Site icon Medplus.vn

Cách giữ ấm cho trẻ sơ sinh đúng cách

Cách giữ ấm cho trẻ sơ sinh đúng cách

Cách giữ ấm cho trẻ sơ sinh đúng cách

Phần lớn các bà mẹ mới sinh lần đầu đều bối rối và không biết cách giữ ấm cho trẻ sơ sinh như thế nào cho đúng, để bé được thoải mái mà vẫn có nhiệt độ cơ thể ổn định. Kể cả các ông bố cũng như vậy, họ đều tìm mọi cách để giữ ấm cho con như mặc quần áo dày nhiều lớp, quấn tã, ủ chăn… Thậm chí nhiều gia đình còn kiêng cữ đến mức giữ cho trẻ sơ sinh và người mẹ ở trong phòng kín, tránh gió và đặt lò sưởi cả tháng sau sinh, không cho đi ra ngoài. Tuy nhiên, đó là việc làm sai lầm, không tốt cho sức khỏe của cả mẹ và bé.Trên thực tế, ngoại trừ những trường hợp như bé sinh non, thiếu tháng, nhẹ cân hoặc mắc bệnh thì có sức khỏe và nhiệt yếu, còn những bé khỏe mạnh sinh đủ tháng đều có đủ lớp mỡ để giữ nhiệt cho cơ thể ở trong một môi trường vừa và có bố mẹ chăm sóc đúng cách.

1. Sai lầm khi ủ ấm quá mức cho trẻ

Mẹ đừng nghĩ rằng mặc nhiều quần áo sẽ giúp trẻ ấm hơn, bởi nếu mặc quá nhiều quần áo khiến bé có thể bị nóng, ra nhiều mồ hôi và mồ hôi làm bé bị tự nhiễm lạnh, dễ bị viêm phổi ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Ngoài ra, mặc quần áo quá chật, quá kín, ép lồng ngực và bụng làm cho bé không thở nổi, trẻ sẽ cảm thấy khó chịu và gây khó khăn trong vận động. Không những thế, đôi khi bé trở nên cáu gắt, khóc lóc chỉ vì bị mặc quá nóng.

Ngoài ra, để nhiệt độ phòng quá cao, đắp nhiều chăn, mặc nhiều quần áo, ủ quá ấm cho bé khi đi ngủ có thể gây đột tử nhũ nhi (SIDS), rất nguy hiểm cho chính con bạn.

Cách giữ ấm cho trẻ sơ sinh đúng cách

2. Những cách giữ ấm cho trẻ sơ sinh mẹ nên biết

2.1 Cho trẻ bú ngay sau sinh

Cho trẻ bú mẹ đầy đủ, cho con bú theo nhu cầu của trẻ cũng là cách hữu hiệu, giúp trẻ cảm thấy đủ ấm. Ngay sau khi sinh, nên cho trẻ nằm cùng mẹ và cho bú càng sớm càng tốt, vì sữa mẹ sẽ giúp trẻ bảo vệ thân nhiệt và chống nhiễm trùng, nâng cao sức đề kháng. Sau sinh, mẹ và bé cần luôn ở gần nhau để dễ cho bé bú bất cứ khi nào bé có nhu cầu và giữ ấm cho trẻ thường xuyên.

2.2 Phòng ngủ thoáng và đủ ấm

Phòng trẻ nằm phải đảm bảo đủ ấm, thoáng khí, đủ ánh sáng, không có gió lùa. Cần mặc quần áo vừa đủ ấm cho trẻ, đội mũ vải mềm che thóp, mang tất tay và chân cho trẻ sơ sinh. Thường xuyên sờ tay, chân trẻ để kiểm tra thân nhiệt, nếu thấy lạnh thì mặc thêm quần áo, đắp thêm chăn, ôm trẻ, cho bú mẹ. Việc ôm trẻ vào lòng mẹ cho tiếp xúc da kề da cũng là cách để giữ trẻ không bị lạnh, đặc biệt là trẻ sinh non, thiếu tháng, thân nhiệt hạ thấp hay khi bạn cần cho trẻ ra ngoài trong khi trời trở lạnh.

Lưu ý, mẹ không nên bao bọc trẻ quá kín bằng chăn dày hay lạm dụng lò sưởi có thể làm trẻ bị quá nóng. Tuyệt đối không sử dụng chậu than củi hoặc bếp than tổ ong trong phòng kín để sưởi cho mẹ và trẻ sơ sinh rất dễ xảy ra ngộ độc khí CO có thể gây tử vong.

2.3 Vệ sinh da sạch sẽ

Việc chăm sóc trẻ sơ sinh vào mùa đông lạnh phải luôn đảm bảo giữ cho trẻ đủ ấm để tránh mắc các bệnh đường hô hấp,  nhưng mẹ cũng cần phải thường xuyên vệ sinh da cho trẻ. Nếu da trẻ không được vệ sinh sạch sẽ, quá trình trao đổi chất của da bị hạn chế sẽ rất dễ bị hăm da, viêm da, nếu băng rốn quá kỹ sẽ tạo môi trường cho vi khuẩn gây nhiễm trùng rốn và chậm rụng rốn.

Trong những ngày trời lạnh, nhiệt độ xuống thấp mẹ cần lau rửa, tắm nhanh cho trẻ bằng nước ấm và ủ ấm ngay sau khi tắm để trẻ không bị nhiễm lạnh. Có thê dùng máy sưởi ấm khi nhà có điều kiện nhưng cần chú ý thực hiện theo đúng hướng dẫn sử dụng và để khoảng cách an toàn với chỗ tắm của trẻ.

Nếu thời tiết quá lạnh, mẹ không nhất thiết phải ngày nào cũng tắm cho con, chỉ cần tắm cho bé khoảng 2 – 3 lần/tuần là đủ. Nhưng hàng ngày cần chú ý vệ sinh da ở các vùng nếp gấp như: khuỷu tay, khuỷu chân,  cổ, nách hay vùng hậu môn, sinh dục bằng nước ấm. Trẻ sơ sinh thường hay đi tiêu, tiểu nhiều lần, nhất là vào ban đêm, vì vậy mỗi lần trẻ tiêu, tiểu phải thay ngay tã lót, rửa sạch vùng vệ sinh của bé bằng nước ấm, lau khô và quấn tã, ủ ấm cho trẻ.

Cách giữ ấm cho trẻ sơ sinh đúng cách

3. Giữ ấm tổng thể đúng cách

Giữ ấm đúng cách là giữ đủ ấm cho bé kể cả mùa hè hay đông, nhất là những vùng dễ bị nhiễm lạnh như lòng bàn chân, bàn tay, thóp và ngực.

Đầu bé sơ sinh là nơi tạo ra khoảng 40% thân nhiệt, nhưng đồng thời lại là nơi giải phóng đến 85% nhiệt độ cơ thể. Chính vì vậy, trẻ sơ sinh thường phải đội mũ và dùng băng quấn che thóp, điều này rất cần thiết mẹ không thể bỏ qua. Đối với bé khỏe mạnh và đã được vài tháng tuổi, việc đội mũ khi ngủ là không cần thiết, mà ngược lại sẽ khiến nhiệt độ của não bé tăng cao so với bình thường, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của vùng thần kinh kiểm soát hô hấp.

Mặc cho bé sơ sinh những lớp quần áo để có thể dễ dàng cởi bỏ ra mỗi khi bé nóng. Khi ngủ, cho bé mặc quần áo nhẹ, thoáng, tốt nhất là cho bé sơ sinh mặc đồ bằng chất liệu cotton, có khả năng thấm hút mồ hôi. Không quấn quá nhiều lớp tã hoặc đắp quá nhiều chăn cho bé về đêm.

Khi bé ốm, sốt lại càng không nên mặc quá nhiều quần áo, để kiểm tra xem bé có nóng quá hay không thì nên sờ vào bụng, không nên sờ vào chân tay, vì các bộ phận này của bé thường lạnh hơn so với thân mình. Các dấu hiệu khác cho thấy bé quá nóng là đổ mồ hôi, thở nhanh, trán nóng, bứt rứt khó chịu.

Những khi cần cho bé ra ngoài, nên để bé ngồi sau xe, mặc ấm, nhất là ở phần đầu, cổ, chân, che chắn để bé tránh bụi, gió và hít phải khí lạnh. Khi vào phòng ấm, cần cởi bớt trang phục ngoài cho bé, nếu không bé có thể bị nóng, ra nhiều mồ hôi rồi nhiễm lạnh.

Với những cách giữ ấm trẻ sơ sinh như thế nào cho đúng cách ở trên ắt hẳn đã giúp các mẹ mới sinh, đặc biệt là những chị em lần đầu làm mẹ hiểu hơn rồi phải không? Đừng chủ quan đối với trẻ, vì cơ thể trẻ rất khác với người lớn. Khi mẹ cảm thấy ấm thì có thể trẻ sẽ cảm thấy lạnh hoặc nóng, vì vậy đừng dùng nhiệt độ cơ thê của mình để so sánh với con, mà hãy kiểm tra chính thân nhiệt của bé để đảm sức khỏe bé. Chúc các bé luôn khỏe mạnh!

Xem thêm bài viết:

Nguồn: verywellfamily

Exit mobile version