Bố mẹ hãy cùng tìm hiểu về cách phản hồi tích cực trước yêu cầu của trẻ trong bài viết này nhé. Đó cũng là cách để giúp trẻ học giao tiếp và kiểm soát cảm xúc tốt hơn.
Trẻ thường xuyên có những yêu cầu muốn được bố mẹ đáp ứng. Có những lúc, mong muốn của trẻ khá đơn giản và dễ chấp nhận (“Con ăn thêm một cái bánh quy được không ạ?”). Nhưng cũng có những khi bố mẹ khó đồng ý với yêu cầu của trẻ (“Mẹ cho con tự rán trứng đi!”), vì lý do an toàn hoặc các lý do khác. Khi yêu cầu của mình bị từ chối, trẻ dễ thất vọng hoặc cáu giận. Điều này cũng là bình thường, bởi khả năng tự điều chỉnh cảm xúc của trẻ vẫn chưa tốt. Tuy nhiên, nếu bố mẹ có cách phản hồi tích cực thì bố mẹ cũng sẽ dạy được trẻ về cách giao tiếp, tôn trọng và thỏa hiệp với người khác.
Để có cách phản hồi tích cực trước yêu cầu của trẻ, bố mẹ nên làm theo các bước sau:
1. Dựa vào thái độ của trẻ để có phản ứng đầu tiên
Khi trẻ hỏi ý kiến bố mẹ với thái độ nhẹ nhàng lịch sự, trước tiên, bố mẹ hãy khen ngợi thái độ này của con. Khi được khen ngợi về bất cứ điểm tốt nào, trẻ sẽ muốn phát huy nó. Điều này cũng cho trẻ thấy rằng, bố mẹ luôn chú ý đến cách cư xử của trẻ, dù sau đó bố mẹ có đồng ý với yêu cầu hay không. Nếu trẻ nhũng nhiễu, mè nheo, than vãn, đòi hỏi hoặc đe dọa, bố mẹ hãy nhẹ nhàng nhắc con điều chỉnh thái độ. Ví dụ, khi trẻ to tiếng đòi hỏi, bố mẹ có thể nói: “Linh ơi, con có thể nói bằng giọng lễ phép hơn được không?”.
2. Lắng nghe yêu cầu của con
Bố mẹ luôn nên dành thời gian để lắng nghe và thực sự hiểu trẻ đang muốn gì. Khi trẻ thấy rằng mình được lắng nghe và được thấu hiểu, thì trẻ cũng sẽ dễ chấp nhận quyết định của bố mẹ hơn. Qua đó, trẻ cũng thấy được sự đồng cảm của bố mẹ, dù bố mẹ có thể sẽ không đáp ứng yêu cầu của trẻ. Ví dụ, bố mẹ có thể nói: “Bố/mẹ hiểu tại sao con thích món đồ đó. Trông nó cũng nhiều màu sắc đấy!”.
3. Bình tĩnh suy nghĩ rồi mới quyết định
Bố mẹ nên dành chút thời gian để suy nghĩ về yêu cầu của trẻ trước khi thực sự quyết định. Như vậy, trẻ cũng hiểu rằng bố mẹ có nghĩ đến mong muốn của mình và cố gắng đưa ra lựa chọn tốt nhất, chứ không hề kết luận vội vàng. Bố mẹ nên tự hỏi bản thân, rằng có nhất thiết phải từ chối con không, nếu đồng ý thì sao, có thể thỏa thuận để đáp ứng một phần yêu cầu được không.
Hi vọng rằng qua bài viết này, bố mẹ đã biết được 3 bước để có phản hồi tích cực trước những yêu cầu của trẻ. Từ đó tìm ra được cách nói lời từ chối hợp lý đối với những đòi hỏi của trẻ mà không làm trẻ bị tổn thương.
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily