Luteinizing hormone (LH) hay còn gọi là hormone tạo hoàng thể được biết đến là một trong các hormone quan trọng chi phối hoạt động sinh dục và sinh sản của cơ thể cả nam và nữ. Vậy khi nào cần làm xét nghiệm nồng độ LH trong máu hay xét nghiệm LH để làm gì?
Hãy cùng MedPlus tìm hiểu rõ hơn về xét nghiệm mức LH trong máu qua bài viết dưới đây nhé!
Tìm hiểu chung
Luteinizing hormone là gì? Xét nghiệm LH là gì?
Luteinizing hormone (LH) là hormone được sản xuất bởi tuyến yên, một tuyến nhỏ nằm trong não của bạn và đóng vai trò quan trọng trong phát triển và điều khiển hoạt động của hệ thống sinh dục. Cụ thể như:
- Ở phụ nữ, LH giúp kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt. Nó kích hoạt việc rụng trứng.
- Ở nam giới, LH kích thích tinh hoàn tạo ra testosterone.
- Ở trẻ em, nồng độ LH thường thấp cho đến trước tuổi dậy thì. Ở bé trai, nó báo hiệu tinh hoàn bắt đầu sản sinh testosterone và ở bé gái, nó báo hiệu buồng trứng tạo ra estrogen.
Xét nghiệm LH là xét nghiệm đo nồng độ của hormone này trong máu, thường được xem như một trong các chỉ định để chẩn đoán vô sinh ở nam giới và phụ nữ. Hoặc kiểm tra các vấn đề liên quan đến dậy thì sớm hoặc muộn ở trẻ em.
Khi nào cần thực hiện xét nghiệm LH?
Xét nghiệm LH để làm gì?
Xét nghiệm LH thường được chỉ định đồng thời với xét nghiệm FSH (được gọi là hormone kích thích nang trứng) để kiểm tra sức khỏe sinh dục và sinh sản. Xét nghiệm LH để làm gì còn phụ thuộc bạn là phụ nữ, đàn ông hay trẻ nhỏ.
Vậy nếu là phụ nữ, xét nghiệm LH để làm gì?
- Giúp tìm ra nguyên nhân gây vô sinh.
- Xác định thời điểm rụng trứng – thời điểm cho khả năng thụ thai cao nhất.
- Tìm ra lý do tại sao kinh nguyệt không đều hoặc ngừng kinh.
- Xác định thời điểm bắt đầu thời kỳ tiền mãn kinh hay mãn kinh.
Vì vậy, phụ nữ sẽ được chỉ định khi:
- Không thụ thai dù đã có kế hoạch sinh con trong 1 năm.
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều.
- Ngừng kinh.
Ở nam giới, xét nghiệm LH để làm gì?
- Giúp tìm ra nguyên nhân vô sinh.
- Tìm ra nguyên nhân số lượng tinh trùng thấp.
- Tìm ra lý do làm giảm ham muốn tình dục.
Vì vậy, nam giới sẽ được chỉ định khi:
- Không thụ thai dù đã có kế hoạch sinh con trong 1 năm.
- Giảm ham muốn tình dục.
Bên cạnh đó, cả nam giới và phụ nữ đều cần thực hiện xét nghiệm LH nếu có các triệu chứng nghi ngờ rối loạn tuyến yên như:
- Mệt mỏi
- Suy nhược cơ thể
- Giảm cảm giác thèm ăn, giảm cân.
Khi nào trẻ em cần làm xét nghiệm hormone LH?
Trẻ em thực hiện xét nghiệm LH để chẩn đoán dậy thì sớm hoặc muộn ở trẻ em.
- Dậy thì sớm: trước 9 tuổi ở bé gái và trước 10 tuổi ở bé trai
- Dậy thì muộn: từ tuổi 13 ở bé gái và từ tuổi 14 ở bé trai.
Thận trọng
Xét nghiệm LH có nguy hiểm gì không?
Xét nghiệm nồng độ LH là một loại xét nghiệm máu đơn giản. Do đó, có rất ít khi xảy ra rủi ro. Bạn có thể sẽ cảm giác đau nhẹ hoặc bầm tím tại chỗ đưa kim tiêm vào, nhưng hầu hết các triệu chứng này sẽ nhanh chóng biến mất.
Quy trình
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Chuẩn bị trước khi xét nghiệm LH
Đo nồng độ LH trong máu là một xét nghiệm đơn giản, bạn thường không cần phải chuẩn bị gì trước khi tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên, với phụ nữ chưa bước vào thời kỳ mãn kinh, bác sĩ có thể đề nghị bạn lên lịch xét nghiệm vào một thời điểm cụ thể trong chu kỳ kinh nguyệt.
Quá trình xét nghiệm LH diễn ra như thế nào?
Kỹ thuật viên sẽ tiến hành lấy mẫu máu xét nghiệm từ tĩnh mạch trên cánh tay của bạn. Sau khi đưa kim lấy máu vào tĩnh mạch, một lượng máu vừa đủ để thực hiện xét nghiệm sẽ được thu vào một ống nghiệm nhỏ. Quy trình này diễn ra trong vòng 5 phút. Có thể bạn sẽ cảm thấy châm chích nhẹ khi kim lấy máu được đưa vào và rút ra.
Kết quả của xét nghiệm LH để làm gì?
Kết quả xét nghiệm LH bình thường là bao nhiêu?
Kết quả bình thường đối với phụ nữ trưởng thành là:
- Trước mãn kinh: 5-25 IU/L. Khoảng giữa chu kỳ kinh nguyệt, mức đỉnh có thể cao hơn nữa
- Sau mãn kinh: 14.2-52.3 IU/L.
- Chưa dậy thì: mức LH thường thấp hơn.
Kết quả bình thường đối với nam giới trên 18 tuổi là khoảng 1.8-8.6 IU/L.
Giá trị này có thể thay đổi đôi chút giữa các đơn vị làm xét nghiệm.
Ý nghĩa của kết quả xét nghiệm LH ở phụ nữ
Nếu nồng độ LH máu của phụ nữ cao hơn mức bình thường, điều này có thể mang nghĩa là:
- Không rụng trứng: Đây có thể vấn đề bất thường của buồng trứng với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Nếu bạn đã lớn tuổi, đây là dấu hiệu bắt đầu mãn kinh hoặc đang ở giai đoạn tiền mãn kinh.
- Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): hội chứng rối loạn hormone phổ biến ảnh hưởng tới phụ nữ trong tuổi sinh đẻ. Nó là nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh nữ.
- Hội chứng Turner – một rối loạn di truyền ảnh hưởng đến sự phát triển giới tính nữ, thường gây vô sinh.
Nếu phụ nữ có kết quả nồng độ LH trong máu thấp, có nghĩa là:
- Rối loạn tuyến yên
- Bị suy dinh dưỡng
- Rối loạn ăn uống.
Ý nghĩa kết quả xét nghiệm LH ở nam giới
Nếu kết quả xét nghiệm LH ở nam giới cao hơn mức bình thường, có thể mang ý nghĩa:
- Tinh hoàn của bạn có thể đã bị tổn thương do xạ trị, hóa trị, nhiễm trùng hoặc lạm dụng rượu.
- Hội chứng Klinefelter – một rối loạn di truyền ảnh hưởng đến sự phát triển giới tính nam, thường gây nên vô sinh.
Nếu mức LH ở nam giới thấp có thể là dấu hiệu cho các rối loạn ở tuyến yên hay vùng dưới đồi.
Ở trẻ em, kết quả xét nghiệm LH để làm gì?
Kết quả xét nghiệm nồng độ LH cao cùng với xét nghiệm FSH cao cho thấy trẻ đang bắt đầu dậy thì. Tuy nhiên, nếu thời điểm này ở trước năm 9 tuổi (ở các bé gái) và trước năm 11 tuổi (ở các bé trai), đây được xem là dậy thì sớm và có thể là dấu hiệu của rối loạn thần kinh trung ương hay chấn thương sọ não.
Nếu nồng độ LH và FSH thấp, có thể trẻ đang dậy thì muộn, nguyên nhân bao gồm:
- Rối loạn buồng trứng hoặc tinh hoàn
- Hội chứng Turner ở trẻ em gái
- Hội chứng Klinefelter ở trẻ em trai
- Nhiễm trùng
- Thiếu hụt hormone
- Rối loạn ăn uống.
Hy vọng các thông tin trên đây có thể giúp bạn giải đáp được câu hỏi xét nghiệm LH để làm gì và có ý nghĩa gì với sức khỏe sinh sản nhé!
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.
Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: Luteinizing Hormone (LH) Levels Test: MedlinePlus Medical Test
Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất: