Ợ nóng và trào ngược thực quản dạ dày là tình trạng khá phổ biến xảy ra ở nhiều đối tượng khác nhau. Thông thường phương pháp điều trị bằng việc sử dụng thuốc là cách phổ biến nhất. Bên cạnh đó, sự thay đổi lối sống cũng được cho là đem lại hiệu quả tốt trong việc chống lại chứng trào ngược dạ dày.
Việc hằng ngày phải “kết thân” với căn bệnh này chắc hẳn sẽ làm bạn cảm thấy rất khó chịu. Nhưng may mắn thay, vẫn có những biện pháp tại nhà giúp bạn chống lại chứng trào ngược dạ dày. Việc thay đổi chế độ ăn uống hoặc thói quen nghỉ ngơi cũng giảm đáng kể các triệu chứng như ợ nóng và trào ngược axit.
Cùng Medplus tìm hiểu thêm về 9 biện pháp chống trào ngược dạ dày qua bài viết dưới đây bạn nhé!
Hiểu về bệnh để có biện pháp chống trào ngược dạ dày hiệu quả
Trước khi đi vào chủ đề chính, hãy điểm sơ đôi nét về chứng bệnh này. Theo định nghĩa thì trào ngược dạ dày thực quản (GERD – Gastroesophageal Reflux Disease) là do trào ngược dịch axit từ dạ dày thường xuyên hoặc dịch mật vào thực quản (ống dẫn từ họng đến dạ dày) qua cơ vòng thực quản dưới. Cơ vòng này đóng vai trò như một chiếc van và nếu nó không được đóng hoàn toàn thì sẽ khiến vấn đề phát sinh.
Dòng chảy ngược gây ra một số triệu chứng, phổ biến nhất là ợ nóng, làm người bệnh cảm thấy đau, nóng rát ở ngực hoặc cổ họng. Ngoài những biểu hiện trên, tình trạng trào ngược còn gây cảm giác khó nuốt, miệng có vị chua. Hơn nữa, nó còn dẫn đến một số tình trạng khác bao gồm ho, xói mòn răng, viêm xoang thậm chí nghiêm trọng hơn là hen suyễn, loét và ung thư thực quản.
12 phương pháp tại nhà giúp ngăn ngừa trào ngược dạ dày thực quản
Dưới đây là những cách tự nhiên đã được các nghiên cứu khoa học chứng nhận giúp bạn giảm các triệu chứng khó chịu như trào ngược và ợ nóng:
1. Không nên ăn quá nhiều
Theo cơ chế sinh lý tự nhiên, khi chúng ta ăn uống, thức ăn sẽ từ miệng theo đường thực quản xuống dạ dày. Trong quá trình này có sự tham gia của cơ vòng thực quản. Bộ phận này hoạt động như một van và khi mở ra sẽ cho phép thức ăn đi xuống dạ dày, rồi sau đó đóng kín lại để ngăn không cho thức ăn và axit dịch vị trào ngược trở lại.
Trường hợp ở những người bị trào ngược, cơ vòng bị suy yếu hoặc rối loạn chức năng. Hiện tượng trào ngược axit cũng có thể xảy ra khi có nhiều áp lực tác động lên cơ này khiến axit lọt qua kẽ hở.
Không có gì đáng ngạc nhiên vì hầu hết các triệu chứng của bệnh này thường xảy ra sau bữa ăn, nhất là khi bạn ăn uống quá nhiều lại càng làm trầm trọng thêm các triệu chứng khó chịu. Vì thế, lời khuyên là bạn không nên ăn quá no cũng như chia nhỏ khẩu phần của các bữa ăn trong ngày.
2. Giảm cân
Cơ hoành là một vân cơ dẹt, rộng, hình vòm và có vị trí nằm phía trên dạ dày của bạn. Ở những người khỏe mạnh bình thường, cơ hoành sẽ củng cố cho cơ vòng thực quản dưới, khi nó co thì làm tăng cường sức mạnh cho cơ vòng ngăn cản trào ngược dạ dày. Vì vậy nếu bạn gặp tình trạng thoát vị cơ hoành (một phần dạ dày nhô lên thông qua những vị trí yếu trên cơ hoành), lúc này cơ vòng thực quản dưới không nằm cùng mức với cơ hoành nên dễ gây trào ngược.
Vì vậy, khi bạn bị béo bụng, áp lực trong bụng có thể tăng cao đến mức khiến cho cơ vòng thực quản dưới bị đẩy lên cao, xa khỏi vị trí được cơ hoành hỗ trợ, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thoát vị hoành.
Do đó, những người béo phì và cả phụ nữ mang thai có nguy cơ bị chứng trào ngược và ợ nóng. Tuy vậy, một số nghiên cứu đã chứng minh việc giảm cân sẽ giúp bạn chống lại bệnh trào ngược dạ dày. Thế nên, hãy xem xét đến yếu tố này nếu như bạn đang gặp phải chứng trào ngược.
3. Thực hiện chế độ ăn low-carb
Low-card là viết tắt của từ low-carbohydrate, nghĩa là ít đường và tinh bột. Đây cũng là chế độ ăn đơn giản chỉ cần hạn chế gần như tuyệt đối đường và tinh bột, còn lại những chất khác bạn không cần phải giảm đi.
