình quá ích kỷ! Chẳng hạn, trẻ ngồi giữa một “biển” đồ chơi, nhưng chỉ cần bố mẹ cầm một thứ lên đưa cho người khác, thì trẻ lập tức đòi luôn thứ đó.

Tuy nhiên, bố mẹ hoàn toàn có thể dạy con biết chia sẻ. Trẻ sẽ không tiến bộ ngay lập tức được, bởi sự đồng cảm và rộng rãi – nền tảng của sự chia sẻ – là những phẩm chất phải được xây dựng dần theo thời gian. Cho nên, bố mẹ hãy kiên nhẫn với trẻ, và cùng tìm hiểu 7 bí kíp để dạy trẻ kỹ năng chia sẻ nhé!

Đưa việc chia sẻ vào cuộc sống hằng ngày của trẻ

Trẻ học nhanh nhất thông qua các trải nghiệm thực tế, nên bố mẹ hãy đưa sự chia sẻ vào mọi việc trong cuộc sống thường ngày. Bố mẹ nên nói với trẻ rằng mọi người trong nhà đều san sẻ việc nhà, và giao cho trẻ một số việc vừa sức (như vứt vỏ lon vào thùng rác đối với trẻ 2 tuổi, dọn bàn ăn đối với trẻ 4 tuổi…). Tới giờ ăn, bố mẹ cũng có thể chia sẻ món ăn của mình với trẻ và hỏi xem trẻ có thể cho bố mẹ thử món của trẻ không. Mỗi khi trẻ chia sẻ, bố mẹ hãy khen ngợi ngay nhé!

Bố mẹ cũng nên chú trọng việc thể hiện sự quan tâm đối với mọi người xung quanh để trẻ học hỏi được đức tính tuyệt vời này. Từ đó, trẻ hiểu rằng mình có thể làm nhiều việc để giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn.

7 mẹo dạy trẻ biết chia sẻ với người khác

Dạy trẻ biết chia sẻ từ trước khi trẻ gặp bạn bè

Nếu nhà sắp có khách (có trẻ nhỏ đi kèm), bố mẹ hãy giúp trẻ cất kỹ những món đồ chơi mà trẻ vốn không muốn chia sẻ với ai. Sau đó, bố mẹ dặn dò rằng trẻ nên chia sẻ và cùng chơi những món đồ chơi còn lại với các bạn.

Còn trước khi đến nhà người khác, bố mẹ cũng cần trò chuyện với trẻ về những gì trẻ nên làm. Bố mẹ nên nhắc lại những buổi chơi vui vẻ, thân thiện trước đó, như: “Con có nhớ lần trước con với Linh chơi búp bê với nhau rất vui không? Mẹ nhìn thấy mà cũng vui đấy!”.

Khen ngợi những hành vi tốt của trẻ

Trong quá trình dạy trẻ ứng xử đúng mực, việc khen ngợi những hành vi tốt cũng quan trọng không kém việc can thiệp và điều chỉnh những hành vi chưa tốt. Vì vậy, khi trẻ vui vẻ chia sẻ với người khác, bố mẹ hãy thể hiện rằng mình rất tự hào. Chẳng hạn, bố mẹ hãy nói: “Con cho bạn Linh chơi cùng như thế là rất tốt đó, hẳn bạn ấy sẽ rất thích chơi với con!”. Như vậy, trẻ sẽ muốn lặp lại hành vi này nhiều lần nữa.

Kiên nhẫn cho trẻ cơ hội tự giải quyết tình huống

Nếu trẻ giành đồ chơi với bạn, bố mẹ hãy cứ bình tĩnh chờ xem trẻ và bạn giải quyết tình huống đó thế nào. Đôi khi, các trẻ đều sẽ tiếp tục chơi mà không hề cãi cọ gì cả. Thực tế, trong quá trình học cách tương tác với mọi người, trẻ sẽ phải học được cách xử lý những tình huống khó khăn. Vì vậy, bố mẹ hãy để trẻ có cơ hội tự cải thiện kỹ năng xử lý vấn đề của bản thân nhé!

Can thiệp khi có “sự cố”

Nếu trẻ hung hăng giành giật đồ chơi và khiến bạn khác phải khóc thì bố mẹ nên hành động ngay. Hãy nhắc trẻ: “Con giật đồ chơi của bạn như thế là không tốt, bạn vẫn đang chơi cơ mà!”, rồi giúp trẻ tìm một hoạt động khác phù hợp hơn.

Cương quyết xử lý khi trẻ đánh và cắn bạn

Bố mẹ nên can thiệp ngay nếu trẻ có hành động thể chất không tốt, như đánh, đẩy, cắn bạn. Khi đó, bố mẹ cần nhắc trẻ: “Chúng ta không được phép đánh người khác, vì như thế sẽ làm họ đau”. Bố mẹ cũng không nên bắt trẻ xin lỗi ngay tại thời điểm đó, vì khi có nhiều người đang nhìn thì trẻ có thể rất xấu hổ, nên sẽ không chịu làm. Thay vào đó, bố mẹ nên dắt trẻ tới gặp bạn và xin lỗi thay cho trẻ.

Tự xây dựng phương pháp phù hợp với trẻ

Bố mẹ nên thử nhiều cách để chọn phương pháp dạy trẻ biết chia sẻ phù hợp nhất. Và cho dù trẻ có vẻ không chịu chia sẻ khi chơi ở nhà thì bố mẹ cũng đừng quá lo lắng. Rất có thể trong những tình huống khác (ở lớp chẳng hạn) thì trẻ lại cư xử tốt hơn nhiều.

Dạy trẻ biết chia sẻ là một quá trình lâu dài và không hề đơn giản. Vì vậy, bố mẹ hãy kiên nhẫn chỉ dạy cho trẻ, để trẻ biết đồng cảm và giúp đỡ mọi người trong cuộc sống nhé!

Xem thêm bài viết:

Nguồn: verywellfamily

Exit mobile version