Site icon Medplus.vn

Cách nấu chè con ong vừa thơm dẻo lại dễ làm

1. Nguồn gốc xuất hiện của chè con ong

Trong số những di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê có di sản phi vật thể là chè con ong của người dân tộc Kinh huyện Chợ Mới. Chè con ong là món ăn quen thuộc của người Việt nhưng tại Chợ Mới lại mang những nét đặc trưng riêng.

Nguồn gốc chè con ong

 

Không gian thực hành và sử dụng món chè mang tính cộng đồng cao. Cùng với quá trình giao thoa văn hóa nhiều thế hệ, không chỉ dân tộc Kinh mà một số dân tộc khác trên địa bàn huyện Chợ Mới cũng góp phần trong việc duy trì di sản này.

Chè con ong có hương vị rất đặc trưng: Vị dẻo của gạo nếp, ngọt của đường thơm, mát dịu của bột sắn dây, nồng ấm của gừng. Trong ngày Tết Đoan ngọ, những hạt xôi dẻo mềm của món chè con ong tượng trưng cho nhộng ong, người ta ăn hết đi thì loài sâu bọ không còn sinh sôi, nảy nở để phá hoại mùa màng được nữa. Ngoài ý nghĩa đó, sự hòa quện của các hương vị trong chè còn tượng trưng cho sự xum họp đông đúc, đùm bọc lẫn nhau của con cháu trong ngày tất niên, trong phút giao thừa.

2. Chế biến món chè con ong

Tuy tên gọi là chè nhưng bản chất lại là xôi ngọt, xôi được nấu với đường, mềm dẻo. Chè con ong có cách làm khá đơn giản, nguyên liệu lại dễ tìm và có thể bảo quản được lâu. Vị chè còn dẻo thơm, ấm nồng vị gừng, nhâm nhi cùng tách trà nóng là thú vui của nhiều người Việt. Cùng xem món ăn này được làm thế nào nhé!

2.1 Nguyên liệu

2.1 Nguyên liệu nấu chè con ong

– 1kg gạo nếp ngon, dẻo

– 100g đường vàng

– 100g gừng thẻ

– 1 củ gừng

– Mè trắng

– Dầu mè, muối

Nguyên liệu

2.2 Cách nấu

Bước 1: Nấu xôi

Bạn vo sạch gạo nếp rồi ngâm gạo cùng với nước. Ngâm ít nhất 6 tiếng hoặc tốt nhất qua đêm cho món chè ngon hơn. Tiếp theo, rửa lại với nước sạch rồi để ráo gạo, rồi cho thêm 1 muỗng muối vào, trộn đều lên. Sau đó, bạn cho gạo vào nồi nấu xôi. Nấu đến khi xôi chín thì bạn xới đều và rưới 2 muỗng dầu mè lên xôi, nấu thêm 5 phút thì tắt bếp. Làm như thế xôi sẽ bóng đẹp hơn, khi nguội xôi không khô mà mềm dẻo.

Hoặc với món ăn này, bạn có thể sử dụng xôi cũ. Nếu xôi còn mềm bạn tiến hành bước tiếp theo. Hoặc nếu xôi bỏ vào tủ lạnh, bị cứng, bạn nên hấp xôi lại cho mềm và thực hiện công đoạn tiếp theo.

Bước 2: Nấu nước đường

Gừng bạn đem bóc vỏ, giã thật nhuyễn, mịn, không nên băm vì giã sẽ giúp gừng tiết ra nhiều mùi hương hơn. Tiếp theo, bạn cho đường thẻ, đường vàng cùng 400ml nước vào nồi, rồi đun sôi cho đường tan chảy. Hạ nhỏ lửa rồi nấu tiếp 10 phút cho đường sánh, có màu nâu vàng đẹp mắt. Hoặc bạn có thể làm chè con ong bằng mật mía thay vì đường thẻ, đường vàng. Nấu đến khi nước đường sánh, đặc, bạn cho ½ số gừng giã nhuyễn vào nấu cùng.

Trong thời gian đợi nước đường sôi, bạn đem mè trắng rang vàng cho dậy mùi thơ, rồi cho ra chén.

Bước 3: Cho xôi vào

Khi nước đường sôi lại, bạn cho phần xôi vừa nấu vào rồi đảo đều cho xôi hòa quyện với nước đường dẻo, bóng, còn ươn ướt. Lúc này, bạn cho tiếp phần gừng còn lại vào đảo đều rồi tắt bếp.

Bước 4: Hoàn thành

Bạn cho mè trắng xuống đáy đĩa sâu lòng hoặc khuôn ép xôi để chè có hình dáng đẹp mắt. Sau đó, bạn cho chè lên để tạo thành khối. Rồi bạn úp ngược khuôn xôi lại, để chè tách ra. Trên mặt chè lúc này sẽ có mè trắng thơm vàng. Hoặc nếu không rắc mè rang xuống đáy trước, khi hoàn thành bạn có thể rắc mè rang lên trên mặt chè đều được.

Vậy là chè con ong đã hoàn thành với hạt nếp vàng óng, dẻo dai, không cứng, không bị nát, còn thoang thoảng hương thơm của gừng hấp dẫn.

Cách nấu chè con ong

3. Lưu ý khi làm chè con ong

– Bạn nên cho muối vào nếp trước khi nấu xôi.

– Khi xôi bị khô trong quá trình nấu, bạn có thể rưới thêm ít nước lên cho tơi rồi nấu tiếp.

– Khi cho xôi vào nước đường, bạn không nên đun quá lâu mà đảo đều sao cho chè còn ươn ướt vừa độ. Nếu không khi cho chè ra khuôn sẽ bị khô hoặc quá nhão, sẽ mất ngon.

– Bạn có thể điều chỉnh tăng, giảm lượng đường để món chè có vị vừa ăn.

– Nếu thích, bạn có thể rang đậu phộng cho vàng, giòn rồi giã nhuyễn và rắc lên mặt chè.

– Khi hoàn thành, thành phẩm phải có màu đẹp mắt, hạt nếp không quá khô, không bị nát, vị ngọt vừa vặn, có hương thơm của gừng.

Chè con ong

4. Kết luận

Vậy là hoàn thành món chè con ong rồi đấy! Thật đơn giản đúng không nào? Bạn có thể tự tay thực hiện để dâng lên cúng bái tổ tiên, tỏ lòng thành kính hoặc để làm món tráng miệng cho cả nhà đều được. Chúc bạn thành công.

Xem thêm:

Nguồn:  Chomoibackan

Exit mobile version