Cúm H5N1 là gì ? Nguyên nhân mắc bệnh cúm gia cầm H5N1
Cúm gia cầm H5N1 là một bệnh truyền nhiễm do một loại virus H5N1 gây ra. Virus này được tìm thấy ở một số loài chim hoang dã. Thông thường, các loài chim hoang dã không bị bệnh do nhiễm virus nhưng chúng có thể dễ dàng truyền virus cho các loài chim được nuôi để lấy thịt, chẳng hạn như gà, vịt và gà tây và làm chúng bệnh nặng.
Cúm gia cầm có lây sang người không? Bệnh có nguy hiểm không?
Virus H5N1 thường không lây lan sang cho người, nhưng trên thực tế đã có nhiều trường hợp mắc bệnh này. Nhiễm trùng ở người với virus cúm gia cầm xảy ra khi có một lượng virus nhất định xâm nhập vào mắt, mũi hoặc miệng hoặc hít phải. Điều này có thể xảy ra khi virus ở trong không khí (trong các giọt nước hoặc có thể là bụi). Con người hít phải nó hoặc chạm vào đồ vật có chứa virus sau đó chạm vào miệng, mắt hoặc mũi của họ. Bệnh ở người có thể tiến triển từ nhẹ đến nặng.
Hiện tại, virus cúm gia cầm không lây từ người sang người. Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại rằng, virus H5N1 có nguy cơ trở thành mối đe dọa đại dịch cho con người.
Các triệu chứng của người mắc bệnh cúm H5N1
Các triệu chứng phổ biến của bệnh cúm H5N1 có thể tương tự như bệnh cúm thông thường. Nó thường bắt đầu từ 2 đến 7 ngày kể từ khi phát bệnh
- Ho khan, viêm họng;
- Sốt trên 38 độ, có thể rét run;
- Đau cơ;
- Đau đầu;
- Khó thở;
- Một số người cũng bị buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy.
Biến chứng của bệnh cúm H5N1
Những người bị cúm gia cầm có thể phát triển các biến chứng đe dọa tính mạng, bao gồm:
- Viêm phổi
- Đau mắt đỏ (viêm kết mạc)
- Suy hô hấp
- Rối loạn chức năng thận
- Vấn đề về tim
Chẩn đoán người mắc bệnh cúm H5N1
Loại bệnh phẩm
Có nhiều loại bệnh phẩm có thể dùng cho việc chẩn đoán nhiễm vi rút đường hô hấp, bao gồm:
- Máu tĩnh mạch: Lấy 2 lần, lần đầu ở giai đoạn cấp tính và lần thứ hai 2-4 tuần kể từ khi xuất hiện triệu chứng)
- Dịch họng, dịch mũi, dịch mũi họng, dịch hút phế quản, dịch rửa phế quản phế nang.
- Mẫu sinh thiết phổi, mô phổi hoặc phế quản sau tử vong.
Các phương pháp xét nghiệm
Các kỹ thuật chẩn đoán nhiễm vi rút H5N1 thông dụng hiện nay bao gồm:
- Kỹ thuật di truyền phân tử (RT-PCR)
- Kỹ thuật xác định trình tự chuỗi nucleotid (sequencing)
- Kỹ thuật ngăn ngưng kết hồng cầu (HI).
- Kỹ thuật miễn dịch hấp phụ gắn men (ELISA)
- Kỹ thuật phân lập vi rút.
- Kỹ thuật trung hoà vi lượng
Kiểm tra hình ảnh
Bác sĩ có thể cho bạn chụp X-quang để xem xét tình trạng của phổi và bệnh tình hiện tại của bạn. Sau đó đưa ra cách điều trị thích hợp và hiệu quả nhất.
Các biện pháp điều trị và phòng ngừa bệnh cúm H5N1 hiệu quả
Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh cúm H5N1 ở người. Tuy nhiên có một số thuốc chống virus như amantadine và rimantadine. Những loại thuốc này phải được sử dụng ngay trong vòng hai ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên.
Ngoài ra, bạn cần ngăn ngừa bệnh cúm H5N1 bằng những biện pháp sau:
- Tiêm vắc xin cúm gia cầm
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, tắm rửa, thay quần áo hàng ngày. Tạo thói quen thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn, sau khi tiếp xúc với gia cầm, sau khi đi vệ sinh,…
- Không ăn tiết canh
- Sử dụng dao, thớt riêng để chế biến thịt sống, chín. Bảo quản thức ăn sống, chín riêng biệt.
- Hạn chế tiếp xúc với gia cầm, thủy cầm mắc bệnh.
- Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
- Khu vực chăn nuôi, chuồng trại nên làm cách xa nhà, nên quây nhốt gia cầm, không nên nuôi thả và để gia cầm vào nhà, vào bếp.
- Phải đeo khẩu trang y tế, đeo kính, mũ, mặc quần áo bảo hộ, ủng, găng tay khi tiếp xúc với người bệnh hoặc gia cầm nhiễm bệnh. Rửa tay bằng xà phòng hoặc sát khuẩn trước và sau khi tiếp xúc.
Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ
Bạn nên gặp bác sĩ để thăm khám nếu bạn có những dấu hiệu sau đây:
- Sốt cao, ho khan và đau nhức cơ thể
- Bạn đã đi du lịch gần đây và nơi đó đang xảy ra dịch cúm H5N1
- Bạn đã ăn phải gia cầm nhiễm bệnh,…
Nguồn tham khảo : Mayoclinic, Healthline