Site icon Medplus.vn

Bạn biết gì về căng cơ đùi?

Căng cơ đùi là gì?

Căng cơ đùi gây nên những cơn đau đớn, làm cản trở hoạt động thường ngày của người bị chấn thương. Tình trạng này có thể biểu hiện từ nhẹ cho đến nghiêm trọng. Một khi đã bị căng cơ, rất dễ tái phát lại. Điều quan trọng là cơ cần được chữa lành đúng cách và tuân thủ các hướng dẫn phòng ngừa từ bác sĩ.

Hãy cùng MedPlus tìm hiểu về căng cơ đùi để biết cách chăm sóc và phòng ngừa chấn thương này đúng cách nhé!

1. Căng cơ đùi là gì?

Căng cơ đùi (hay kéo giãn hoặc rách cơ) là một chấn thương phổ biến, đặc biệt ở những người thường xuyên chơi thể thao.

Cơ đùi gồm 3 nhóm cơ khỏe: cơ đùi sau (cơ gân kheo), cơ tứ đầu ở phía trước và cơ phụ ở bên trong. Trong đó các nhóm cơ gân đùi sau và cơ tứ đầu đặc biệt có nguy cơ bị căng và rách cao vì chúng bắt chéo cả khớp háng và khớp gối. Chúng cũng được sử dụng chủ yếu cho các hoạt động tốc độ cao, chẳng hạn như điền kinh (chạy, vượt rào, nhảy xa), bóng rổ và bóng đá.

Rách cơ đùi thường xảy ra khi cơ bị kéo căng quá giới hạn, làm tổn thương các sợi cơ. Tổn thương này thường xảy ra ở gần điểm mà cơ liên kết với các mô liên kết cứng, gân.

2. Triệu chứng nhận biết căng cơ đùi

Căng cơ đùi hay nặng hơn là rách cơ đùi thường biểu hiện các dấu hiệu điển hình như:

  • Cảm thấy đùi phát ra tiếng kêu “lộp bộp” hoặc đứt “phựt” khi cơ đùi bị rách.
  • Chạm vào thấy mềm ở khu vực xung quanh vùng chấn thương.
  • Cơn đau đột ngột và dữ dội.
  • Sưng ngay sau khi căng cơ đùi quá mức.
  • Vết bầm tím thường kéo dài từ phía sau đùi cho đến bắp chân và mắt cá chân.
  • Yếu cơ, giảm chuyển động.
  • Nếu rách gân cơ đùi sau bệnh nhân đặc biệt đau khi ngồi.

3. Khi nào bạn cần đi khám bác sĩ để chẩn đoán và điều trị

Căng cơ ở đùi có thể xảy ra đột ngột lần đầu, nhưng cũng có thể là chấn thương mãn tính lặp đi lặp lại. Bên cạnh yếu tố nguy cơ cao ở người thường xuyên chơi thể thao, làm việc đòi hỏi sức mạnh thì việc những người có tiền sử căng cơ đùi nhưng không được điều trị thích hợp cũng dễ bị chấn thương trở lại. Do đó, khi có dấu hiệu nghi ngờ căng cơ đùi, bạn cần đến bác sĩ để kiểm tra và kịp thời can thiệp.

Đặc biệt khi căng cơ làm bạn không thể di chuyển hay vết thương rỉ máu, cần đến bệnh viện cấp cứu ngay.

Các kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán căng cơ đùi?

  • Thăm khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ tiến hành thăm hỏi về tiền sử chấn thương của bạn, kiểm tra cơ đùi xem bạn có bị sưng hay bầm tím không. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn uốn cong hoặc duỗi thẳng đầu gối để xác nhận chẩn đoán.
  • Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh: Như X-quang hay MRI đôi lúc sẽ cần thiết để loại trừ các trường hợp gãy xương hay chấn thương gân khớp khác.

Căng cơ đùi cần được phân loại tùy theo mức độ nghiêm trọng. Nếu ở mức độ 1 chỉ dừng lại ở tình trạng căng cơ nhẹ và chữa lành dễ dàng thì mức độ 3 là vết rách cơ đùi nặng và có thể mất vài tháng mới phục hồi.

Cách sơ cứu tình trạng căng cơ quá mức

Điều trị ban đầu của tình trạng căng cơ đùi cũng giống như các chấn thương gân cơ khác là tuân theo nguyên tắc RICE.

  • R (Rest) – Nghỉ ngơi: Đầu tiên là cần ngừng các hoạt động có thể làm đau chân và nghỉ ngơi. Bác sĩ cũng sẽ khuyến khích bạn sử dụng nạng hỗ trợ đi lại để tránh đè nén trọng lượng lên chân.
  • I (Ice) – Chườm lạnh: Mỗi lần chườm lạnh trong 20 phút, chườm nhiều lần trong ngày. Lưu ý không chườm đá trực tiếp lên da. Sau 3 ngày đầu, bạn có thể chườm nóng.
  • C (Compression) – Nén, ép: Để hạn chế tình trạng sưng đau cơ đùi, bạn có thể bó phần đùi bị chấn thương với băng mềm hoặc gạc đàn hồi.
  • E (Elevation) – Nâng cao: Nếu có thể hãy giữ cho chân nâng cao hơn tim để làm giảm thiểu tình trạng sưng phù.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể kê đơn cho bệnh nhân một số thuốc giảm đau kháng viêm NSAIDs như ibuprofen để làm dịu cơn đau. Khi đã bớt sưng và đau, vật lý trị liệu thường được khuyến khích. Liệu pháp này sẽ bao gồm các bài tập tăng cường và ổn định, cũng như giúp cơ đùi hoạt động bình thường trở lại.

Nếu như tất cả các biện pháp điều trị bảo tồn không hiệu quả can thiệp phẫu thuật có thể được xem xét nếu bị rách cơ đùi hoàn toàn.

4. Cách để phòng ngừa căng cơ đùi quá mức

Rách cơ đùi dễ xảy ra khi tồn tại các yếu tố nguy cơ như: mất cân bằng giữa cơ tứ đầu đùi và cơ gân đùi sau, mỏi cơ và căng cứng cơ bắp… Một số lời khuyên sau đây có thể giúp bạn hạn chế những nguy cơ dẫn đến chấn thương này:

  • Điều hòa cơ bắp bằng việc luyện tập thường xuyên.
  • Khởi động trước bất kỳ buổi luyện tập thể dục thể thao nào. Khởi động kỹ sẽ chuẩn bị cho cơ thể bạn hoạt động với cường độ cao hơn. Nó giúp máu của bạn lưu thông, tăng nhiệt độ cơ của bạn và tăng nhịp thở của bạn. Khởi động giúp cơ thể bạn có thời gian để điều chỉnh theo nhu cầu tập luyện và có thể giúp tăng phạm vi chuyển động và giảm độ cứng.
  • Dành thời gian giãn cơ sau khi tập thể dục. Kéo dãn từ từ, giữa mỗi lần giãn cơ có thời gian nghỉ để cơ có thời gian đáp ứng và kéo dãn ra.
  • Nếu bạn bị chấn thương trước đó, lời khuyên là hãy dành thời gian để cơ hồi phục hoàn toàn trước khi trở lại chơi thể thao. Với các chấn thương nhẹ có thể mất 10 ngày đến 3 tuần hoặc với các chấn thương nặng chẳng hạn như căng gân cơ đùi sau, cơ cần được nghỉ ngơi tối thiểu là 6 tháng.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.

Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn: Muscle strains (IT band, groin, hip flexor) – Mayo Clinic Orthopedics & Sports Medicine

Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất:

Exit mobile version