Theo tài liệu cổ: Cây gai dầu có vị ngọt và tính bình. Có tác dụng nhuận táo, hoạt trường, thông tiện. Cùng MedPlus tìm hiểu kỹ về công dụng và bài thuốc hay nhé !
Thông tin cơ bản
1. Thông tin khoa học:
- Tên Tiếng Việt: Cây gai dầu, Gai mèo, Bồ đà, Cần sa, Đại ma
- Tên khoa học: Cannabis sativa L.
- Họ: họ Gai mèo (Cannabinaceae).
2. Mô tả cây
- Cây thảo sống hàng năm cao 1-3m; thân vuông có rãnh dọc, phủ lông mềm, sù sì. Lá thường mọc so le, có cuống, có lá kèm, có phiến chia đều tận gốc thành 5-7 lá chét, hẹp, hình ngọn giáo, nhọn, có răng cưa. Hoa đơn tính khác gốc, các hoa đực xếp thành chùm xim kép ở nách và ở ngọn; các hoa cái xếp thành xim hay xim co ở nách những lá bắc dạng lá. Quả bé dạng trứng, dẹp, có mũi nhọn ở đầu, không mở nhưng do áp suất mà tách ra hai nửa và bao bởi hoa tồn tại. Hạt không có nội nhũ, chứa nhiều dầu.
- Hoa tháng 5-6, quả tháng 7.
3. Phân bố, thu hái và chế biến
Phân bố
- Cây của Á châu đới ôn được trồng ở nhiều vùng Âu, Phi, Mỹ châu. Ở nước ta cây được trồng nhiều ở vùng rẻo cao miền Bắc. Ðồng bào Mèo thường dùng lấy sợi nên mới có tên là Gai mèo, và có nơi trồng lấy hạt cho dầu.
Thu hoạch
- Thu hái quả vào tháng 8-9, dùng ép dầu và làm thuốc.
Bộ phận dùng
- Hạt
Chế biến
- Ðể làm thuốc, người ta đem hạt sao già để giảm độc ở vỏ, rồi giã giập sắc uống.
Công dụng và tác dụng chính
A. Thành phần hoá học
Phân tích dược liệu nhận thấy một số thành phần, bao gồm:
- Trong quả chứa khoảng 30% dầu khô gồm các glycerid của linolenic và acid linoleic.
- Trong nhân hạt chứa edestinase và trigonellin L (d)-isoleucine betaine.
B. Tác dụng dược lý
Theo y học cổ truyền:
- Công dụng: Hoạt trường, nhuận táo, thông tiện, giảm đau.
- Chủ trị: Dược liệu thường được dùng để chữa táo bón, huyết hư ở người già và phụ nữ sau sinh.
Theo y học hiện đại:
- Nhựa gai dầu thường được dùng ở dạng cồn cao hay thuốc uống giúp giảm đau, dịu đau.
- Dùng ngoài da có tác dụng sát trùng, chữa bỏng.
C. Công dụng, tính vị và liều dùng
Tính vị
- vị ngọt và tính bình.
Qui Kinh
- Chưa có tài liệu nghiên cứu
Công năng
- Nhuận táo, hoạt trường, thông tiện.
Công Dụng
- Hạt: Nhuận tràng, lợi niệu, tiêu phù thũng, dùng trong trường hợp tiểu tiện bí, đái buốt, đái rắt, cầm nôn mửa.
- Cũng cần lưu ý là quả cây này dù được sử dụng làm thuốc ăn cho các loài chim nhỏ; dầu khô của nó dùng để sơn; khô dầu của nó giàu về protein, dùng làm thức ăn cho gia súc.
- Ở nước ta, đồng bào miền núi thường dùng Gai dầu để lấy sợi dệt vải và cũng để lấy hạt chế dầu.
Lưu Ý
- Không nên dùng dài hạn cho cả nam lẫn nữ, có thể gây di tinh ở nam
Liều dùng
- 12-20g hạt nghiền nhỏ, lọc vắt lấy nước, để nấu thành cháo, thêm hành, hạt tiêu và muối, ăn khi đói.
Bài thuốc sử dụng
1. Chữa chứng táo bón:
Nhân hạt Gai dầu và hạt Tía tô lượng bằng nhau, giã nhỏ, cho vào nước ngâm hoặc đun sôi, bỏ bã, lấy nước nấu cháo ăn.
2. Chữa đi lỵ ra máu không dứt:
Nhân hạt Gai dầu nấu với Ðậu xanh ăn.
3. Chữa trong khi có thai, thai bị tổn thương sinh đau bụng.
Hạt Gai dầu 30g đập giập sao thơm, sắc uống.
4. Chữa phong độc, xương tuỷ đau nhức:
Nhân hạt Gai dầu sao thơm, ngâm rượu uống.
5. Trị sạm da:
20g hạt cây gai dầu, 12g trần bì, 40g hoàng kỳ, 20g mè đen cùng 1 muỗng canh mật ong. Mật ong để riêng ra, 4 vị thuốc còn lahi cho vào ấm sắc chung với 4 chén nước. Thu lấy 1,5 chén, lọc bỏ bã rồi cho mật ong vào quấy đều. Chia lượng thuốc này thành 3 lần uống trong ngày vào trước bữa ăn.
6. Giúp nhuận tràng:
10g hạt cây gai dầu, 10g hạnh nhân, 10g đào nhân, 10g đương quy, 15g sinh địa, 10g chỉ xác. Các vị thuốc trên đây đem tán bột mịn rồi luyện với mật để làm hoàn, 1 viên hoàn khoảng 6g. Uống đều đặn ngày 2 lần, mỗi lần chỉ 1 viên.
7. Chữa ra mồ hôi trộm do thận hư:
10g hạt cây gai dầu, 10g ô mai, 10g huyền sâm, 15g sinh địa hoàng, 5g ngũ vị tử, 10g mạch môn, 15g thục địa hoàng. Các vị thuốc này đem cho hết vào ấm sắc cùng với 1 thăng nước ở trên lửa nhỏ trong 20 phút. Chia đều lượng nước thuốc thu được thành nhiều lần uống, dùng 1 thang/ngày.
8. Chữa bệnh vảy nến:
15g hạt cây gai dầu, 8g hà thủ ô, 20g kim ngân hoa, 20g ké đầu ngựa, 12g huyền sâm cùng 12g sinh địa. Các vị thuốc trên cho tất cả vào ấm, đổ thêm 600ml nước. Sắc trên lửa nhỏ thu lấy 200ml thuốc, chia đều thành 3 lần uống. Dùng với liều lượng 1 thang/ngày.
9. Chữa đau bụng do động thai:
30g hạt cây gai dầu. Vị thuốc trên đem đập dập rồi cho lên chảo sao thơm. Sắc lấy nước, bỏ bã, uống trong ngày.
10. Chữa ghẻ lở:
30g hạt cây gai dầu, 30g cam thảo, 120 khổ sâm, 30g kinh giới, 30g uy linh tiên, 30g thạch xương bồ, 30g xuyên khung. Tất cả các vị thuốc trên đem tán bột mịn rồi trộn đều. Mỗi lần lấy 10g hòa với 20ml rượu để uống. Mỗi ngày chỉ dùng 1 lần duy nhất.
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về một số tác dụng hay về loại dược liệu này!
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
- Người bệnh không tự ý áp dụng
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng
Nguồn: tracuuduoclieu.vn tham khảo Sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam