Theo Đông y, Bọ cạp có vị mặn, hơi cay, tính bình, có độc; vào kinh can, bọ cạp có tác dụng tức phong, cắt cơn kinh giật; hoạt lạc (lưu thông gân, mạch) và giải độc. Cùng MedPlus tìm hiểu kỹ về công dụng và bài thuốc hay nhé !
Thông tin cơ bản
1. Thông tin khoa học:
- Tên Tiếng Việt: Bọ cạp, Toàn yết, Toàn trùng, Yết tử, Yết vĩ.
- Tên khoa học: Buthus sp.
- Họ: họ Bọ cạp (Buthidae).
2. Mô tả
- Phần đầu ngực và phần bụng trước dẹt, dài hình elip. Phần bụng sau có hình giống cái đuôi, teo lại và uốn cong. Cơ thể mẫu nguyên vẹn có chiều dài khoảng 6 cm. Phần đầu ngực có màu nâu hơi xanh lục, phần trước phát triển nhô ra 1 đôi chân kìm nhỏ, ngắn và 1 đôi chân xúc giác dạng càng cua lớn dài, rộng, phần lưng được che phủ bởi mai giống hình chiếc thang, phần bụng có 4 đôi chân đi mỗi chân có 7 đốt kèm 2 vuốt ở phần cuối. Phần bụng trước bao gồm 7 đốt.
- Đốt thứ 7 thẫm màu với 5 rãnh xương sống gồ lên ở trên đốt lưng. Mặt lưng có màu nâu hơi xanh lục. Phần bụng sau có màu vàng hơi nâu, có 6 đốt, với các nếp nhăn dọc trên các đốt. Đuôi mang một ngòi châm dạng vuốt sắc và không có cựa gai ở dưới ngòi châm. Mùi hơi hắc, có vị mặn.
3. Phân bố, thu hái và chế biến
Phân bố
- Nước ta có nhiều loài bọ cạp, vị thuốc phải nhập từ nước ngoài.
Thu hoạch
- Toàn yết được bắt vào cuối mùa xuân đến đầu mùa thu.
Bộ phận dùng
- Dùng cả con làm thuốc gọi là Toàn yết, nếu chỉ dùng đuôi gọi là Yết vĩ.
Chế biến
- Khi bắt được cho ngay vào chậu hay nồi nước trong hoặc nước có pha thêm muối ăn (mỗi kilogam bọ cạp cho thêm 300 đến 500g muối ăn). Đậy vung lại và đun từ 3 đến 4 giờ cho đến khi cạn nước; lấy bọ cạp ra phơi mát cho khô, không nên phơi nắng, vì nếu phơi nắng, muối có thể kết tinh. Khi dùng lại phải ngâm nước rửa cho sạch hết muối đi.
- Khi dùng loại bỏ tạp chất, rửa sạch và phơi khô.
Công dụng và tác dụng chính
A. Thành phần hoá học
- Trong bọ cạp có chất độc gọi là Katsutoxin (có tác giả gọi là buthotoxin), đây là một chất protid có cacbon, hydro, oxy, nitơ và sunfua. Độc tính của nó đối với thần kinh gần giống độc tính của nọc rắn hay nọc độc một số con vật khác. Pha loãng có tác dụng kích thích tim ếch và mèo nhưng nếu đặc quá thì lúc đầu có tác dụng kích thích sau tê liệt.
- Ngoài katsutoxin ra, trong bọ cạp còn có trimetylamin, betain, taurin, acid panmitic, acid stearic, cholesterol, lecxitin và các muối amoni khác.
B. Tác dụng dược lý
- Thuốc có tác dụng chống co giật, yếu hơn Ngô công.
- Thuốc có tác dụng hạ áp lâu dài. Nhiều học giả cho rằng chế phẩm Toàn yết ảnh hưởng đến chức năng vận mạch của trung khu thần kinh, làm giãn mạch, trực tiếp ức chế hoạt động của tim và làm giảm tác dụng tăng áp của adrenalin.
- Thuốc có tác dụng an thần giảm đau.
