Site icon Medplus.vn

Top 8 nguyên nhân gây nhiệt miệng ở lưỡi

Top 8 nguyên nhân gây nhiệt miệng ở lưỡi

Nhiệt miệng ở lưỡi gây ra không ít phiền toái khi bạn ăn uống, nói chuyện… Vậy nguyên nhân nào gây ra tình trạng này? Cách chữa nhiệt miệng ở lưỡi là gì?

Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách xử lý khi bị nhiệt miệng ở lưỡi qua bài viết sau của MedPlus bạn nhé!

Cũng như loét nhiệt miệng nói chung, nhiệt miệng ở lưỡi là những chấm loét nông, tròn, màu trắng hoặc ngà có viền đỏ, đường kính vài milimet và thường gây đau rát khó chịu. Những vết loét lớn hơn với hình dạng không xác định có thể gây nhiều đau đớn và lâu khỏi.

Top 8 nguyên nhân gây nhiệt miệng ở lưỡi

Nhiệt miệng ở lưỡi thông thường là những vết loét lành tính, có thể gây đau rát ít nhiều nhưng sẽ tự khỏi sau 7 – 10 ngày và không lây.

Có khá nhiều nguyên nhân gây nhiệt miệng ở lưỡi và không giống nhau với mọi người, vì vậy bạn có thể cần chú ý một chút để biết đâu là thủ phạm nhằm có cách điều trị kịp thời.

1. Lưỡi bị tổn thương thực thể

Nhiệt miệng ở lưỡi có thể là do những tổn thương mới đây. Đầu hoặc rìa lưỡi bị vô tình cắn trúng khi ăn hoặc nói chuyện. Lưỡi có thể bị trầy xước do các loại thức ăn xơ cứng (như đồ khô, hải sản có vỏ) hoặc do va chạm vật cứng, sắc trong miệng như một chiếc răng bị mẻ, móc cài răng giả hoặc dụng cụ niềng răng.

Bạn sẽ không còn đau rát khi vết thương lành hẳn.

2. Nhiệt miệng ở lưỡi do nhạy cảm với thức ăn

Bạn có thể bị nhiệt miệng ở lưỡi nếu ăn nhiều một loại thức ăn nào đó gây kích thích niêm mạc. Tùy vào mỗi người, những thức ăn này thường là:

  • Các loại trái cây nhiều axit như họ cam chanh, dứa, dâu tây, xoài…
  • Các loại hạt cũng có thể gây nhiệt miệng nếu ăn một lúc quá nhiều
  • Những món cay, mặn, nhất là các món nướng hoặc chiên
  • Những thức uống như cà phê, rượu, bia, ca cao… có thể gây nhiệt miệng cho một số người.

3. Chế độ ăn thiếu chất

Nhiệt miệng nói chung và nhiệt miệng ở lưỡi cũng thường bắt gặp ở những người bị thiếu hụt một số chất dinh dưỡng, đặc biệt là kẽm, sắt, folate (vitamin B9), vitamin B12, vitamin C và các loại axit amin. Đây thường là kết quả của một thời gian dài ăn uống không cân bằng.

4. Nhiệt miệng ở lưỡi – tác dụng phụ của một số loại thuốc và điều trị bệnh

Một số nghiên cứu cho thấy các loại thuốc kháng viêm không chứa steroid và các thuốc chẹn beta, đã hoặc đang điều trị ung thư bằng hóa trị hoặc xạ trị vùng đầu cổ… có thể gây ra các tác dụng phụ trong đó có tình trạng nhiệt miệng ở lưỡi.

Nhiệt miệng cũng có thể gặp phải do những loại kem đánh răng và nước súc miệng chứa sodium lauryl sulfate gây kích ứng.

5. Thay đổi hormone gây nhiệt miệng theo chu kỳ

Thay đổi hormone theo chu kỳ kinh nguyệt có thể gây ra một số vấn đề cho khoang miệng như sưng tuyến nước bọt, nướu răng bị đỏ, chảy máu và nhiệt miệng, đôi khi ở lưỡi.

6. Căng thẳng, lo âu – thủ phạm ít ai ngờ gây nhiệt miệng ở lưỡi

Căng thẳng và lo âu kéo dài gây ra nhiều thay đổi trong hoạt động của cơ thể, bao gồm hệ miễn dịch và các hormone. Lưỡi của bạn có thể có những vết loét do nhiệt miệng nếu bạn đang trải qua trạng thái tinh thần này.

7. Lạm dụng thuốc lá, bia rượu

Tình trạng nhiệt miệng ở lưỡi và khoang miệng nói chung xuất hiện nhiều ở những người hút thuốc thường xuyên hoặc lạm dụng bia rượu.

Lệ thuộc thuốc lá và bia rượu có thể dẫn đến nhiều vấn đề về răng miệng khác như:

  • Sâu răng, răng xỉn màu
  • Hơi thở có mùi khó chịu
  • Viêm nướu và viêm nha chu
  • Sưng tuyến nước bọt
  • Chứng lưỡi lông đen do nấm và vi khuẩn phát triển quá mức
  • Khả năng mắc các loại ung thư trong miệng tăng lên gấp 15 lần

Một thực tế có thể gây ngạc nhiên là khoảng 40% số người bỏ hút thuốc bị nhiệt miệng trong 2 tuần đầu tiên, một phần của hội chứng cai thuốc lá. Tuy nhiên giai đoạn này sẽ sớm qua và bạn có thể tận hưởng những lợi ích về sức khỏe và chất lượng sống mà việc bỏ thuốc mang lại.

8. Nhiệt miệng ở lưỡi – triệu chứng của những bệnh lý ít gặp

Hiện tượng lưỡi có các nốt nhiệt có thể là triệu chứng của các bệnh lý sau:

  • Viêm gai lưỡi thoáng qua: nhú lưỡi bị sưng gây cảm giác khó chịu. Dù vậy, đây thường là một tình trạng vô hại và sẽ tự khỏi sau một vài ngày.
  • Bệnh tay chân miệng: bệnh có thể xuất hiện ở người lớn gây ra những mụn nước trong miệng, trên lưỡi và gây đau. Bệnh cần được điều trị đúng cách để tránh những biến chứng nguy hiểm.
  • Hội chứng miệng bỏng rát: cảm giác nóng rát không rõ nguyên nhân ở lưỡi hoặc toàn bộ miệng. Các triệu chứng khác bao gồm khát khô và thay đổi hoặc mất vị giác.
  • Bệnh lichen phẳng: một bệnh mạn tính gây ra các mảng ngứa trên da, mảng trắng hoặc hồng trên lưỡi và niêm mạc miệng, có thể kèm theo cảm giác ngứa, bỏng rát hoặc đau.
  • Hội chứng Behcet: các mạch máu trong khắp cơ thể bị viêm có thể làm xuất hiện các vết loét trông giống như nhiệt miệng ở lưỡi. Những triệu chứng khác bao gồm những nốt sưng giống như mụn trên da, viêm trong mắt, đau khớp, các vấn đề tiêu hóa và loét ở cơ quan sinh dục.

Mách bạn cách xử lý khi bị nhiệt miệng ở lưỡi

Nhiệt miệng ở lưỡi thường tự khỏi sau 7 đến 10 ngày. Dù vậy bạn có thể áp dụng những biện pháp sau để giảm cảm giác khó chịu, cũng như hạn chế vết loét lan rộng hơn.

1. Sử dụng thuốc bôi trị nhiệt miệng không kê đơn

Có tác dụng tạo thành một lớp ngăn cách nhiệt miệng ở lưỡi với những chất kích ứng và vi khuẩn có hại, nhờ đó tạo điều kiện để vết loét nhanh lành và giảm bớt khó chịu. Axit hyaluronic là một thành phần thường thấy trong những loại thuốc bôi này.

2. Duy trì vệ sinh răng miệng đúng cách

Tình trạng đau rát do các nốt nhiệt miệng xuất hiện ở lưỡi có thể làm cho bạn muốn vệ sinh răng miệng qua loa. Tuy nhiên điều đó sẽ càng tạo điều kiện cho vi khuẩn gây hại phát triển làm cho nhiệt miệng lâu lành và phát sinh các vấn đề răng miệng khác.

Ngoài việc đánh răng đúng theo hướng dẫn, bạn có thể dùng các loại nước súc miệng kháng khuẩn không kê đơn để kiểm soát vi khuẩn và mang lại cảm giác dễ chịu. Súc miệng bằng nước muối loãng hoặc baking soda hòa tan trong nước ấm cũng cho hiệu quả tương tự.

3. Ăn uống lành mạnh và đủ chất dinh dưỡng

Ăn luân phiên và đa dạng các loại thức ăn là cách tốt nhất để đảm bảo cơ thể được cung cấp đủ các chất dinh dưỡng đa lượng và vi lượng.

Bạn có thể ăn nhiều hơn những thức ăn lành tính giúp nhiệt miệng ở lưỡi nhanh khỏi như rau xanh, các loại đậu, bột sắn dây, mật ong…

Việc uống bổ sung vitamin, khoáng chất thường chỉ khuyến khích cho những đối tượng dễ bị thiếu chất như phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người có bệnh lý nào đó gây cản trở hấp thu… và nên được hướng dẫn bởi bác sĩ.

Ngoài ra, khi bị nhiệt miệng, bạn nên tránh những loại thức ăn: Nhiều axit, cứng, nhiều muối, cay để tránh kích ứng vết thương.

4. Bị nhiệt miệng ở lưỡi – Khi nào nên gặp bác sĩ?

Những nốt nhiệt miệng lớn hơn 1 centimet thường rất đau đớn, lâu lành và dễ để lại sẹo. Bạn nên đi khám để được chăm sóc, điều trị đúng cách.

Ngoài ra, để loại trừ những bệnh lý tiềm ẩn mà nhiệt miệng chỉ là một triệu chứng, bạn nên đi khám nếu gặp thêm các triệu chứng như:

  • Kích ứng mắt
  • Sốt
  • Mẩn ngứa hoặc nhọt ở những vị trí khác trên cơ thể
  • Đau bụng
  • Mệt mỏi không rõ nguyên nhân…

Những nốt nhiệt miệng ở lưỡi không khỏi sau 2 tuần nên được kiểm tra để phòng ngừa những căn bệnh nguy hiểm như ung thư lưỡi.

Mong rằng qua bài viết, bạn đã hiểu rõ hơn về tình trạng nhiệt miệng ở lưỡi và có được phương hướng xử lý, chăm sóc, điều trị thích hợp.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.

Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn: 7 Signs Your Painful Mouth Sore Could Be Something More Serious

Exit mobile version