Site icon Medplus.vn

Bạn biết gì về bệnh vảy nến thể mủ?

Bạn biết gì về bệnh vảy nến thể mủ?

Vảy nến thể mủ là bệnh ngoài da, biểu hiện bằng các vết sưng trắng chứa mủ gần hoặc bên trong các vết đỏ trên da. Chúng được gọi là mụn mủ, có thể gây đau, ngứa và bong tróc vảy trên da. Mặc dù bạn thấy các vết sưng tấy có mủ, tuy nhiên đó không phải là tình trạng nhiễm trùng.

Bệnh vảy nến mủ không có tính lây nhiễm nên người mắc bệnh sẽ không thể lây cho người khác. Đa phần bệnh thường xảy ra với người lớn và ít gặp đối với trẻ em, nhưng bệnh vẫn có thể mang tính di truyền. Bệnh vảy nến thể mủ có thể xảy ra kết hợp với các dạng vảy nến thể khác như bệnh vảy nến mảng bám.

Phân loại bệnh vảy nến thể mủ

Dựa trên vị trí bùng phát của mụn nước hoặc tốc độ mụn nổi lên, vảy nến thể mủ được chia thành 3 loại như sau:

Mụn mủ ở lòng bàn tay

Mụn nước hình thành ở các vùng da nhỏ trên cơ thể, thường là lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân. Những nốt đầy mủ này có thể chuyển sang màu nâu, bong ra hoặc đóng vảy. Đôi khi, bạn còn có thể gặp tình trạng nứt da. Loại bệnh vẩy nến này xảy ra trong 1 khoảng thời gian ngắn và tự biến mất. Những người hút thuốc lá có nhiều khả năng mắc phải căn bệnh mụn mủ ở lòng bàn tay.

 

Acropustulosis

Các tổn thương nổi lên trên đầu ngón tay hoặc ngón chân thường rất nhỏ và gây đau. Điều này khiến bạn khó có thể sử dụng ngón tay hoặc ngón chân thoải mái. Trong một số trường hợp hiếm, căn bệnh này còn có thể gây tổn thương móng tay hoặc thậm chí tổn thương xương.

Bệnh vảy nến Von Zumbusch

Các vùng da bị đỏ, đau, khá mềm xuất hiện trên cơ thể, thường đi kèm theo các nốt mụn nước chứa đầy dịch mủ. Bạn có thể gặp một số triệu chứng như ngứa da, mệt mỏi, sốt, ớn lạnh, mất nước, buồn nôn, yếu cơ, đau đầu, đau khớp, mạch đập nhanh hoặc sụt cân. Đây là một căn bệnh nguy hiểm hiếm gặp. Vì thế, hãy đến gặp bác sĩ ngay nếu bạn có những triệu chứng này.

Nguyên nhân gây bệnh vảy nến thể mủ

Bệnh vảy nến là căn bệnh tự miễn. Theo đó, hệ thống miễn dịch của bạn sẽ tự gửi các tế bào bạch cầu để chống lại bệnh tật trong cơ thể. Tuy nhiên, trong trường hợp này, hệ miễn dịch bị suy yếu nên các tế bào này nhận sai tín hiệu và tấn công “nhầm” vào chính làn da của bạn.

Một số yếu tố có thể làm bùng phát bệnh vảy nến như:

  • Các loại thuốc như steroid
  • Kem bôi hoặc các sản phẩm chăm sóc da khắc nghiệt dễ gây kích ứng da
  • Thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
  • Căng thẳng kéo dài
  • Đang trong giai đoạn thai kỳ
  • Nhiễm trùng
  • Rối loại nội tiết tố.

Một đột biến hoặc thay đổi ở một trong hai gen cụ thể (IL36RN hoặc CARD14) có thể khiến bạn dễ có nguy cơ mắc bệnh vảy nến mủ. Nếu bạn có một trong những đột biến gen này thì sẽ kích thích tác nhân gây bệnh bùng phát.