- Trong Bọ cạp có chất độc gọi là Katsutoxin là một chất protid có carbon, hydro, oxy, nitơ và sulkfur. Tác dụng gây độc chủ yếu của Katsutoxin là gây liệt hô hấp. LD50 trên súc vật thí nghiệm là 0,07 – 0,7mg/kg, tùy thuộc loại súc vật thí nghiệm. Ở thỏ thí nghiệm, thuốc gây co cứng chi và liệt hô hấp.
C. Công dụng, tính vị và liều dùng
Tính vị
- Theo Đông y, có vị mặn, hơi cay, tính bình, có độc
- Quy Kinh: Can
Công Dụng
- Công năng: tức phong, cắt cơn kinh giật; hoạt lạc (lưu thông gân, mạch) và giải độc.
- Công dụng: Làm thuốc trấn kinh, chữa trẻ em kinh phong, làm thuốc kích thích thần kinh, chữa bán thân bất toại…
Lưu Ý
- Kiêng kỵ: Phong do huyết hư thì không dùng. Cẩn thận dùng khi có thai.
Liều dùng
- Ngày uống 3-5g dùng phối hợp với các vị thuốc khác.
Bài thuốc sử dụng
1.Chữa chứng trúng phong bán thân bất tọai, kinh phong co giật ở trẻ em:
+ Toàn yết (bỏ đầu chân) 3g, Địa long (rửa sạch sao vàng) 3g, Cam thảo 2g, tất cả tán bột mịn trộn đều, chia 5 – 6 lần uống trong ngày với nước nóng.
+ Toàn yết 3g, Ngô công 4,5g, Câu đằng 12g, Cương tàm 6g, Chu sa 3g, Xạ hương 10mg tán bột trộn đều. Uống 3g/lần x 2 – 3 lần mỗi ngày.
+ Toàn yết 1 con (có thể dùng đến 3 con), Cương tàm 10g, Địa long 6g sắc uống. Trị kinh phong trẻ em.
+ Tiêm chính tán (Dương thịnh gia tàng phương): Toàn yết 3g, Bạch phụ tử 10g, Bạch cương tàm 10g, tán bột mịn, uống 3g mỗi lần, ngày uống 2 – 3 lần với rượu. Trị trúng phong liệt thần kinh mặt.
2.Chữa viêm khớp mạn tính: thuốc có tác dụng thông lạc chỉ thống.
+ Toàn yết 3g, Xạ hương 60mg, tán bột mịn trộn đều, mỗi lần uống 1,5g với rượu ấm. Có thể dùng độc vị Toàn yết mỗi lần 1 – 1,5g với rượu.
+ Toàn yết Nhũ hương tán: Chế Xuyên ô đầu 10g, Toàn yết 3g, Xuyên sơn giáp 6g, Nhũ hương 5g, Thương truật 10g, làm thuốc tán. Uống 6g/lần. Có thể dùng thuốc thang hoặc thuốc đắp ngoài.
3.Chữa ung nhọt, bệnh phong:
+Toàn yết tiêu phong tán: Toàn yết 3g, Bạch chỉ, Đảng sâm đều 10g, tán bột mịn, mỗi lần uống 6- 10g, ngày 2 – 3 lần. Trị bệnh phong.
+Toàn yết 3 phần, Chi tử 7 phần, cho vào dầu mè đun sôi cho sáp ong nấu thành cao đắp lên mụn nhọt độc sưng tấy hoặc lở loét.
4.Chữa viêm tuyến vú:
+ Toàn yết 2 con bọc vào ổ bánh bao cho ăn trước bữa ăn. Trị 308 ca mắc bệnh 1 – 7 ngày, khỏi 99,7% (Tạp chí Trung y 1986,1:40 – Hồ cẩn Bách).
+ Một báo cáo khác của Trịnh Nhuận Tuyền trị 10 ca viêm tuyến vú cấp, dùng bột Toàn yết 3g bọc cho uống kết quả tốt (Trung y dược Hắc long giang 1988,1:23).
5.Chữa bệnh lệ đạo:
+ Toàn yết nước khô tán bột, uống mỗi ngày 1 – 2 lần, 6 – 9g/lần. Trị 19 ca bệnh lệ đạo cấp mạn. Kết quả tốt (Báo Trung cấp y 1987,7:50).
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về một số tác dụng hay về loại dược liệu này!
Lưu ý
-
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
- Người bệnh không tự ý áp dụng
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng
Nguồn: tracuuduoclieu.vn tham khảo Sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam