Đăng ký Bảo Việt An GiaĐăng ký Bảo Việt An GiaĐăng ký Bảo Việt An Gia

Bạn biết gì về chứng xốp xơ tai?

Bạn biết gì về chứng xốp xơ tai?

Xốp xơ tai còn được gọi là xơ cứng tai. Đây là tình trạng mà xương bàn đạp ở tai giữa bị kẹt khiến sóng âm thanh không thể truyền đến tai trong và chuyển tín hiệu lên não. Từ đó khiến người bệnh suy giảm thính lực.

Tình trạng xơ cứng tai thường dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh về tai khác. Đồng thời, nguyên nhân gây ra tình trạng này vẫn chưa được xác định rõ. Vì vậy, bài viết sau của MedPlus sẽ tổng hợp những thông chi tiết hơn về xốp xơ tai để bạn tham khảo. Việc tìm hiểu sẽ giúp ích cho bạn khi đi kiểm tra thính giác cũng như chữa trị chứng xơ cứng tai.

Xốp xơ tai là bệnh gì?

Cấu tạo của tai bao gồm tai ngoài, tai giữa và tai trong. Đối với quá trình nghe, đầu tiên sóng âm thanh sẽ đi vào tai ngoài và đi qua một lối hẹp gọi là ống tai để dẫn đến màng nhĩ. Các sóng âm thanh truyền đến làm cho màng nhĩ rung động và các rung động này sẽ truyền đến 3 xương nhỏ trong tai giữa, bao gồm xương búa, xương đe và xương bàn đạp.

Tiếp theo, 3 chiếc xương nhỏ này sẽ rung lên và truyền sóng âm thanh đến ốc tai (tai trong) để chuyển đổi thành tín hiệu gửi đến não. Nếu mắc chứng xốp xơ tai, xương bàn đạp trong tai giữa sẽ dính với các xương xung quanh và bị mắc kẹt. Khi xương bàn đạp không thể rung lên được sẽ cản trở sóng âm thanh truyền đến tai trong. Từ đó khiến người bệnh suy giảm thính lực.

Nguyên nhân gây ra xốp xơ tai

xot xo tai 2 1 - Medplus

Nguyên nhân chính xác gây ra chứng xốp xơ tai vẫn còn là một bí ẩn và chưa thể xác định rõ. Một số nghiên cứu chỉ có thể đưa ra các yếu tố nguy cơ gây ra tình trạng này, bao gồm:

  • Xơ cứng tai do di truyền. Đây là chứng rối loạn có xu hướng xảy ra trong gia đình
  • Phụ nữ có nguy cơ bị xốp xơ tai nhiều hơn nam giới, đặc biệt là khi mang thai
  • Người bị rối loạn miễn dịch hoặc mắc bệnh xương thuỷ tinh (bệnh giòn xương) thường có nguy cơ cao mắc chứng xơ cứng tai
  • Một số bằng chứng cho thấy uống nước không chứa fluor có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng xốp xơ tai ở những người nhạy cảm
  • Việc nhiễm virus gây bệnh sởi có thể góp phần phát triển chứng xơ cứng tai. Do đó, bạn có thể có nguy cơ mắc chứng này nếu từng bị bệnh sởi trước đó.

Triệu chứng xốp xơ tai (xơ cứng tai)

Xốp xơ tai thường được phát hiện ở những người trẻ trong độ tuổi từ 20 đến 30. Ban đầu, xơ cứng tai có thể xảy ra ở một bên tai nhưng sau đó thường ảnh hưởng đến cả tai còn lại. Các triệu chứng của bệnh bao gồm:

  • Mất thính lực dần dần, khả năng nghe ngày càng kém theo thời gian
  • Người bệnh thường khó nghe những âm thanh có âm vực thấp, trầm và khó nghe tiếng thì thầm
  • Chóng mặt, ù tai khiến bạn có thể nghe thấy tiếng vo ve, tiếng rít, tiếng gầm… trong tai hoặc trong đầu.

Đôi khi, chứng xốp xơ tai có thể khiến bạn thấy dễ nghe khi xung quanh đang ồn ào. Ngoài ra, bạn còn có thể cảm thấy giọng nói của chính mình to hơn nên sẽ tự điều chỉnh giọng nói nhỏ hơn. Đây thường là những triệu chứng đặc trưng để phân biệt xơ cứng tai với những dạng mất thính lực khác.

