Site icon Medplus.vn

7 việc giúp dạy trẻ quan tâm đến người khác

7 viec giup day tre quan tam den nguoi khac 1 1 - Medplus

Việc dạy trẻ quan tâm đến người khác là vô cùng quan trọng, sẽ góp phần hình thành nhân cách của trẻ sau này. Các bậc bố mẹ đều nên dạy trẻ biết yêu thương và quan tâm đến người khác từ khi còn nhỏ, để khi lớn lên, trẻ sẽ trở thành người tử tế và có trách nhiệm nhé.

1. Nói về cảm xúc

Bố mẹ nên dạy trẻ nhìn vào mắt người đối diện khi giao tiếp để kết nối với họ. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên giúp trẻ nhận biết cảm xúc của chính mình từ sớm, bằng cách nói rõ về những cảm xúc đó, như: “Mẹ thấy là con đang giận”, hoặc “Con đang thất vọng phải không?”. Nhờ đó, trẻ có thể phát triển các kỹ năng tự điều chỉnh bản thân, từ đó lại hiểu rõ cảm xúc của người khác hơn.

Một cách khác là chơi trò “đoán xem người khác đang cảm thấy thế nào”. Trong trò này, bố mẹ hãy giả làm mặt vui hoặc buồn rồi đố trẻ đoán được bố mẹ đang cảm thấy ra sao. Thậm chí, bố mẹ có thể chỉ vào hình ảnh người khác và bảo trẻ đoán cảm xúc của người đó. Bằng cách này, não bộ của trẻ sẽ luyện được thói quen chú ý tới các biểu cảm trên khuôn mặt người khác.

Tiếp theo, bố mẹ nên hỏi về cách trẻ cảm nhận cảm xúc của người khác, như: “Con nghĩ bạn Minh sẽ cảm thấy thế nào nếu con lấy đồ chơi của bạn ấy?”…

2. Tận dụng các phương tiện truyền thông

Cùng bố mẹ xem tivi hoặc đọc sách là cơ hội tốt để trẻ xây dựng sự đồng cảm. Bố mẹ hãy bàn luận với trẻ về những tình huống trong truyện hoặc trên tivi, giải thích về cảm giác của các nhân vật và nhắc trẻ chú ý đến những nhân vật tốt bụng, tử tế nhé!

3. Làm gương cho trẻ

Bố mẹ hãy là tấm gương về sự đồng cảm cho trẻ noi theo. Hãy hành động theo đúng những gì mà bố mẹ chỉ bảo cho trẻ, vì trẻ nhỏ luôn dõi theo và làm theo bố mẹ.

Bố mẹ cũng nên gọi tên cảm xúc của mình, như: “Hôm nay bố giận lắm” hoặc “Hôm nay mẹ thất vọng lắm đấy”. Đồng thời, bố mẹ cũng nên chú ý quan sát để nhận biết và tôn trọng cảm xúc của trẻ. Để trẻ đồng cảm được với người khác, trước hết, bố mẹ nên thể hiện sự đồng cảm của mình với trẻ. Ví dụ, bố mẹ nên có những lời giải thích như: “Bố mẹ biết là con buồn vì không được xem hết phim hoạt hình. Nhưng nếu chúng ta xem hết thì sẽ muộn giờ, nên để lúc khác xem tiếp nhé!”…

4. Nhìn nhận những hành động tốt của trẻ

Giống như việc khen ngợi kết quả học tập tốt của trẻ, bố mẹ cũng nên khích lệ khi trẻ có hành động tử tế, để trẻ biết rằng, quan tâm tới người khác là đức tính tốt.

5. Cho trẻ được tiếp xúc với nhiều môi trường, tham gia nhiều hoạt động khác nhau

Qua các cơ hội tiếp xúc với nhiều môi trường và tham gia nhiều hoạt động đa dạng, bố mẹ sẽ giúp trẻ hiểu biết hơn trong cuộc sống muôn màu.

Có rất nhiều cách để bố mẹ thực hiện việc này, như đọc sách, xem tivi cùng con, cho trẻ ăn ở các nhà hàng với phong cách ẩm thực khác nhau, tham quan viện bảo tàng, làm từ thiện…

6. Thừa nhận sai lầm của bố mẹ

Khi bố mẹ đối xử không tốt với người khác và trẻ nhìn thấy, thì bố mẹ nên thừa nhận sai lầm của mình và có thể nêu ra cách cư xử tốt hơn trong tình huống đó để trẻ hiểu được.

7. Biến những hành động tốt thành một hoạt động của cả gia đình

Cả nhà nên thể hiện sự đồng cảm và quan tâm đến nhau ngay trong những hoạt động hằng ngày. Chẳng hạn, vào giờ ăn tối, mỗi người có thể chia sẻ những điều tốt mà mình đã làm trong ngày, hoặc viết ra những cách đơn giản về lòng tốt và sự quan tâm để cùng nhau bàn luận.

Ngoài ra, việc cả nhà cùng chơi những trò chơi gia đình và tham gia các hoạt động tình nguyện cũng là cách để trẻ hiểu hơn về cảm xúc của những người xung quanh, đồng thời học được rằng, sống không phải là chỉ nhận lại, mà còn là cho đi.

Nếu chẳng may trẻ có lời nói hoặc hành động không tốt, bố mẹ hãy nhẹ nhàng bảo trẻ sửa lại. Ví dụ: “Con có thể nói lại, một cách dịu dàng hơn, với em con không?”. Trong những trường hợp này, bố mẹ cần thật bình tĩnh để trẻ hiểu rằng, bố mẹ không cố làm cho mình phải xấu hổ, mà chỉ là cho mình một cơ hội để hành động tốt hơn. Sau đó, bố mẹ hãy nhớ cảm ơn trẻ vì hành động tốt đó nhé.

Xem thêm bài viết:

Nguồn: verywellfamily

Exit mobile version