Đại Hoàng luôn được xem là dược liệu quý trong Y học với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về đặc điểm của dược liệu này. Hôm nay medplus xin giới thiệu đến bạn đọc các công dụng cũng như bài thuốc tiêu biểu từ loại dược liệu này nhé!
Thông Tin Dược Liệu
Tên tiếng việt: Đại hoàng
Tên khoa học: Rheum palmatum L.
Họ: Polygonaceae
1. Đặc điểm dược liệu
Đại hoàng là cây thân thảo sống lâu năm, thân trụ, bên trong rỗng ruột, bên ngoài nhẵn, chiều cao trung bình khoảng 1 – 2 mét. Rễ cây mập, thô, có hình viên chùy ngắn, vỏ có màu nâu tím, mặt kế có màu vàng, mùi thơm hơi hăng.
Lá mọc ở gốc cây, lá thường lớn mọc so le có cuống dài, phiến lá tròn hoặc có hình trứng tròn gốc lá hình tim. Đường kính lá khoảng 40 – 70 cm, phiến là chia chùy cắt sâu vào 1/4 lá, hai bên mép có răng cưa. Hoa thường mọc thành chùm có hình chùy ở đỉnh cây, màu lục nhạt hoặc vàng trắng. Quả ốm, tròn, dài, hình 3 cạnh.
Ngoài ra, còn một dược liệu Đại hoàng khác được gội là Đường cổ đặc Đại hoàng cũng được sử dụng để làm thuốc. Dược liệu là cây sống lâu năm, rễ thô to, cao đến 2 mét, thân ngoài nhẵn bên trong rỗng ruột. Lá to, dài, phiến lá hình tim xẻ thành 3 – 7 thùy, mép nguyên hoặc hơi răng cưa, lá phía trên nhỏ. Hoa mọc thành chùm, khi còn non có màu tím đỏ.
2. Bộ phận dùng
Thân và rễ Đại hoàng được ứng dụng để làm dược liệu. Dược liệu có màu vàng sậm, cắt ra có nhiều vân như gấm, khi nếu có có nước bọt màu vàng nổi lên.
3. Phân bố
Đại hoàng ưa khí hậu ẩm mát ở những vùng cao trên 1.000 m so với mặt nước biển. Do đo, ở nước ta có thể di thực Đại hoàng trồng ở SaPa.
Tuy nhiên, hiện tại Đại hoàng thường được nhập từ Trung Quốc và một số quốc gia khác ở châu Âu. Tuy nhiên, dược liệu nhập từ Trung Quốc được cho là có chất lượng tốt hơn.
4. Thu hái – Sơ chế
Thường thu hái dược liệu đã trên 3 năm tuổi, thu hái vào tháng 9 – 10.
Khi thu hái cần đào cả phần rễ, mang về rửa sạch đất cát, cắt bỏ phần thân trên mặt đất và những rễ tơ, cạo bỏ lớp vỏ bên ngoài. Nếu phần dược liệu quá to có thể bổ ra làm đôi hoặc làm tư, dùng lạt xâu treo ở hiên nhà để khô dần hoặc sấy nhẹ.
5. Bào chế
Theo Trung Dược Đại Từ Điển: Mang dược liệu chứng với rượu đến nát, phơi nắng, tán bột, thêm mật ong làm thành viên hoàn, phơi khô.
Theo Dược Tài Học: Chưng dược liệu mấy lần với rượu là được.
Theo Đông Dược Học Thiết Yếu: Ngâm dược liệu vào nước đến khi mềm, thái phiến mỏng, phơi khô. Có thể dùng sống, sao với rượu, sao thành than hoặc hấp chế đều được.
6. Bảo quản dược liệu
Bảo quản vị thuốc Đại hoàng trong hộp kín, ở nơi thoáng mát, khô ráo để tránh ẩm mốc và sâu mọt.
Công dụng và Liều dùng
1. Thành phần hóa học
Trong Đại hoàng có hai nhóm hoạt chất trái ngược nhau là hoạt chất có tính thu liễm có chứa Tamin (Rheotannoglucozit) và hoạt chất có tác dụng tẩy là Rheoanthraglucozit.
