Việc dạy trẻ ngăn nắp là một điều vô cùng quan trọng giúp con có lối sống văn mình, gọn gàng, tuy nhiên lại là vấn đề không hề đơn giản với các phụ huynh. Vậy làm sao để dạy con sống gọn gàng, ngăn nắp từ khi còn nhỏ? Bố mẹ hãy tham khảo 7 bí quyết sau đây nhé!
1. Phân công cụ thể công việc cho trẻ
Thay vì đưa ra những mệnh lệnh chung chung như yêu cầu trẻ vào dọn phòng, thì bố mẹ nên phân công rõ ràng những nhiệm vụ mà trẻ cần hoàn thành, ví dụ như xếp lại gối, cất đồ chơi, thu gom quần áo bẩn. Quan trọng nhất là bố mẹ phải phân công cho trẻ những việc phù hợp với lứa tuổi, không quá sức trẻ để trẻ có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Từ đó, trẻ sẽ sống có trách nhiệm và cảm thấy tự hào về bản thân hơn.
2. Giúp trẻ hình thành tính trách nhiệm
Khi được phân công những công việc rõ ràng và vừa sức mình thì trẻ sẽ dễ dàng hoàn thành chúng. Bố mẹ có thể tạo một danh sách các công việc mà con cần làm. Sau mỗi lần hoàn thành một công việc nào đó thì đánh dấu, và khi hoàn thành đủ danh sách thì bố mẹ nên khen thưởng để khích lệ tinh thần cho trẻ. Việc khen thưởng này có thể là cho trẻ được ăn món ăn yêu thích như kem, hoặc bánh kem, tuy nhiên, điều ý nghĩa nhất vẫn là bố mẹ dành nhiều thời gian để chơi cùng trẻ, cùng nhau đi công viên, sở thú hoặc tới những nơi mà con thích.
3. Cho trẻ không gian riêng
Nếu có thể, bố mẹ hãy tạo ra một không gian riêng cho trẻ, để trẻ tự trang trí khu vực này theo ý muốn. Đó chính là cách giúp trẻ có ý thức giữ gìn khu vực này gọn gàng, sạch đẹp. Bố mẹ có thể cùng tham gia lựa chọn tông màu của phòng cũng như cùng trẻ bố trí lại đồ đạc.
4. Biến mọi công việc trở thành niềm vui
Công việc nhà lặp lại hằng ngày có thể khiến trẻ cảm thấy chán, thế nhưng bố mẹ hoàn toàn có thể biến những công việc này trở nên thú vị hơn bằng cách kết hợp việc nhà với những hoạt động vui nhộn. Ví dụ: nếu bé thích âm nhạc, thích ca hát và nhảy múa thì bố mẹ có thể bật nhạc khi dọn dẹp nhà cửa cùng con.
5. Dạy trẻ cách kiểm soát đồ đạc trong gia đình
Bố mẹ hãy dạy trẻ ngăn nắp hơn bằng cách hướng dẫn trẻ phân loại các loại đồ đạc không còn sử dụng nhiều nữa (trong ít nhất 6 tháng đổ lại) để ủng hộ cho những người thực sự cần hơn. Những đồ đạc ít được sử dụng này cũng chiếm phần không gian trong gia đình, thế nên trẻ cần học cách kiểm soát lượng đồ dùng của mình để giữ cho nhà cửa luôn gọn gàng.
6. Dạy trẻ chi tiêu hợp lý
Bố mẹ có thể dạy cho trẻ nguyên tắc “Thêm một món, bớt một món” để kiểm soát lượng đồ đạc trong nhà, tránh dư thừa quá nhiều đồ có cùng công dụng. Khi trẻ muốn mua một món đồ chơi mới, thì trẻ sẽ phải cân nhắc cho đi một món đồ chơi đã cũ. Điều này sẽ giúp trẻ tránh được tâm lý “có mới nới cũ”, cũng như biết cân nhắc hơn trong chi tiêu.
7. Bố mẹ trở thành tấm gương mẫu mực
Những đứa trẻ đều là hình ảnh phản chiếu lại từ bố mẹ. Thế nên cách dạy con ngăn nắp cũng như rèn nếp sống đúng đắn cho con từ nhỏ đó là bản thân bố mẹ trở thành tấm gương mẫu mực để con noi theo.
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily