Site icon Medplus.vn

Bạn biết gì về phẫu thuật dẫn lưu bàng quang trên xương mu?

Bạn biết gì về phẫu thuật dẫn lưu bàng quang trên xương mu?

Dẫn lưu bàng quang trên xương mu là một phẫu thuật phổ biến, được dùng để điều trị tình trạng bí tiểu ở những bệnh nhân có vấn đề ở hệ thống tiết niệu.

Mời bạn cùng MedPlus tìm hiểu kỹ hơn về loại phẫu thuật này trong bài viết ngay sau đây nhé!

Tìm hiểu chung

Dẫn lưu bàng quang trên xương mu là gì?

Dẫn lưu bàng quang trên xương mu là kỹ thuật đặt ống dẫn lưu vào bàng quang để dẫn nước tiểu ra khỏi bàng quang mà không cần đi qua niệu đạo (ống dẫn nước tiểu ra ngoài).

Phẫu thuật này thường được sử dụng để kiểm soát tình trạng rối loạn chức năng bàng quang và bí tiểu mà không thể đặt ống thông niệu đạo. Ống dẫn lưu được đưa vào bàng quang thông qua một vết cắt ở vùng bụng dưới và trên xương mu. Phẫu thuật được thực hiện dưới dạng gây tê cục bộ, gây tê ngoài màng cứng hoặc gây mê toàn thân.

Dẫn lưu bàng quang trên xương mu được đánh giá là thoải mái hơn và ít gây nhiễm trùng đường tiết niệu hơn so với kỹ thuật đặt ống thông niệu đạo.

Khi nào cần thực hiện?

Dẫn lưu bàng quang trên xương mu thường được chỉ định trong các trường hợp bí tiểu mà không thể thực hiện đặt ống thông niệu đạo:

  • Phì đại tuyến tiền liệt nghiêm trọng
  • Hẹp niệu đạo, niệu đạo bị tổn thương hoặc tắc nghẽn
  • Chấn thương niệu đạo nghiêm trọng
  • Co thắt cổ bàng quang
  • Mắc bệnh ác tính ở bộ phận sinh dục
  • Bí tiểu do bàng quang thần kinh
  • Những người cần đặt ống thông tiểu lâu dài và vẫn đang hoạt động tình dục
  • Sau một số phẫu thuật phụ khoa, ví dụ như phẫu thuật tử cung hoặc bàng quang bị sa…
  • Đặt ống dẫn lưu lâu dài cho chứng tiểu không tự chủ.

Thận trọng

Những điều bạn cần biết trước khi quyết định dẫn lưu bàng quang trên xương mu

Phẫu thuật này thường chống chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Bàng quang không căng phồng
  • Mắc các bệnh lý ác tính ở bàng quang
  • Nhiễm trùng da đang hoạt động
  • Rối loạn đông máu
  • Viêm tủy xương mu.

Bởi phẫu thuật trong những trường hợp này chỉ làm tăng đáng kể nguy cơ bị tổn thương ruột hoặc mạch máu, và có thể xảy ra nhiều biến chứng khác.

Các biến chứng có thể xảy ra

Cũng như tất cả các loại phẫu thuật khác, dẫn lưu bàng quang trên xương mu cũng có thể dẫn đến một số rủi ro nhất định như sau:

  • Vô tình làm tổn thương ruột và mạch máu
  • Chảy máu
  • Tắc nghẽn, vôi hóa ống dẫn lưu
  • Nước tiểu bị rò rỉ xung quanh ống dẫn lưu
  • Khu vực da xung quanh ống dẫn lưu bị đỏ, sưng và đau
  • Co thắt bàng quang
  • Nhiễm trùng vết mổ
  • Tiểu ra máu khó chữa
  • Sỏi bàng quang.

Hãy trao đổi thật kỹ lưỡng với bác sĩ về những lợi ích và nguy cơ trước khi quyết định thực hiện phẫu thuật này.

Quy trình

Chuẩn bị gì trước khi dẫn lưu bàng quang trên xương mu?

Một số bước cần chuẩn bị trước khi tiến hành dẫn lưu bàng quang trên xương mu như sau:

  • Phần bụng dưới của bệnh nhân sẽ được cạo và vệ sinh sạch sẽ. Bộ phận sinh dục cũng được vệ sinh và quấn khăn che chắn.
  • Bác sĩ có thể chỉ định nội soi bàng quang, siêu âm bụng và chụp CT trước khi làm phẫu thuật để bác sĩ đánh giá kỹ hơn về bàng quang cùng hệ thống tiết niệu, đặc biệt là những bệnh nhân đã từng phẫu thuật vùng bụng.
  • Kiểm tra và đánh sức sức khỏe tổng thể cho bệnh nhân để xem bệnh nhân có bị thiếu máu hay rối loạn đông máu hay không.
  • Bệnh nhân cần nhịn ăn ít nhất 6 giờ trước khi phẫu thuật.
  • Bác sĩ và nhân viên y tế chuẩn bị các dụng cụ cần thiết cho cuộc phẫu thuật.

Thời gian thực hiện dẫn lưu bàng quang trên xương mu trung bình khoảng 30-60 phút.

Quá trình dẫn lưu bàng quang trên xương mu diễn ra như thế nào?

Các bước tiến hành trong quá trình dẫn lưu bàng quang trên xương mu bao gồm:

  • Bệnh nhân nằm ngửa và bác sĩ sẽ tiến hành gây tê cục bộ hoặc gây mê toàn thân tùy theo từng trường hợp.
  • Bác sĩ phẫu thuật sẽ tiến hành rạch một vết cắt dài khoảng 2 đốt ngón tay ở vùng bụng dưới, phía trên xương mu để làm lộ mặt trước bàng quang ra da.
  • Kiểm tra kỹ bàng quang, niệu quản và tuyến tiền liệt (ở nam giới), nếu có sỏi và cục máu đông cần lấy chúng ra ngoài.
  • Thực hiện đưa ống dẫn lưu qua xương mu vào bàng quang để dẫn nước tiểu. Tránh đặt đầu ống dẫn lưu quá sát vào cổ bàng quang hoặc quá sâu sẽ khiến người bệnh bị đau hoặc khó chịu.
  • Khâu lại chỗ mở bàng quang, cố định ống dẫn lưu và đóng vết mổ lại.

Điều gì xảy ra sau khi phẫu thuật?

Sau 3-5 ngày nằm lại bệnh viện để được chăm sóc vết thương và theo dõi thêm, bệnh nhân có thể được xuất viện nếu tình trạng ổn định.

Sau khi phẫu thuật, ống dẫn lưu sẽ được cố định để giúp nước tiểu thoát khỏi bàng quang dễ dàng hơn và tránh nhiễm trùng. Ống dẫn lưu này gắn với một túi để thu thập nước tiểu. Người chăm sóc sẽ chỉ cần đổ sạch túi nước tiểu này vài lần một ngày hoặc xả nước tiểu vào bồn cầu thông qua một van nhỏ dưới đáy túi.

Ngoài ra, loại ống dẫn lưu này cần được thay sau mỗi 4 đến 12 tuần. Vì vậy, người chăm sóc cần phải học cách giúp bệnh nhân thay ống đúng cách ngay tại nhà.

Phục hồi

Những lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân sau dẫn lưu bàng quang trên xương mu

  • Đảm bảo bệnh nhân cung cấp đủ lượng nước hàng ngày (trung bình là khoảng từ 1,5 đến 2 lít). Hạn chế tối đa đồ uống gây kích thích bàng quang, ví dụ như trà, cà phê và thức uống có ga.
  • Tránh táo bón bằng cách ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên cám, trái cây, rau, khoai lang…
  • Tránh hoạt động thể chất trong vòng từ một hoặc hai tuần sau phẫu thuật.
  • Kiểm tra vị trí đặt ống dẫn lưu vài lần một ngày để xem vết thương có bị đỏ, đau, sưng hoặc chảy mủ hay không.
  • Vệ sinh vùng da xung quanh ống dẫn lưu mỗi ngày bằng xà phòng nhẹ và nước. Nên tắm dưới vòi hoa sen, không để vết thương tiếp xúc quá lâu với nước. Sau khi vết thương lành bạn có thể tắm bình thường.
  • Không sử dụng bất kỳ loại kem, bột hoặc thuốc xịt nào gần vị trí đó.
  • Đảm bảo ống dẫn lưu luôn hoạt động, không tự ý rút ống và cố gắng không ngắt kết nối ống dẫn lưu quá nhiều lần.
  • Kiểm tra ống dẫn lưu và xả sạch túi nước tiểu vài lần trong suốt cả ngày.
  • Đảm bảo túi nước tiểu sạch sẽ và luôn ở dưới thắt lưng. Điều này sẽ giúp nước tiểu không đi ngược vào bàng quang.
  • Kiểm tra các đường gấp khúc và xem có bọt khí hay không nếu ống dẫn lưu không thoát nước.
  • Luôn rửa tay bằng xà phòng với nước sạch trước và sau khi vệ sinh túi nước tiểu hoặc thay ống dẫn lưu.

Khi nào cần đến gặp bác sĩ để tái khám?

Bạn nên gọi ngay cho bác sĩ và tái khám sớm nếu:

  • Gặp vấn đề hoặc khó khăn khi thay ống dẫn lưu hay làm rỗng túi nước tiểu.
  • Lượng nước tiểu tăng lên nhanh chóng hoặc bị rò rỉ nước tiểu, vùng da xung quanh nơi đặt ống sưng, đỏ, đau, bưng mủ.
  • Nhận thấy có máu trong nước tiểu trong vài ngày sau khi xuất viện.
  • Chảy máu tại khu vực đặt ống dẫn lưu sau khi thay ống, và máu chảy không ngừng trong vòng 24 giờ.
  • Ống dẫn lưu bị tắc nghẽn.
  • Có sạn hoặc sỏi trong nước tiểu.
  • Nước tiểu có mùi hoặc thay đổi màu sắc bất thường, nước tiểu đục.
  • Dấu hiệu nhiễm trùng như cảm giác nóng rát khi đi tiểu, sốt, ớn lạnh,..

Hy vọng thông qua bài viết này bạn đã hiểu hơn về thủ thuật dẫn lưu bàng quang trên xương mu và có những biện pháp chăm sóc tại nhà cho bệnh nhân sau phẫu thuật một cách phù hợp.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.

Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn: Suprapubic Bladder Catheterization

Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất:

Exit mobile version