Phương pháp chẩn đoán bệnh xốp xơ tai

Nếu khả năng nghe của bạn ngày càng kém và nghi ngờ mắc chứng xốp xơ tai, cách tốt nhất là bạn nên đi khám tại các bệnh viện có chuyên khoa tai mũi họng càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ kiểm tra thính lực để đo độ nhạy của thính giác và độ dẫn truyền âm thanh của tai giữa. Đôi khi, các xét nghiệm hình ảnh như chụp CT cũng được sử dụng để chẩn đoán xơ cứng tai.

Điều trị bệnh xốp xơ tai như thế nào?

xot xo tai 1 - Medplus

Xốp xơ tai không gây ảnh hưởng nhiều đến thính lực nên có thể không cần điều trị. Ngược lại, nếu mức độ suy giảm khả năng nghe là đáng kể, bạn có thể cần được chữa trị hoặc hỗ trợ khả năng nghe. Các lựa chọn bao gồm:

1. Thuốc hỗ trợ giảm xốp xơ tai

Một số nghiên cứu gợi ý rằng bổ sung florua, canxi và vitamin D có thể làm chậm sự tiến triển của chứng xơ cứng tai. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn còn gây tranh cãi và chưa có bằng chứng rõ ràng về hiệu quả.

2. Phẫu thuật điều trị

Giải phẫu trong điều trị xốp xơ tai thường là cắt bỏ xương bàn đạp bất thường và dùng xương giả (bằng nhựa hoặc kim loại) chèn vào để thay thế. Phần được cấy ghép vào tai của bạn có thể truyền sóng âm từ các xương còn lại vào tai trong để cải thiện khả năng nghe.

Mặc dù hầu hết trường hợp phẫu thuật điều trị xơ cứng tai đều thành công nhưng đôi khi rủi ro vẫn có thể xảy ra. Nếu có biến chứng sau phẫu thuật, bạn có thể gặp phải một số triệu chứng sau đây:

  • Khả năng nghe kém hơn hoặc mất hoàn toàn (rất hiếm)
  • Thay đổi vị giác (thường là tạm thời)
  • Tình trạng ù tai có thể nặng hơn
  • Chóng mặt (thường là tạm thời)

Thực tế, phẫu thuật luôn là phương pháp tiềm ẩn rủi ro dù là rất nhỏ. Vì vậy, điều quan trọng là bạn nên thảo luận trước với bác sĩ về những lựa chọn điều trị và nguy cơ tiềm ẩn trước khi phẫu thuật. Việc cân nhắc kỹ càng sẽ giúp bạn được điều trị bằng phương pháp phù hợp và hạn chế rủi ro.

3. Dùng máy trợ thính

Đây là thiết bị khuếch đại âm thanh nên có thể giúp ích cho người khiếm thính trong việc giao tiếp. Nếu bạn mất thính lực do xốp xơ tai và không thể phục hồi thì lựa chọn tốt nhất là dùng máy trợ thính.

Lưu ý gì sau khi phẫu thuật điều trị xốp xơ tai?

Nhiều bệnh nhân thường chọn phẫu thuật để không phải đeo máy trợ thính. Sau khi phẫu thuật điều trị xốp xơ tai, bạn cần bảo vệ các cấu trúc bên trong tai khỏi nhiễm trùng, áp lực và tiếng ồn để giảm nguy cơ gặp biến chứng. Sau đây là một số lưu ý về chăm sóc sau phẫu thuật để bảo vệ tai, bao gồm:

  • Tránh tiếp xúc với tiếng ồn lớn
  • Tránh xì mũi quá mạnh
  • Tránh nhiệt độ lạnh
  • Tránh những nơi có nguy cơ tiếp xúc với người có bệnh về hô hấp
  • Tránh di chuyển bằng máy bay
  • Tránh đi bơi, lặn biển.

Cuối cùng, điều quan trọng là bạn nên đến bệnh viện khám ngay nếu phát hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào sau phẫu thuật xốp xơ tai. Các triệu chứng cảnh báo biến chứng hoặc nhiễm trùng bao gồm đau tai, chóng mặt, sốt…

Hy vọng bài viết đã giúp bạn giải đáp thắc mắc xốp xơ tai là bệnh gì. Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.

Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn: Otosclerosis

Related Posts

Next Post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

For security, use of Google's reCAPTCHA service is required which is subject to the Google Privacy Policy and Terms of Use.

I agree to these terms.