Cùng Medplus tìm hiểu thêm nhiều thông tin về bệnh tiền sản giật là như thế nào bạn đọc nhé!
1. Bệnh tiền sản giật là gì?
Bệnh tiền sản giật là một hội chứng bệnh lý thai nghén toàn thân do thai nghén gây ra trong 3 tháng cuối của thai kỳ (từ tuần thứ 20) với 3 triệu chứng: Tăng huyết áp, protein niệu và phù.
Tiền sản giật là giai đoạn xảy ra trước khi lên cơn sản giật. Giai đoạn sản giật có thể kéo dài vài giờ, vài ngày, vài tuần hoặc chỉ thoáng qua tùy mức độ nặng nhẹ của bệnh.
Bệnh Tiền sản giật dễ xảy ra khi có các yếu tố thuận lợi, bao gồm:
- Đa thai đa ối.
- Mẹ sinh con khi trên 35 tuổi, dưới 18 tuổi hoặc mẹ hút thuốc lá.
- Mang thai vào mùa lạnh ẩm.
- Chửa trứng, biểu hiện tiền sản giật thường biểu hiện sớm.
- Thai nghén ở phụ nữ đái tháo đường, tăng huyết áp mạn tính, béo phì.
- Tiền sử có tiền sản giật – sản giật ở lần mang thai trước.
2. Nguyên nhân bệnh tiền sản giật
Cho đến nay, người ta vẫn chưa hiểu rõ nguyên nhân sinh bệnh của bệnh tiền sản giật. Tuy nhiên, có một số yếu tố sau đây có thể góp phần dẫn đến sự xuất hiện bệnh tiền sản giật.
- Thai phụ bị một số chứng rối loạn như máu khó đông, có tiền sử mắc bệnh tiểu đường, bệnh thận, hoặc bệnh tự miễn như lupus (lở ngoài da) trước đó.
- Có người thân trong nhà như bà, mẹ, cô, dì hay chị em ruột,… bị tiền sản giật.
- Bị béo phì, thừa cân trong thai kỳ.
- Phản xạ trong căng tử cung trong đa thai, thai to.
- Thiếu máu cục bộ tử cung – nhau.
3. Triệu chứng của bệnh tiền sản giật
Tăng huyết áp
Đây là dấu hiệu hay gặp nhất và sớm nhất, có giá trị chẩn đoán, theo dõi, tiên lượng.
- Huyết áp tối đa ≥ 140mmHg và/ hoặc huyết áp tối thiểu ≥ 90mmHg (đo 2 lần cách nhau ít nhất 4 giờ khi nghỉ ngơi, xảy ra 20 tuần tuổi thai ở phụ nữ có huyết áp trước đó bình thường).
- Những trường hợp có huyết áp tối đa tăng hơn 30mmHg hoặc huyết áp tối thiểu tăng hơn 15mmHg so với trị số huyết áp khi chưa có thai cần được quan tâm đặc biệt, vì có thể xuất hiện tiền sản giật.
- Huyết áp càng cao thì tiên lượng tiền sản giật càng nặng.
- Huyết áp tâm thu ≥ 160mmHg hoặc huyết áp tâm trương ≥ 110mmHg, phải được xác định nhanh chóng (vài phút) để sử dụng thuốc hạ áp kịp thời.
Nếu sau đẻ 6 tuần mà huyết áp còn cao, nguy cơ trở thành do tăng huyết áp mạn tính, cần phải khám chuyên khoa tim mạch để có hướng chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Protein niệu
Mức độ protein niệu có thể thay đổi nhiều trong 24 giờ. Do đó, xét nghiệm để protein niệu chính xác thì nước tiểu phải được lấy mẫu trong 24 giờ.
Protein niệu dương tính khi lượng protein lớn hơn 0,3g/l/24 giờ hoặc trên 0,5g/l/ mẫu nước tiểu ngẫu nhiên.
Phù
Biểu hiện: Phù trắng mềm, ấn lõm – cần phân biệt
Phù sinh lý gặp ở thai phụ bình thường trong 3 tháng cuối, chỉ phù nhẹ ở chân, phù về chiều, nằm nghỉ kê cao chân sẽ hết.
Phù bệnh lý nếu phù toàn thân, phù từ buổi sáng, kê cao chân không hết. Nặng có thể phù tràn dịch đa màng (màng phổi, màng bụng), phù não.
Phát hiện phù bằng cách ấn trên nền cứng kèm theo biểu hiện mẹ tăng cân nhanh và nhiều, >500 g/tuần hay > 2250 g/ tháng. Thường kiểm tra ở mu chân, mu tay, mặt trước xương chậu
Cần phân biệt: Phù tím, phù thận, phù dinh dưỡng, phù giun chỉ
Phù trắng, mềm, ấn lõm
Triệu chứng kèm theo, thể hiện bệnh tiền sản giật nặng
- Thiếu máu: Mệt mỏi, da xanh, niêm mạc nhợt.
- Dấu hiệu tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, đau vùng thượng vị, hạ sườn phải.
- Dấu hiệu thần kinh: Đau vùng chẩm, thuốc giảm đau không đỡ, lờ đờ.
- Dấu hiệu thị giác: Hoa mắt chóng mặt, sợ ánh sáng, giảm thị lực.
- Dấu hiệu tràn dịch đa màng: Bụng, tim, phổi.
4. Điều trị bệnh tiền sản giật
- Đăng ký quản lý thai nghén là khâu cơ bản nhất trong dự phòng tiền sản giật. Bác sĩ sẽ chẩn đoán tiền sản giật bằng cách kiểm tra huyết áp và xét nghiệm protein trong nước tiểu mỗi lần khám thai.
- Đảm bảo chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng (đặc biệt protein), bổ sung canxi, ăn nhạt.
- Giữ ấm.
- Phát hiện sớm, điều trị kịp thời những sản phụ có nguy cơ cao để ngăn xảy ra sản giật.
- Chăm sóc liên tục trong thời kỳ thai sản.
- Xét nghiệm sàng lọc tiền sản giật khi thai 12 – 14 tuần để dùng thuốc dự phòng khi kết quả nguy cơ cao.
Điều trị tiền sản giật nhẹ:
- Có thể điều trị và theo dõi ngoại trú bằng cách đo huyết áp 2 lần 1 ngày.
- Nghỉ ngơi và nằm nghiêng trái.
- Theo dõi hàng tuần, nếu nặng lên phải nhập viện và điều trị tích cực.
- Nếu thai đã đủ tháng nên chấm dứt thai kỳ ở tuyến chuyên khoa.
- Uống đủ nước (2 – 3l nước mỗi ngày), ăn tăng đạm và ăn nhạt.
Điều trị tiền sản giật nặng:
Phải nhập viện và theo dõi huyết áp và được điều trị tích cực. Theo dõi huyết áp 4 lần/ ngày, cân nặng và protein niệu hàng ngày, xét nghiệm đếm tiểu cầu, Hct, siêu âm và theo dõi tim thai liên tục. Chế độ điều trị cơ bản như sau:
Điều trị nội khoa
- Nghỉ ngơi và nằm nghiêng trái.
- Thuốc an thần: Diazepam tiêm hoặc uống.
- Sử dụng Magnesium Sulfate.
- Thuốc hạ huyết áp sử dụng khi có huyết áp cao (160/110mmHg).
- Thuốc có tác dụng làm giãn các tiểu động mạch, tăng lưu lượng máu đến tim và thận. Ngoài ra, thuốc còn làm tăng lượng máu đến bánh rau.
- Thuốc lợi tiểu: chỉ sử dụng khi có đe dọa phù phổi cấp và thiểu niệu.
Tìm hiểu từ nguồn: Verywell Health
Như vậy, Medplus đã cung cấp cho bạn đọc đầy đủ thông tin hữu ích về bệnh về bệnh tiền sản giật, hy vọng bài đọc sẽ cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin bổ ích, giúp bạn nâng cao tầm hiểu biết mà hạnh phúc hơn.
Bên cạnh đó, Medplus cũng cung cấp một số thông tin liên quan :