Chẩn đoán

Dựa trên những triệu chứng, tiền sử bệnh của bản thân hay của bất kỳ thành viên nào trong gia đình về căn bệnh vảy nến, mà từ đó bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán cho bạn. Bên cạnh đó, để đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy, bạn cần phải trải qua 1 số xét nghiệm để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh như:

  • Sinh thiết: Bác sĩ sẽ lấy 1 mẫu nhỏ vùng da bị viêm để quan sát dưới kính hiển vi
  • Xét nghiệm máu: Nếu làn da bị bùng phát dữ dội, bạn có thể được đưa đi thực hiện xét nghiệm máu để xác định dấu hiệu số lượng bạch cầu cao, tình trạng gan và thận, liệu cơ thể bạn có đủ chất điện giải, canxi và photphat…

Điều trị bệnh vảy nến thể mủ

Để làm dịu các triệu chứng và kiểm soát các đợt bệnh bùng phát, bác sĩ sẽ dựa vào từng tình trạng bệnh sau đây:

  • Vảy nến thể mủ nhỏ, bùng phát cục bộ: Trước tiên, bác sĩ sẽ chỉ định thoa kem bôi steroid để điều trị vết loét. Các loại kem than hoặc chứa axit salicylic có thể dùng để chữa tình trạng da tróc vảy. Bạn cần thoa kem dưỡng da hoặc thuốc mỡ để làm dịu và ngăn ngừa da bị nứt nẻ, kết hợp mang thêm vớ cotton hoặc găng tay để giữ độ ẩm.
  • Vảy nến thể mủ bùng phát: Vì đây là căn bệnh khá “cứng đầu” nên bác sĩ có thể dùng phương pháp liệu pháp quang lên vùng da bị viêm.
  • Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc uống như methotrexate hoặc cyclosporine có thể giúp làm dịu hệ thống miễn dịch của bạn. Acitretin (Soriatane) là một loại thuốc có khả năng làm chậm các đợt bùng phát trên da. Đó là một retinoid, hoặc một dạng vitamin A tổng hợp. Tuy nhiên, tất cả các loại thuốc này đều có nguy cơ gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng, vì vậy bạn nên chuyển đổi phương pháp điều trị theo thời gian.
  • Ngưng hút thuốc: Nếu bạn đang hút thuốc, hãy cố gắng từ bỏ thuốc lá vì nếu không bệnh vảy nến sẽ trở nên khó điều trị hơn.

  • Vảy nến bùng phát trên diện rộng: Nếu bạn mắc bệnh vảy nến toàn thân hoặc vảy nến Von Zumbusch thì hãy đến cơ sở y tế ngay lập tức. Khi đó, các bác sĩ sẽ truyền dịch và áp dụng các phương pháp điều trị khác để ngăn ngừa nhiễm trùng, hạ sốt và làm dịu vùng da bị viêm. Trong thời gian nằm viện, bạn nên tập trung nghỉ ngơi, uống đủ nước và giữ mát. Nhằm giúp kiểm soát cơn bùng phát, một số các loại thuốc có thể được bác sĩ kê toa như acitretin, methotrexate, cyclosporine, steroid hoặc sinh học (thuốc làm từ tế bào sống) như infliximab hoặc etanercept. Khi các vết mẩn đỏ và mụn mủ trên da dịu đi thì bác sĩ có thể cho bạn áp dụng quang trị liệu bằng PUVA, nghĩa là sự kết hợp của một loại thuốc gọi là psoralen và tia cực tím chiếu vào khu vực da bị ảnh hưởng.

Trong 1 số trường hợp, một lần điều trị bệnh vảy nến thể mủ vẫn chưa hiệu quả. Vì thế, bác sĩ có thể sẽ phải kết hợp 1 hoặc nhiều liệu pháp để đem lại hiệu quả tốt hơn cho người bệnh.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.

Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn: Pustular psoriasis: pathophysiology and current treatment perspectives

Pustular Psoriasis

Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất:

Exit mobile version