Thành phần chủ yếu bào gồm:
- Glucogalin
- Catechin
- Terarin
- Axit Galic
- Axit Xinamic
- Axit Galic
- Antraglucozit (chất tẩy)
2. Tính vị
Vị đắng, hàn (theo Bản Kinh)
Không chứa độc, đại hàn (Theo Danh Y Biệt Lục)
3. Quy kinh
Quy kinh Tỳ, Vị, Tâm, Can, Đại tràng
3. Tác dụng dược lý
Theo nghiên cứu của y học hiện đại
- Cầm máu, rút ngăn thời gian đông máu, giảm tính thẩm thấu của các mao mạch, cải thiện sức bên của thành mạch, kích thích xuyên tủy tạo nhiều tiểu cầu.
- Lợi mật, tăng cơ bóp túi mật, làm giãn cơ vòng.
- Kháng khuẩn, chủ yếu là tụ cầu, liên cầu khuẩn lậu, trực khuẩn bạch hầu, phó thương hàn, kiết lỵ, ức chế một số vi khuẩn nấm và virus cảm lạnh.
- Gây mê, hạ huyết áp, kích thích tim mạch.
- Ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, ngăn ngừa tình trạng chướng bụng do các bệnh viêm gan.
- Lợi tiểu, bảo vệ gan, giảm Cholesterol.
Theo y học cổ truyền
- Sinh tân khứ hủ, trường vị đãng địch, thông lợi thủ y cốc, an hòa ngũ tạng, điều trung, hóa thực (theo Bản Kinh).
- Tả thông tiện, phá ứ (theo Trung Dược học).
- Phá đàm thực, thông kinh, lợi thủy thũng, luyện ngũ tạng, súc thực, lãnh nhiệt tích tụ, lợi đại tiểu trường (theo Dược Tính Bản Thảo).
Công dụng của dược liệu
- Chữa kết tích trường vị do nhiệt
- Chữa huyết ứ ở vùng bụng, kinh nguyệt bế
- Cuồng nhiệt gây táo bón, nôn ra máu, chảy máu cam
- Hỗ trợ tiêu ứ viêm, bóng nóng (dùng thoa ngoài)
4. Cách dùng – Liều lượng
Đại hoàng có thể dùng sống, tẩm rượu, sao cháy hoặc tán bột.
Liều lượng khuyến cáo: 4 – 20 g mỗi ngày, nếu tán thành bột nên giảm liều lượng, dùng ngoài liều lượng phù hợp.
Các bài thuốc tiêu biểu từ Dược Liệu
1. Trị táo bón, đau bụng do trường ung
Sử dụng 12 g Đại hoàng, 16 g Mẫu đơn bì, Mang tiêu, Đông qua tử, Đào nhân, mỗi vị 12 g, sắc uống trong ngày.
2. Chữa phong nhiệt tích trong, trị tức đầy, tiêu thực, dẫn huyết, hóa đờm dãi, hóa khí
Sử dụng 160 g Đại hoàng, 160 g Khiên ngưu tử (80 g sao vàng, 80 g để sống). Mang tất cả dược liệu tán thành bột mịn, gia thêm mật làm thành viên hoàn, to bằng hạt ngô đồng. Mỗi lần dùng uống 10 viên với nước ấm. Nếu tình trạng nghiêm trọng có thể tăng lên 20 viên mỗi lần.
3. Chữa phụ nữ huyết khí không thông, rong kinh, tiêu ra máu, xích bạch đới
Dùng 1 cân Đại hoàng chia thành 4 phần bằng nhau.
- 1 phần ngâm với 1 chén đồng tiện và 8 g muối, để qua đêm, thái mỏng, phơi khô.
- 1 phần hòa cùng 4 lượng Đương quy, cho vào một chén giấm nhạt, tẩm ướp qua đêm. Sau đó bỏ Đương quy đi chỉ thu lại Đại hoàng, thái mỏng, phơi khô.
- Một phần tẩm rượu ngon, để qua một ngày, lại thái mỏng, sao với 35 hạt Ba đậu. Sau đó bỏ Ba chỉ lấy Đại hoàng.
- 1 phần ngâm với 1 chén nước, nấu với 160 g Hồng hoa, để yên qua đêm, thái mỏng, phơi khô.
Mang tất cả 4 phần Đại hoàng đã sơ chế tán thành bột, gia thêm mật ong làm thành viên hoàn kích thước to bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần dùng uống 50 viên với rượu ấm, uống thuốc khi đói.
4. Chữa tâm khí bất tức, chảy máu mũi, nôn mửa ra máu
Đại hoàng 80 g, Hoàng Cầm, Hoàng liên, mỗi vị 40 g, sắc với 3 chén nước, đến khi còn 1 chén thì dùng uống.
5. Chữa nôn ra máu, đau xóc lên
Dùng 40 g Đại hoàng tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng 4 g sắc với một chén nước Sinh địa, đến khi còn nửa chén thì dùng uống.
6. Điều trị chân đau do phong khí, thắt lưng nhức mỏi
Dùng 80 g Đại hoàng cắt nhỏ như con bờ, trộn với một ít sữa, sao khô, để cho đen. Mỗi lần dùng uống 8 g sắc với 3 chén nước và 3 lát gừng tươi, dùng uống khi đói.
7. Chữa nói sảng do nhiệt
Sử dụng 200 g Đại hoàng, cắt nhỏ, sào hơi đỏ rồi tán bột. Sau lại dùng 5 thăng Lạp tuyết thủy nấu cô lại thành cao. Mỗi lần dùng uống nửa muỗng cà phê với nước lạnh.
8. Chữa kinh bế, huyết trệ, hậu sản ứ huyết, đau nhức bụng dưới
Sử dụng Đại hoàng, Đào nhân, mỗi vị 12g, Miết trùng 4 g, sắc thành thuốc dùng uống.
9. Chữa bỏng ngoài da
Sử dụng Đại hoàng tán thành bột mịn, trộn với dầu mè, thoa vao vị trí bỏng hoặc sưng tấy do nhiệt.
10. Trị triệu chứng lạ do đàm sinh ra, ăn vào nôn mửa, có đàm trong ngực
Dùng 40 g Đại hoàng, Cam thảo (chích) 10 g, sắc với một tô nước đầy, đến khi còn nửa rô thì dùng uống. Bài thuốc này có thể tẩy đàm ra khỏi cổ họng.
11. Chữa trường vị, thực nhiệt gây táo bón
Bài thuốc thứ nhất: Sử dụng 10 – 15 g Đại hoàng, Hậu phác, Chỉ thực, mỗi vị 6 – 8 g, sắc uống, mỗi ngày một thang.
Bài thuốc thứ hai: Dùng 10 – 15 g Đại hoàng, Chỉ Thực, Hậu phác, mỗi vị 8 g, sắc thành thuốc, lại hòa cùng 10 g Mang tiêu, dùng uống trong ngày
12. Trị xích bạch trọc
Tán Đại hoàng thành bột, mỗi lần dùng 6 phần. Sau đó soi thủng một lỗ ở trứng gà, cho thuốc vào, dừng muỗng khuấy đều và chưng đến chín. Ăn lúc đói, mỗi ngày 1 – 2 lần.
13. Điều trị bí kết tướng hỏa
Sử dụng 40 g Đại hoàng, 20 g Khiên ngưu, tán thành bột. Mỗi lần dùng 12 g bột thuốc uống cùng với rượu ấm.
14. Điều trị nôn ói ra dãi nhớt, không nói được, suyễn đột ngột
Sử dụng 20 g Đại hoàng, 20 g Nhân sâm sắc cùng 2 chén nước đến khi còn 1 chén thì dùng uống khi còn ấm.
15. Chữa phụ nữ âm hộ đau
Sử dụng Đại hoàng 40 g sắc cùng 1 thăng giấm gạo, dùng uống.
16. Chữa chóng mặt do thấp nhiệt
Sử dụng Đại hoàng sao với rượu tán thành bột. Mỗi lần dùng uống 8 g với nước trà.
17. Chữa phụ nữ huyết tích gây đau
Sử dụng 40 g Đại hoàng đun sôi cùng 2 thăng rượu, dùng uống để đi ngoài.
18. Chữa tai biến mạch máu não
Sử dụng 12 g Đại hoàng, 9 g Chỉ thức, 10 g Mang tiêu, Hậu phác, Cam thảo, mỗi vị 6 g, sắc cùng 200 ml nước, chia thành 2 lần uống mỗi ngày.
Lưu Ý khi sử dụng Dược Liệu để trị bệnh
Kiêng kỵ
- Phụ nữ mang thai và đang cho con bú không nên sử dụng Đại hoàng.
- Phụ nữ kinh nguyệt không đều không nên dùng.
- Người bị bón do huyết ứ và người cao tuổi không được sử dụng dược liệu.
- Người suy nhược cơ thể không nên dùng.
Lưu ý
- Đại hoàng không nên sắc quá lâu. Khi sắc thuốc được rồi thì mới cho Đại hoàng vào, dùng uống.
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về Dược Liệu cũng như một số bài thuốc hay về vị thuốc này nhé !
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
- Người bệnh không tự ý áp dụng
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng
Nguồn: tracuuduoclieu.vn
Sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam