Site icon Medplus.vn

Cách nấu vịt xào dứa và vịt xào măng cho chàng vào bếp

Trong thịt vịt chứa nhiều hàm lượng chất dinh dưỡng như protein, canxi, lipit, photpho, kẽm, magie cùng các vitamin A, B, K, E… Bên cạnh đó, thịt vịt còn chứa một lượng nhỏ omega 3 và omega 6 giúp cho hệ tim mạch thêm khỏe mạnh. Theo Đông y, thịt vịt còn có tác dụng tư âm, dưỡng vị, giải độc… Cộng với vị mềm ngọt đặc trưng, thịt vịt thường được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như cháo vịt, vịt kho gừng, vịt nấu chao, vịt nướng…

1. Công dụng của thịt vịt

Theo Đông y thì thịt vịt tính hàn, có tác dụng tư âm, dưỡng vị. Sách Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân ghi: Thịt vịt chữa các chứng bệnh tiểu tiện bất lợi, nhiệt bệnh, hư lao, bổ ngũ tạng và thủy đạo. Nên chọn các loại vịt đực đầu xanh hoặc vịt lông trắng, xương đen, mỏ đen càng tốt. Do thịt vịt có tính hàn, tác dụng bổ âm nên những người dương hư tỳ nhược, ngoại cảm chưa khỏi hẳn tạm thời chưa nên ăn. thịt vịt có vị ngọt, hơi mặn, tính hàn, tác dụng tư âm, dưỡng vị, giải độc.

Theo các tài liệu y thư cổ, thịt vịt được coi là loại thuốc bổ thượng hạng, có tác dụng điều hoà ngũ tạng, lợi thuỷ, trừ nhiệt, bổ hư. Sách Nhật dụng bản thảo còn cho rằng thịt vịt giúp nuôi dưỡng dạ dày, sinh tân dịch, trấn định tâm thần. Vịt có nhiều loại được chọn dùng tuỳ theo mục đích: vịt trống đầu xanh mạnh về lợi tiểu tiện, vịt trắng xương đen trị hư lao nhiệt độc. Để làm thuốc nói chung thì nên dùng thịt vịt mái già và thịt vị thiên về bổ dương nên nam giới ăn sẽ bổ hơn phụ nữ.

Ăn thịt vịt có tác dụng tốt trong việc hỗ trợ chữa bệnh tim mạch, hỗ trợ điều trị lao phổi và ung thư (đang xạ trị, hóa trị). Có ích cho người thể chất suy nhược, chán ăn, sốt, phù nề, người thể chất yếu sau khi bệnh, đổ mồ hôi ban đêm, lòng bàn tay bàn chân nóng, phụ nữ kinh nguyệt ít, khí hư bạch đới, sản phụ thiếu sữa.

Thịt vịt thường dai hơn thịt gà, heo, vì thế muốn thịt vịt mềm, hãy thái xéo thớ thịt, thịt sẽ vừa mềm, vừa đẹp mắt. Thịt vịt có mùi hôi khó chịu, nên phải khử mùi trước khi chế biến. Gừng và rượu là hai loại gia vị hữu hiệu để khử mùi vịt. Bóp vịt thật kỹ với gừng giã nhuyễn hoặc xát với rượu rồi rửa sạch là vịt hết mùi hôi. Nếu không có gừng hoặc rượu, có thể thay thế bằng muối và giấm.

2. Cách nấu thịt vịt xào dứa

2.1 Nguyên liệu

700g thịt vịt hoặc 1 con vịt nhỏ vừa ăn

1 quả dứa

Hành tím, tỏi, hành lá

Rượu trắng

Bột năng, gừng

Dầu ăn, hạt nêm, đường, bột ngọt, tiêu

2.2 Cách nấu

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Thịt vịt bạn đem làm sạch rồi rửa với rượu trắng và gừng băm nhỏ để loại bỏ mùi hôi. Sau đó, bạn chặt vịt thành từng miếng vừa ăn và đem ướp với hành tỏi băm, hạt nêm, bột ngọt, tiêu rồi trộn đều lên. Ướp trong 30 phút cho vịt ngấm gia vị.

Dứa bạn đem gọt sạch vỏ, bỏ mắt, rửa sạch, bổ đôi rồi cắt thành từng miếng dày.

Hành khô và tỏi bóc bỏ, băm nhỏ.

Bột năng bạn đem hòa tan với nước.

Hành rửa sạch, cắt khúc.

Bước 2: Xào vịt

Bạn cho dầu ăn cùng hành tỏi băm vào chảo, phi thơm, rồi cho thịt vịt đã ướp vào xào đều. Khi vịt bắt đầu chín mềm thì bạn cho vịt ra đĩa riêng.

Bước 3: Xào vịt với dứa

Bạn cho chảo lên bếp, cho dầu và hành tỏi băm vào phi thơm rồi cho dứa vào xào cho đến khi dứa tiết ra nước thì bạn cho vịt vào xào cùng rồi nêm nếm với bột ngọt, hạt nêm, đường, nước mắm cho vừa ăn.

Xào đến khi thịt vịt ngấm gia vị thì bạn cho bột năng hòa với nước vào chảo xào khoảng 2 phút cho món ăn sền sệt thì tắt bếp. Cuối cùng, bạn rắc hành lá băm vào rồi cho món ăn ra đĩa.

3. Cách nấu thịt vịt xào măng

3.1 Nguyên liệu

½ con vịt

400g măng tươi

Tỏi, hành lá, ngò rí, gừng, ớt

Rượu trắng, nước mắm, bột ngọt, hạt nêm, đường

3.2 Cách nấu

Bước 1: Sơ chế vịt

Vịt bạn đem rửa sạch rồi giã nửa củ gừng trộn với rượu trắng, chà xát lên vịt để khử mùi. Tiếp theo, rửa lại với nước lạnh lần nữa rồi để ráo. Sau đó, bạn chặt vịt thành từng miếng vừa ăn.

Rồi cho vịt vào thau ướp cùng với 3 muỗng nước mắm, 1 muỗng hạt nêm, 2 muỗng đường, ½ muỗng bột ngọt, tiêu. Trộn đều và ướp khoảng 20 phút cho vịt ngấm đều.

Bước 2: Sơ chế măng

Măng tươi bạn đem bóc vỏ, ùng dao thái lát mỏng. Rồi cho măng vào nồi nước sôi luộc đến khi măng chín, sau đó đem ra rửa lại với nước lạnh. Bạn có thể luộc măng 2 lần để măng không còn mùi hăng và đắng.

Bước 3: Xào vịt với măng

Bạn cho chảo lên bếp, hco dầu ăn vào nấu sôi, rồi cho tiếp tỏi băm vào phi thơm. Tiếp đến, bạn cho phần măng vào xào sơ cùng ít gia vị sao cho vừa ăn, rồi bạn trút ra tô để riêng. Tiếp tục, bạn dùng cái chảo đó, cho thêm dầu ăn và tỏi băm vào phi thơm.

Cho phần thịt vịt đã ngấm vào xào cho vịt săn lại, thì bạn nêm nếm lại lần nữa cho vừa ăn. Khi vịt gần chín, bạn cho măng vào xào cùng. Lưu ý, bạn cần vặn lửa lớn khi xào để vịt không ra nước.

Vậy là hoàn thành cách làm vịt xào măng rồi đấy! Bạn cho món ăn ra đĩa, rắc hành ngò cắt khúc nhỏ lên là thưởng thức được rồi.

4. Kết luận

Cách làm vịt xào dứa và vịt xào măng thật đơn giản đúng không nào? Chỉ với vài thao tác trong khoảng thời gian ngắn là bạn có được món ăn đặc sắc và lạ miệng giúp cả nhà thay đổi khẩu vị. Chúc bạn thành công.

Xem thêm:

Nguồn Cet.edu

Exit mobile version