Cây ngấy tía mọc rải rác ở nhiều nơi trên bình nguyên, cao nguyên Bắc Bộ từ Cao Bằng tới Ninh Bình, Thanh Hoá. Cây được người dân sử dụng để chữa nhiều loại bệnh phổ biến như: Thổ huyết, thấp khớp, lỵ, cảm mạo, sốt cao, đòn ngã tổn thương… Hãy cùng Medplus tìm hiểu những công dụng đặc biệt của loại dược liệu này nhé!
A. Thông tin về cây ngấy tía
Tên tiếng Việt: Ngấy tía, Ngấy lá nhỏ
Tên khoa học: Rubus parvifolius L
Họ: Rosaceae (Hoa hồng)
1. Đặc điểm về cây
- Cây ngấy tía thuộc loại cây bụi trườn, phân nhánh nhiều, nhánh mảnh, có lông và nhiều gai cong.
- Lá mọc so le với nhau, thường gồm 3 lá chét. Lá chét tương đối nhỏ, mặt trên không có lông hay phủ lông thưa, mặt dưới đầy lông trắng nhạt hoặc xám nhạt. Lá chét cuối có thuỳ, lá kèm hẹp, cao 3-5mm.
- Cụm hoa mọc ở ngọn, cao 4-5cm. Hoa màu hồng, rộng cỡ 1cm, đài nhiều lông, có gai nhỏ, cánh hoa cao 5mm, nhị nhiều. Lá noãn cỡ 30. Qủa hình bán cầu, màu đỏ, vị chua ngọt, ăn ngon.
- Mùa hoa: Tháng 5-6.
- Mùa quả: Tháng 7-8.
2. Phân bố, thu hái và chế biến
- Cây ngấy tía thuộc loài cây của Ấn Độ, Trung Quốc, Mông Cổ, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam.
- Cây phân bố rải rác ở nhiều nơi trên bình nguyên, cao nguyên Bắc Bộ từ Cao Bằng tới Ninh Bình, Thanh Hoá.
- Thu hái toàn cây vào mùa hè – thu (cả thân và lá), phơi khô hoặc dùng tươi. Rễ thu hoạch vào mùa thu và mùa đông, rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô.
3. Bộ phận dùng
Tất cả các bộ phận của cây đều được chế biến với nhiều công dụng khác nhau – Herba Rubi Parvifolii. Thường gọi là Mao môi.
4. Thành phần hóa học
Lá của cây ngấy tía chứa tanin, thân dây chứa ceton các loại, tanin.
5. Tính vị và công năng
- Cây có vị ngọt, chua, tính bình. Tác dụng tán ứ, chỉ thống, giải độc, sát trùng.
- Rễ có vị đắng ngọt, tính mát. Tác dụng thanh nhiệt giải độc, khư phong trừ thấp.
B. Công dụng và liều dùng
1. Toàn cây thường được dùng trị thổ huyết, đòn ngã, dao chém bị thương, phụ nữ có mang đau bụng, lỵ, trĩ, mụn ghẻ.
2. Quả có vị ngon (Cao Bằng) nên được dùng như một loại trái cây ăn được.
3. Cành lá sắc nước rửa viêm da, thấp chẩn, giã nát đắp mụn nhọt độc.
4. Hoa vắt lấy nước bôi mặt trị tàn nhang.
5. Rễ khô 15-30g, sắc nước uống, đem lại nhiều công dụng, như dùng để trị:
- Cảm mạo, sốt cao, sưng hầu họng
- Viêm gan truyền nhiễm cấp tính, gan lách sưng to
- Khái huyết, thổ huyết
- Thận viêm thủy thũng, viêm nhiễm đường tiết niệu
- Đòn ngã ứ đau, phong thấp đau xương.
Ngoài ra, rễ dùng ngâm rượu còn có công hiệu dưỡng cân hoạt huyết, tiêu sưng thũng.
C. Bài thuốc từ cây ngấy tía
1. Thấp khớp: Ngấy tía 30g, Cúc chỉ thiên 15g, Hy thiêm 10g, sắc nước uống.
2. Gan lách to: Ngấy tía 30g, Thóc lép (Desmodium pulchellum) 30g, sắc nước uống.
3. Viêm đường tiết niệu: Ngấy tía, Rau má lông, Kim tiền thảo, mỗi vị 30g, sắc uống.
4. Chữa ho ra máu, thổ huyết và bị thương sưng đau: Dùng Ngấy tía, Thiên thảo, Cây cứt lợn, Thanh thiên, Mạch môn, mỗi vị 20g, sắc uống.
Bạn cũng có thể tìm hiểu thêm một số loại cây có công dụng đặc biệt khác dưới đây nhé!
Ngấy Hương là cây gì? Công dụng chữa bệnh của Ngấy Hương
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cây ngấy tía cũng như một số công dụng hay về loại dược liệu này!
Lưu ý:
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
- Người bệnh không tự ý áp dụng
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng
Nguồn tham khảo
Tracuuduoclieu.vn và các nguồn uy tín khác.