Trẻ bị tiêu chảy có sao không? Nguyên nhân trẻ bị tiêu chảy
Trẻ bị tiêu chảy có sao không?
Chăm sóc trẻ bị tiêu chảy đúng cách luôn là nỗi trăn trở của nhiều phụ huynh có con nhỏ. Tiêu chảy là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và bệnh tật cho trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Lý do là khi bị tiêu chảy, cơ thể trẻ bị mất một lượng nước lớn. Nhiều phụ huynh quan niệm sai lầm rằng nếu cho trẻ uống nhiều nước trong lúc này sẽ làm bệnh càng nặng hơn. Ngoài ra, hướng chăm sóc thiếu khoa học cũng làm bệnh thêm trầm trọng.
Nguyên nhân trẻ bị tiêu chảy
Để chăm sóc trẻ bị tiêu chảy đúng cách, bố mẹ cần xác định nguyên nhân gây bệnh. Dưới đây là 4 nguyên nhân phổ biến nhất:
Trẻ bị nhiễm virus Rota
Rotavirus là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy ở trẻ em. Lứa tuổi hay gặp nhất là trẻ dưới 3 tuổi, tập trung nhiều nhất là 7 – 24 tháng tuổi. Khi bị tiêu chảy, trẻ thường có biểu hiện như:
- Nôn
- Sốt
- Đi ngoài tóe nước nhiều lần trong ngày
- Phân lỏng màu vàng xanh có khi như hoa cà, hoa cải
Trẻ bị nhiễm khuẩn
Lây nhiễm khuẩn gây tiêu chảy thường liên quan đến vấn đề vệ sinh thực phẩm. Bệnh thường do các vi khuẩn E.coli, Shigella, Salmonella, Campylobacter, Vibrio cholerae (vi khuẩn tả)… gây ra. Tùy theo loại vi khuẩn trẻ bị lây nhiễm mà các triệu chứng sẽ khác nhau.
Do thuốc khác sinh
Khi trẻ bị cảm lạnh, ho, viêm họng,.. cần sử dụng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, kháng sinh không chỉ tiêu diệt các vi khuẩn có hại mà còn làm chết các vi khuẩn có lợi trong đường tiêu hóa, làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Hậu quả là loạn khuẩn ruột và dẫn đến tiêu chảy.
Trẻ bất dung nạp Lactose
Những trẻ thiếu hụt men Lactase để tiêu hóa đường Lactose trong sữa, các sản phẩm từ sữa sẽ không có khả năng hấp thu và tiêu hóa loại đường này. Đường Lactose ứ đọng trong ruột sẽ chuyển thành axit lactic và khiến trẻ bị tiêu chảy.
Ngộ độc thức ăn
Ngộ độc thức ăn là nguyên nhân khác gây tiêu chảy ở trẻ em. Khi bị ngộ độc thực phẩm, bé sẽ có các triệu chứng như tiêu chảy, nôn, buồn nôn, đau bụng, sốt, mệt mỏi… Biến chứng nghiêm trọng hơn đó là cơ thể mất nước, các chất điện giải có thể dẫn tới tử vong.
Cách chăm sóc trẻ bị tiêu chảy khoa học tại nhà
Chăm sóc trẻ bị tiêu chảy bằng cách bổ sung nhiều chất lỏng
Trẻ bị tiêu chảy cần nhiều dịch hơn bình thường để bù lại lượng dịch đã mất qua phân và nôn. Nếu trẻ được uống đủ lượng dịch ngay khi mới bị tiêu chảy có thể phòng được mất nước.
Các loại nước bố mẹ có thể cho trẻ uống như:
- Nước chín
- Nước cơm
- Nước cháo
- Súp
- Nước dừa
- Dung dịch Oresol
Tránh các loại nước giải khát, nước ép trái cây quá ngọt, các thức uống có cà phê vì chúng làm cho bệnh xấu hơn.
Nguyên tắc chung:
- Cho trẻ uống nhiều tùy theo khả năng của trẻ.
- Cần phải uống chậm, từng muỗng (từng ngụm nếu trẻ lớn hơn).
- Nếu trẻ bị ói thì ngưng lại khoảng 10 phút. Sau đó cho trẻ uống lại nhưng chậm hơn.
Chăm sóc trẻ bị tiêu chảy bằng các thực phẩm giàu dinh dưỡng
Nếu trẻ còn bú mẹ
Tiếp tục cho bú thường xuyên. Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi nuôi bằng sữa công thức thì cần pha loãng ½ (pha loãng bằng một lượng nước chín tương đương) trong 2 ngày. Sau 2 ngày, cho trẻ ăn như thường lệ.
Nếu trẻ không còn bú mẹ
- Cho trẻ ăn loại sữa mà trẻ đã ăn trước đó.
- Cho trẻ ăn ngay sau khi thực phẩm được chế biến. Thức ăn cần được nấu kỹ hoặc nghiền nhỏ
- Cho uống nước hoa quả tươi hoặc chuối nghiền để cung cấp Kali cho trẻ
Về thực phẩm
Nên cho trẻ ăn đủ 4 nhóm: tinh bột, đạm, vitamin và chất khoáng và dầu mỡ
Khuyến khích trẻ ăn thêm bữa: cho ăn ít nhất 6 lần 1 ngày, cho ăn ít và nhiều lần thì tốt hơn là cho ăn nhiều nhưng ít lần. Sau khi hết tiêu chảy cho trẻ ăn thêm ít nhất một bữa mỗi ngày trong 2 tuần.
Chăm sóc trẻ bị tiêu chảy bằng cách bổ sung men vi sinh
Men vi sinh sẽ bổ sung cho hệ tiêu hóa của bé các vi khuẩn có lợi, ức chế sự phát triển của các vi khuẩn có hại và các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, ký sinh trùng. Từ đó giúp lập lại cân bằng hệ vi sinh đường ruột, giảm dần tình trạng tiêu chảy, chướng bụng, đi ngoài phân sống, rối loạn tiêu hóa, giúp trẻ ăn ngon miệng và hấp thu các dưỡng chất tốt hơn, từ đó bé sẽ nhanh khỏi bệnh hơn.
Việc chăm sóc tại nhà đôi không đem lại kết quả như mong đợi. Hãy đưa trẻ đến khám cơ sở y tế nếu trẻ không khá lên sau 3 ngày hoặc trẻ có một trong các triệu chứng:
- Trẻ bỏ ăn, bỏ bú
- Tiểu ít hoặc không tiểu
- Trẻ li bì, tay chân lạnh
- Nôn liên tục
- Trẻ rất khát
- Co giật
- Có máu trong phân
Thực đơn phù hợp cho trẻ bị tiêu chảy
Thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc trẻ bị tiêu chảy. Hệ tiêu hóa của trẻ khi này rất yếu. Vì vậy, những thức ăn dễ dung nạp như cơm, cháo (những món giàu tinh bột) nên được ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, những thực phẩm có lợi cho bé trong giai đoạn này còn có:
Muối
Đồ ăn nhẹ như bánh quy có vị mặn rất tốt cho trẻ bị tiêu chảy. Hãy chuẩn bị một vài mẫu bánh nhỏ trong bữa ăn của trẻ. Đây là cách bù natri bị thất thoát.và giúp bé ăn ngon miệng hơn. Bạn cũng có thể rắc ít muối khi nấu cơm hoặc cháo.
Sữa chua
Sữa chua giúp cân bằng vi khuẩn trong đường ruột bằng cách bổ sung các lợi khuẩn. Từ đó kìm hãm tình trạng tiêu chảy. Trẻ nên ăn sữa chua mỗi ngày 1 lần, trước bữa ăn khoảng 30 phút.
Tránh cho trẻ ăn các thực phẩm cay và béo
Các thực phẩm cay và béo dễ làm ruột bị kích thích hơn. Điều này càng làm nặng thêm tình trạng tiêu chảy. Nên cho bé kiêng hẳn các thực phẩm này đến khi bé hoàn toàn khỏi bệnh.
Phòng ngừa trẻ bị tiêu chảy
Chăm sóc trẻ bị tiêu chảy là điều cần thiết đối với mỗi bậc phụ huynh. Tuy nhiên, tiêu chảy đôi khi có thể vượt tầm kiểm soát. Vì vậy, tích cực phòng bệnh cho trẻ nên được ưu tiên hàng đầu.
- Rửa tay thật kỹ bằng xà phòng trước khi đụng vào trẻ. Bố mẹ cũng nên chú ý vệ sinh khi pha sữa hoặc nấu ăn cho trẻ.
- Thường xuyên vệ sinh bình bú, dụng cụ ăn và đồ chơi của trẻ
- Cho trẻ bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời
- Tránh để trẻ uống nhiều nước trái cây. Nhiều bác sĩ chuyên khoa nhi nều đồng tình không để trẻ dưới 6 tháng tuổi uống nước trái cây.
Lời kết
Chăm sóc trẻ bị tiêu chảy có thể được thực hiện tại nhà mà không cần đến bệnh viện. Bố mẹ cần theo dõi biểu hiện bệnh của trẻ. Nếu sau 3 ngày vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm, hãy nhờ đến sự trợ giúp của bác sĩ. Chúc bé và gia đình khỏe mạnh. Đừng quên ghé thăm Medplus.vn thường xuyên để cập nhật những kiến thức về sức khỏe dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhé.
Nguồn: Tham khảo