Site icon Medplus.vn

CƯỜNG GIÁP: NGUYÊN NHÂN VÀ TRIỆU CHỨNG

Cùng Medplus tìm hiểu về nguyên nhân và triệu chứng của bệnh cường giáp bạn đọc nhé!

Cường giáp

1. Cường giáp là gì?

Đầu tiên, chúng ta cần hiểu, cường giáp là một hội chứng, tức là không phải một bệnh riêng biệt. Có nhiều bệnh gây ra hội chứng này, trong đó có thể kể đến bệnh Basedow – Bệnh cường giáp hay gặp nhất với bướu cổ có lồi mắt, cường giáp; cường giáp do bướu nhân độc tuyến giáp, viêm tuyến giáp….

Bệnh cường giáp là một nhóm bệnh gây ra bởi tình trạng tăng tiết hormone tuyến giáp (triiodothyronine và thyroxin) dẫn đến các triệu chứng tim mạch, tăng chuyển hóa quá mức với các biểu hiện: tim đập nhanh, gầy sút cân…

2. Nguyên nhân cường giáp?

Các nguyên nhân chủ yếu gây bệnh cường giáp bao gồm:

Bệnh Basedow (Bệnh Graves)

Nguyên nhân phổ biến nhất chiếm hơn 70% số trường hợp. Bệnh này xuất hiện do các tự kháng thể trong máu kích hoạt tuyến giáp, làm cho tuyến giáp phát triển và tiết ra quá nhiều hormone tuyến giáp. Loại cường giáp này có xu hướng phát triển trong gia đình và thường xảy ra ở phụ nữ trẻ có độ tuổi từ 20-50 tuổi.

Các nhân tuyến giáp hoạt động quá mức

Các nhân tuyến giáp là những cục u trong tuyến giáp của bạn. Các nhân tuyến giáp phổ biến và thường lành tính, chỉ có 1 tỷ lệ rất nhỏ chứa tế bào ung thư. Tuy nhiên, một hoặc nhiều nhân tuyến giáp có thể hoạt động quá mức và sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp. Điều này thường xuất hiện ở những người lớn tuổi.

Viêm tuyến giáp

Đây là tình trạng tuyến giáp bị viêm làm phá hủy cấu trúc thông thường của các nang tuyến giáp, dẫn đến hormone tuyến giáp dự trữ bị rò rỉ ra ngoài tuyến giáp. Cường tuyến giáp có thể kéo dài đến 3 tháng, sau đó cấu trúc mô học của tuyến giáp lại trở lại bình thường. Tuyến giáp của bạn có thể trở nên kém hoạt động và tình trạng đó gọi là suy giáp. Suy giáp thường kéo dài từ 12-18 tháng, tuy nhiên tình trạng này có thể diễn ra vĩnh viễn.

Tăng tiêu thụ i-ốt

Tuyến giáp sử dụng i-ốt để tạo ra hormone tuyến giáp. Lượng i-ốt bạn tiêu thụ ảnh hưởng đến lượng hormone tuyến giáp mà tuyến giáp tạo ra. Ở một số người, tiêu thụ một lượng lớn i-ốt có thể khiến tuyến giáp tạo ra quá nhiều hormone tuyến giáp. Một số loại thuốc có thể chứa nhiều i-ốt, ví dụ như thuốc tim amiodarone. Rong biển và các chất bổ sung từ rong biển cũng chứa nhiều i-ốt.

Sử dụng quá nhiều thuốc hormone tuyến giáp

Một số người dùng thuốc hormone tuyến giáp để điều trị suy giáp có thể dùng quá liều. Nếu bạn dùng thuốc hormone tuyến giáp, bạn nên đến gặp bác sĩ ít nhất mỗi năm một lần để kiểm tra nồng độ hormone tuyến giáp. Bạn có thể cần phải điều chỉnh liều nếu mức hormone tuyến giáp của bạn quá cao.

Một số loại thuốc khác cũng có thể tương tác với thuốc hormone tuyến giáp để nâng cao mức độ hormone. Nếu bạn dùng thuốc nội tiết tố tuyến giáp, hãy hỏi bác sĩ về các tương tác khi bắt đầu dùng thuốc mới.

3.  Triệu chứng cường giáp

Các triệu chứng bệnh cường giáp bao gồm:

  • Hồi hộp đánh trống ngực: cảm giác tim đập nhanh, mạnh trong lồng ngực, có thể cảm thấy đau ngực, khó thở.
  • Sợ nóng: do mức chuyển hóa cơ bản cao, thân nhiệt của người bệnh cường giáp thường cao hơn bình thường, do vậy người bệnh thường không chịu được những nơi có nhiệt độ cao hay thời tiết nóng nực.
  • Tiêu chảy: Tình trạng tiêu chảy kéo dài có thể là dấu hiệu bệnh cường giáp, nguyên nhân do nhu động ruột tăng thường xuyên.
  • Run tay: Triệu chứng run tay khiến bệnh nhân không thể tự kiểm soát, thường run với tần số nhanh và biên độ nhỏ
  • Bướu cổ: vùng cổ, nơi chứa tuyến giáp phình to, nguyên nhân do tuyến giáp bị phì đại.
  • Sụt cân: người bệnh cường giáp thường bị sụt cân, dù chế độ ăn vẫn như bình thường thậm chí là nhiều hơn, có thể sụt nhiều kilogram trong vòng 1 tháng.
  • Ra mồ hôi nhiều: cùng với tình trạng sợ nóng, người bệnh cường giáp thường xuyên ra mồ hôi thậm chí cả khi không vận động gì chỉ ngồi yên một chỗ.
  • Thay đổi tính tình, dễ cáu giận, lo lắng
  • Rối loạn giấc ngủ: người bệnh cường giáp hay bị khó ngủ, giấc ngủ không yên, giấc ngủ ngắn hơn bình thường.
  • Yếu mệt: mệt mỏi, giảm khả năng gắng sức, người bệnh không muốn vận động nhiều.

4. Điều trị cường giáp

Thông thường, khi được phát hiện, bệnh cường giáp có thể được điều trị dễ dàng bằng các biện pháp nội khoa. Tức là người bệnh chỉ cần uống thuốc để điều trị. Các thuốc kháng giáp tổng hợp, các thuốc chẹn beta giao cảm hoặc an thần sẽ được bác sĩ kê toa cho bệnh nhân cường giáp. Tuy nhiên, cần chú ý là thời gian điều trị bệnh cần kéo dài liên tục 12-18 tháng, cho nên người bệnh không nên tự ý bỏ thuốc khi thấy không còn các triệu chứng của bệnh.

Cường giáp

Tìm hiểu từ nguồn: Verywell Health 

Như vậy, Medplus đã cung cấp cho bạn đọc đầy đủ thông tin hữu ích về bệnh cường giáp là gì, hy vọng bài đọc sẽ cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin bổ ích, giúp bạn nâng cao tầm hiểu biết mà hạnh phúc hơn.

Bên cạnh đó, Medplus cũng cung cấp một số thông tin liên quan :

Exit mobile version