Site icon Medplus.vn

Các hoạt động tập tự tin cho trẻ dưới 2 tuổi

Các hoạt động tập tự tin cho trẻ dưới 2 tuổi

Các hoạt động tập tự tin cho trẻ dưới 2 tuổi

Dạy về sự tự tin không đơn giản, nhưng với 8 hoạt động tập tự tin cho trẻ dưới 2 tuổi trong 2 năm đầu đời trong bài viết này, bố mẹ hoàn toàn có thể dạy trẻ tự tin từ sớm.

Bố mẹ có thể dễ dàng nhận ra khi nào trẻ cảm thấy tự hào về bản thân. Đó có thể là lúc trẻ xếp vừa vặn miếng gỗ hình vuông vào bảng lỗ hổng hình khối hoặc có thể tự mình cởi đôi tất khỏi bàn chân xinh xắn của mình, rồi cười khanh khách thật khoái chí. Những khoảnh khắc làm chủ được những điều mình muốn làm khiến trẻ cảm thấy vô cùng thích thú, không chỉ vậy, nó còn là cách giúp trẻ tự tin. Tập cho bé tự tin là điều mà bố mẹ nào cũng muốn, thế nhưng rất khó để dạy trẻ đúng cách.

“Cảm giác tự chủ trong thế giới của mình có thể tạo động lực cho trẻ để tiếp tục khám phá và thử nghiệm những điều mới”, theo tiến sĩ tâm lý Andrew Meltzoff. Nếu bố mẹ dạy trẻ những kỹ năng vượt quá khả năng của trẻ sẽ làm mất đi sự yêu thích, ham mê học hỏi những điều mới của trẻ. Ngược lại, nếu bố mẹ cứ cho trẻ luyện tập những bài tập không còn đủ thách thức thì rất có thể sẽ khiến trẻ cảm thấy chán chường, và điều đó cũng dẫn đến việc làm giảm sự ham thích học hỏi của trẻ. Chính vì vậy, để dạy trẻ tự tin thực sự hiệu quả thì bố mẹ cần đảm bảo được mức độ thử thách phù hợp với khả năng của trẻ theo từng lứa tuổi, để luôn kích thích được niềm hứng khởi của trẻ trước mỗi nhiệm vụ được giao.

Trẻ 6 tháng tuổi

1. Bé bi bô nói chuyện

Cách chơi cùng bé: Bố mẹ có thể tạo ra những âm thanh kỳ lạ, không có ý nghĩa gì và xem cách trẻ bắt chước nói lại. Nếu trẻ đáp lại bố mẹ bằng một âm thanh khác, hãy nhại lại âm thanh đó để giao tiếp cùng con.

Mục đích của trò chơi: Ở lứa tuổi này, trẻ sơ sinh nhận ra rằng mình có thể phát ra âm thanh bằng cách chuyển động môi và lưỡi phối hợp. Việc bố mẹ bi bô bắt chuyện với trẻ giúp trẻ thấy rằng ngôn ngữ rất thú vị, đồng thời kích thích được mong muốn cũng như khả năng nói và lắng nghe của trẻ.

Bố mẹ hãy thử giao tiếp với trẻ, cố gắng kết nối với những tiếng bi bô của con khi con có những nhu cầu đặc biệt. Phản ứng nhẹ nhàng và phù hợp để trẻ biết rằng bố mẹ đã hiểu ý con.

2. Ngồi và với lấy đồ vật

Cách chơi cùng bé: Đầu tiên bố mẹ đặt một tấm gối để đỡ lưng bé và ổn định tư thế ngồi. Tiếp đến, bố mẹ đặt món đồ chơi bắt mắt hoặc một món đồ mà trẻ thường ôm để thư giãn ở gần trẻ, sau đó quan sát cách trẻ nhoài người về đằng trước để với lấy món đồ này.

Mục đích của trò chơi: Hoạt động này giúp nhóm cơ ở phần trung tâm cơ thể của trẻ cũng như khả năng giữ thăng bằng phát triển, từ đó giúp trẻ tự tin để tự mình ngồi thẳng mà không cần quá nhiều sự hỗ trợ.

Sau khi trẻ đã có thể nhoài người về phía trước, bố mẹ có thể giúp trẻ ngồi dậy từ tư thế nằm hoặc bò trườn, luyện tập cho trẻ quen dần rồi tự thực hiện những động tác này mà không cần hỗ trợ.

Trẻ 12 tháng tuổi

1. Lật đổ tòa tháp

Cách chơi cùng bé: Đầu tiên, bố mẹ cần xây một tòa tháp bằng những khối vuông mềm (bằng vải hoặc bằng giấy), sau đó để trẻ xô đổ tòa tháp ấy. Nếu trẻ không làm, bố mẹ có thể làm mẫu cho trẻ xem rồi sau đó dựng lại tòa tháp, rồi chờ xem trẻ có làm theo hướng dẫn của bố mẹ hay không.

Mục đích của trò chơi: Bài tập này giúp rèn luyện sự phối hợp giữa tay và mắt của trẻ, đồng thời giúp trẻ cảm nhận được khả năng kiểm soát của mình khi chơi.

Bố mẹ có thể khuyến khích trẻ tự dựng lại tòa tháp theo ý muốn. Hầu như trẻ 1 tuổi nào cũng có thể tự xếp 2 đến 3 tháp từ khối vuông mà không cần sự hỗ trợ của bố mẹ.

2. Peekaboo – Ú òa

Cách chơi cùng bé: Khi bé chú ý nhìn bố mẹ, bố mẹ hãy trốn sau lưng ghế sofa hoặc dùng tấm chăn để che mặt, sau đó hãy bất ngờ xuất hiện và nói “Ú òa!”, rồi lặp lại. Bố mẹ có thể xuất hiện ở vị trí khác sau khi trốn để tăng sự ngạc nhiên cho trẻ.

Mục đích của trò chơi: Khi đạt khoảng 12 tháng tuổi, bé sơ sinh bắt đầu hiểu được rằng mọi thứ có thể di chuyển khỏi tầm mắt trẻ trong chốc lát chứ không hề biến mất mãi mãi. Chính vì thế, trò chơi Ú òa có thể góp phần xây dựng sự tự tin ở trẻ bởi trẻ hiểu rằng bố mẹ sẽ luôn ở gần bên chứ không rời xa trẻ.

Thay vì bất ngờ xuất hiện sau khi trốn thì bố mẹ có thể tiếp tục ẩn mình và gọi tên trẻ để trẻ di chuyển và đi về hướng bố mẹ. Trẻ sẽ rất thích thú khi tìm thấy bố mẹ, đồng thời việc này giúp trẻ kết nối tốt hơn với giọng nói và khuôn mặt của bố mẹ.

Trẻ 18 tháng tuổi

1. Nông trại vui vẻ

Cách chơi cùng bé: Bố mẹ giúp trẻ sắp xếp đồ chơi thành mô hình trang trại, garage xe cộ hoặc ngôi nhà búp bê, và bố mẹ nên chọn các hình tượng an toàn với bé (những con vật nhỏ đáng yêu thay vì động vật hung dữ chẳng hạn). Sau đó, bố mẹ hãy kể một câu chuyện dựa trên bối cảnh này và khuyến khích trẻ tham gia vào kể tiếp câu chuyện ấy.

Mục đích của trò chơi: Theo tiến sĩ Claire B. Kopp, trò chơi này giúp trẻ hiểu được cảm giác tự chủ và cách mọi người tương tác với nhau.

Giới thiệu nhân vật mới để phát triển câu chuyện mở rộng hơn, ví dụ như hôm nay có một chú chó bước vào trang trại. Sau đó bố mẹ có thể khơi gợi trí tưởng tượng cho trẻ bằng cách hỏi những câu hỏi như “Bạn chó sẽ ngủ ở đâu hả con? Bạn chó sẽ ăn gì tối nay nhỉ? Bạn chó có chơi vui vẻ với các bạn gà với vịt không?”.