Đã có nhiều bằng chứng cho thấy chế độ ăn này có thể chống lại chứng trào ngược axit dạ dày. Các nhà khoa học cho rằng carbohydrate không được cơ thể tiêu hóa hết có thể gây ra sự phát triển quá mức của vi khuẩn và tăng áp lực trong bụng. Một số thậm chí suy đoán rằng, điều này lại là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây trào ngược. Việc có quá nhiều carbohydrate chưa tiêu hóa trong cơ thể sẽ khiến bạn bị đầy hơi. Điều này có thể dẫn đến tình trạng ợ nóng diễn ra thường xuyên hơn.
Ủng hộ ý tưởng này, một vài nghiên cứu nhỏ chỉ ra rằng chế độ ăn low-carb sẽ cải thiện các triệu chứng trên. Ngoài ra, việc điều trị bằng kháng sinh có thể làm giảm đáng kể tình trạng ợ nóng bằng cách giảm số lượng vi khuẩn sản sinh khí.
4. Hạn chế việc uống rượu
Thói quen uống rượu làm nghiêm trọng hơn tình trạng mà bạn đang mắc phải. Rượu làm tăng tiết axit dịch vị, làm giãn cơ vòng thực quản và đồng thời làm suy yếu khả năng tự bảo vệ của thực quản.
Nhiều báo cáo sức khỏe chỉ ra rằng, việc uống một lượng rượu vừa phải cũng có thể gây ra các triệu chứng trào ngược ở những người khỏe mạnh. Một số nghiên cứu có kiểm soát cũng cho thấy việc tiêu thụ rượu, bia làm tăng mức độ của các triệu chứng trào ngược hơn ở người không sử dụng.
5. Không nên uống quá nhiều cà phê
Việc tiêu thụ cà phê cũng đã được chứng minh là làm thư giãn cơ vòng thực quản khiến nó không thể đảm trách được vai trò ngăn cách dạ dày và thực quản. Đó là lý do giải thích vì sao nhiều người bệnh thường than phiền họ bị tăng ợ nóng sau khi dùng cà phê.
Khi bàn đến loại thức uống này thì không thể không nhắc đến caffeine, nhưng lưu ý rằng chất này không phải là tác nhân duy nhất trong cà phê khiến bạn bị ợ nóng. Trong một thử nghiệm so sánh giữa cà phê bình thường và loại đã tách caffeine, tỷ lệ người gặp chứng trào ngược vẫn tương đương nhau ở cả hai nhóm đối tượng sử dụng. Điều này cho thấy các thành phần khác trong cà phê góp phần vào hiệu ứng trào ngược.
Vì vậy, để chống lại tình trạng trào ngược dạ dày, bạn không nên sử dụng quá nhiều cà phê. Đặc biệt không nên dùng loại thức uống này khi bụng rỗng vì có thể gây loét dạ dày. Hai thời điểm khác trong ngày mà bạn cần tránh tiêu thụ loại thức uống này là buổi tối và trước lúc đi ngủ.
6. Hạn chế thức uống có ga
Những bệnh nhân bị GERD đôi khi được khuyên hạn chế dùng đồ uống có ga. Lý do: loại thức uống này làm cho dạ dày bị giãn nở, đồng thời tạo áp lực lên cơ vòng đẩy axit dịch vị và các chất chứa trong dạ dày trở lại thực quản.
Thêm vào đó, khí carbon dioxide trong đồ uống có ga khiến việc ợ hơi trở nên thường xuyên hơn, tác động này cũng góp phần làm lượng axit thoát vào thực quản tăng lên.
7. Đừng uống quá nhiều nước ép cam, chanh
Dường như độ axit của trái cây họ cam quýt không phải là yếu tố duy nhất góp phần tăng thêm tính nghiêm trọng của bệnh. Bằng chứng là nước cam có độ pH trung tính cũng gây nên tình trạng tương tự. Có thể giải thích rằng một số thành phần bên trong gây kích thích niêm mạc thực quản. Vì thế, bạn không nên uống quá nhiều nước ép từ những loại trái cây trên.
8. Nằm nghiêng sang trái
Tư thế ngủ này được khuyên nên áp dụng cho người mắc bệnh trào ngược. Khi nằm nghiêng sang trái, dạ dày và tuyến tụy được giữ ở vị trí tự nhiên thấp hơn thực quản giúp chống lại cơn trào ngược dạ dày hiệu quả.
Bên cạnh đó, tư thế này cũng mang lại một số lợi ích như giảm hiện tượng ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ cho bạn giấc ngủ ngon hơn.
9. Nâng cao đầu giường khi ngủ
Một số bệnh nhân gặp tình trạng trào ngược vào ban đêm, điều này gây gián đoạn và khiến họ rơi vào trạng thái khó ngủ.
Mẹo để chống lại cơn trào ngược dạ dày là nên kê cao đầu giường lên khoảng 15 cm, lúc này bạn sẽ khó bị trào ngược hơn nhờ trọng lực. Chú ý không nên gối đầu quá cao vì sẽ làm tăng áp lực lên bụng.
Trên đây là 9 cách chống trào ngược dạ dày mà bạn có thể áp dụng tại nhà. Ngoài ra, bạn có thể kết hợp cùng việc tập luyện, cũng như thay đổi thói quen sinh hoạt để có hiệu quả cao hơn nhé!
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.
Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: 14 Ways to Prevent Heartburn and Acid Reflux
Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất: