Site icon Medplus.vn

BIẾN CHỨNG TĂNG HUYẾT ÁP LÀ GÌ?

Cùng Medplus tìm hiểu về các biến chứng tăng huyết áp là gì bạn đọc nhé!

Biến chứng tăng huyết áp

1. Biến chứng tăng huyết áp là gì?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2015, cứ 4 người nam hay 5 người nữ, có 1 người bị tăng huyết áp. Một khảo sát gần đây cho thấy, gần 1/3 người lớn ở vùng thành thị Đông Nam Á có huyết áp cao. Tương tự, ở Việt Nam tỷ lệ này là 25% đối với người trên 25 tuổi, trong đó gần 60% người bị tăng huyết áp chưa được phát hiện và trên 80% chưa được điều trị. Và cứ 5 người tăng huyết áp được điều trị, chỉ có 1 người đạt được kiểm soát huyết áp.

Huyết áp là áp lực máu trong lòng mạch, gồm có hai trị số: huyết áp tâm thu (số đầu) là áp lực máu trong lòng mạch lúc tim co bóp và huyết áp tâm trương (số sau) là áp lực máu trong lòng mạch lúc tim thư giãn (ví dụ: huyết áp 120/70 mmHg). Hệ thống mạch máu trong cơ thể giống như các ống dẫn, đưa máu đến các cơ quan.

Hệ thống ống dẫn này nếu chịu một áp lực cao lâu ngày sẽ bị phình giãn (thành ống yếu đi, dễ bị rách hay vỡ), hoặc cứng lại mất tính đàn hồi mềm mại, hoặc lớp bên trong bị tổn thương và tích tụ các mảng xơ vữa gây hẹp và bít tắc dần. Tất cả các mạch máu lớn (động mạch chủ, động mạch cảnh, động mạch đùi…) và mạch máu nhỏ (mạch máu ở đáy mắt, cầu thận, não…) toàn thân đều bị ảnh hưởng bởi bệnh tăng huyết áp.

2. Sự nguy hiêm của biến chứng tăng huyết áp

Các biến chứng của tăng huyết áp gồm:

Tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch tăng khi huyết áp cao. Với mức huyết áp (HA) bình thường 115/75 mmHg, cứ mỗi mức tăng HA thêm 20/10 mmHg, nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch sẽ nhân lên gấp đôi.

Ví dụ, người có mức HA 135/85 mmHg có nguy cơ tử vong tim mạch gấp đôi người có HA 115/75 mmHg; người có HA 155/95 mmHg thì nguy cơ tăng gấp 4 lần, mức HA 175/105 mmHg nguy cơ tăng gấp 8 lần và 195/115 thì nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch tăng gấp 16 lần người có huyết áp bình thường.

3. Biến chứng tăng huyết áp gồm những gì?

Bệnh tăng huyết áp nếu để lâu không điều trị hoặc điều trị không kiểm soát được huyết áp sẽ dẫn tới các biến chứng như:

Suy tim

Khi huyết áp cao, tim co bóp tốn nhiều công hơn để bơm một lượng máu ra các mạch ngoại biên. Hậu quả của việc gắng sức lâu ngày này làm cơ tim dày lên, cứng hơn, ít đàn hồi giãn nở so với tim người bình thường, gây suy giảm chức năng hút máu về tim. Bệnh nhân sẽ có triệu chứng của suy tim khi máu về tim khó khăn, ứ đọng ở phổi gây khó thở, giảm khả năng làm việc gắng sức hoặc tức ngực.

Ngoài ra, người bệnh tăng huyết áp thường kèm bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim trước đó nên chức năng tim có thể giảm, tức là có suy tim phân suất tống máu giảm. Trong điều trị, nếu huyết áp không ổn định, thường xuyên cao sẽ thúc đẩy suy tim nặng lên, mất bù do tim làm việc với công lớn, tải nặng.

Biến chứng ở mắt

Huyết áp cao gây tổn thương các mạch máu nhỏ ở đáy mắt (nằm phía sau nhãn cầu, gọi là võng mạc, nơi thu nhận hình ảnh khi nhìn), gọi là bệnh võng mạc do tăng huyết áp. Tổn thương mạch máu ở võng mạc mức độ nhẹ đến vừa có thể không gây triệu chứng gì, chỉ phát hiện được khi khám mắt, chụp võng mạc.

Khi đó sẽ thấy các mạch máu này đi ngoằn ngoèo, cứng, có chỗ hẹp, co thắt hoặc bị phù nề, nặng hơn là xuất huyết sau võng mạc hay phù gai thị dẫn đến nhìn mờ hoặc mù mắt.

Do đó, người bệnh tăng huyết áp cần khám mắt định kỳ, chụp võng mạc để phát hiện sớm biến chứng này. Điều trị kiểm soát huyết áp tốt giúp phòng tránh bệnh võng mạc do tăng huyết áp.

Phình và bóc tách động mạch chủ

Huyết áp cao gây tăng áp lực lên thành động mạch chủ, lâu ngày làm thành mạch bị suy yếu, giãn lớn ra. Giãn động mạch chủ lên (đoạn vừa ra khỏi tim) hay gặp ở bệnh nhân tăng huyết áp.

Động mạch chủ lên ở người trưởng thành có kích thước trung bình 30mm. Khi kích thước > 45mm thì gọi là phình động mạch chủ. Đoạn động mạch chủ bị phình có thành mạch yếu, nếu huyết áp cao dễ gây tổn thương, xé rách các lớp trong thành mạch dẫn đến bóc tách thành động mạch hay vỡ động mạch chủ, khiến người bệnh tử vong.

Khi động mạch chủ lên giãn ≥ 55mm thường cần can thiệp phẫu thuật hoặc đặt stent động mạch chủ để phòng ngừa bóc tách hay vỡ động mạch chủ.

Bệnh nhân tăng huyết áp có phình động mạch chủ cần kiểm soát huyết áp chặt chẽ (< 120/70 mmHg), điều trị tích cực xơ vữa động mạch và theo dõi kích thước động mạch chủ thường xuyên bằng siêu âm tim hay chụp CT động mạch chủ.

Bệnh động mạch ngoại biên

Ảnh hưởng của huyết áp lên toàn bộ hệ thống mạch máu trong cơ thể như động mạch cảnh, động mạch cột sống, động mạch thận, động mạch nội tạng, đặc biệt là những mạch máu ở xa như động mạch hai chân. Các mạch máu này cứng lên, bị xơ vữa, vôi hóa gây hẹp hoặc tắc nghẽn.

Nếu hẹp hoặc tắc mạch ở chân, bệnh nhân có triệu chứng đau cách hồi, có nghĩa là đau đùi hoặc bắp chân khi đi được một đoạn đường, bệnh nhân ngồi nghỉ thì hết hoặc bớt đau, khi đi lại đoạn đường dài tương tự thì triệu chứng đau lại xuất hiện. Nặng hơn là người bệnh đau nhức chân cả khi nghỉ hoặc loét chân không lành do mạch máu bị hẹp, không đưa máu tới chỗ xa được.

Biến chứng tăng huyết áp

 

 

Tìm hiểu từ nguồn: Verywell Health 

Như vậy, Medplus đã cung cấp cho bạn đọc đầy đủ thông tin hữu ích về các thông tin cần biết về biến chứng tăng huyết áp là gì nhé, hy vọng bài đọc sẽ cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin bổ ích, giúp bạn nâng cao tầm hiểu biết để hạnh phúc với gia đình hơn bạn đọc nhé.

Bên cạnh đó, Medplus cũng cung cấp một số thông tin liên quan :

Exit mobile version