2. Đoán đồ vật

Cách chơi cùng bé: Bố mẹ có thể sử dụng một cái hộp các tông rỗng nhỏ và sơn một màu bất kỳ bên ngoài hộp, bên trong chứa các đồ vật an toàn với bé (như quả bóng mềm, khối đồ chơi, sách truyện,…) có cùng màu với vỏ hộp đựng. Sau đó bố mẹ khuyến khích trẻ lấy từng món đồ ra khỏi hộp và gọi tên đồ vật. Ví dụ khi trẻ lấy ra quả bóng thì bố mẹ gọi tên “Quả bóng màu đỏ”.

Mục đích của trò chơi: Trẻ trong giai đoạn này rất thích đổ thùng đồ chơi ra và chất đầy thùng trở lại, và trò chơi này là phương thức giúp trẻ mở rộng vốn từ vựng cũng như học thêm về màu sắc.

Sau khi nhận diện được đồ vật, bố mẹ có thể dạy trẻ đếm số lượng từng món đồ mà trẻ cho vào hộp. Bố mẹ cũng có thể thay đổi màu sắc mới cho chiếc hộp và đồ vật để trẻ học thêm màu sắc mới, sau đó quan sát xem trẻ có thể phân loại đúng các món đồ vật theo màu sắc hay không.

Trẻ 24 tháng tuổi

1. Tìm ảnh theo miêu tả

Cách chơi cùng bé: Đầu tiên, bố mẹ bày một số tấm ảnh hoặc bưu thiếp có hình chụp lại những địa điểm mà cả gia đình đã từng đi tham quan theo từng cặp giống nhau và tả chi tiết cho con về những địa điểm trong hình. Sau đó, bố mẹ xáo trộn vị trí của các bức hình và yêu cầu trẻ xếp lại ảnh theo cặp như ban đầu. Bố mẹ có thể giúp bé bằng cách hỏi những câu hỏi như “Con có thấy tấm ảnh này có cái thuyền không? Con tìm xem có tấm nào cũng có cái thuyền giống thế này cho mẹ nhé?”.

Mục đích của trò chơi: Theo tiến sĩ tâm lý Sally Goldberg, khi được 2 tuổi thì bé đã có kỹ năng phân biệt các hình ảnh khác nhau. Trò chơi này có thể tập cho bé tự tin bởi mỗi lần trẻ ghép được một cặp ảnh giống nhau thì trẻ sẽ cảm thấy rất tự hào.

Sau khi trẻ đã thuần thục việc ghép cặp ảnh với nhau, bố mẹ có thể yêu cầu trẻ miêu tả về chi tiết của bức ảnh. Chơi trò chơi này sẽ giúp trẻ phát triển kỹ năng ngôn ngữ và trí nhớ dài hạn.

2. Phối hợp quần áo phụ kiện

Cách chơi cùng bé: Bố mẹ chuẩn bị một giỏ đầy những phụ kiện như mũ hề, giày dép, vòng cổ, ống nghe bác sĩ đồ chơi, máy ảnh và điện thoại đồ chơi,… Sau đó, bố mẹ khuyến khích trẻ tự do phát huy trí tưởng tượng của mình và nhập vai vào một nhân vật nào đó. Nếu trẻ chưa biết bắt đầu từ đâu, bố mẹ có thể gợi ý cho trẻ bằng cách lấy một món đồ bất kỳ và nói với trẻ rằng “Đây là một chiếc mũ của đầu bếp nè con” rồi đội lên đầu trẻ.

Mục đích của trò chơi: Trẻ 2 tuổi rất thích chơi nhập vai và bố mẹ chỉ cần cung cấp cho trẻ một chút “nguyên liệu” để trẻ lựa chọn sáng tạo nên câu chuyện của riêng mình.

Bố mẹ có thể tăng độ khó của trò chơi bằng cách tạo một chiếc hộp bí mật để đựng các đạo cụ, sau đó để trẻ nhập vai vào câu chuyện mới tùy theo mỗi món đạo cụ được trẻ lấy ra khỏi hộp bí mật. Mặc dù thời điểm này trẻ vẫn chưa sẵn sàng để kể câu chuyện của riêng mình, thế nhưng với sự gợi ý của bố mẹ về mạch chuyện thì trí tưởng tượng của trẻ cũng sẽ được kích thích phát triển.

Xem thêm bài viết:

Nguồn: verywellfamily

Exit mobile version