Site icon Medplus.vn

Viêm da cơ địa có nguy hiểm không? Điều trị viêm da cơ địa như thế nào?

Viêm da cơ địa có nguy hiểm không? Điều trị viêm da cơ địa như thế nào?

Viêm da cơ địa có chữa khỏi được không, chữa như thế nào là băn khoăn rất thường gặp. Bởi dù không gây nguy hiểm nhưng bệnh viêm da cơ địa lại gây ra rất nhiều “phiền toái”, khó chịu trong sinh hoạt hàng ngày.

Viêm da cơ địa là một trong những bệnh lý về da phổ biến nhất trong nhóm các bệnh về miễn dịch và di truyền. Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng, mọi độ tuổi nhưng nhiều nhất là trẻ dưới 5 tuổi và có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành.

Viêm da cơ địa có chữa khỏi được không? Chữa như thế nào? Cùng khám phá câu trả lời qua những thông tin mà MedPlus tổng hợp được để phần nào gỡ rối băn khoăn bạn nhé!

Viêm da cơ địa có nguy hiểm không?

Viêm da cơ địa hay chàm (Atopic dermatitis hay Eczema) là nỗi ám ảnh của hơn 10% dân số thế giới. Đây là tình trạng viêm da có các triệu chứng đặc trưng như:

  • Khô da
  • Ngứa dữ dội, đặc biệt là vào ban đêm
  • Nổi các mảng đỏ hoặc nâu xám ở bàn tay, bàn chân, mắt cá chân, cổ tay, cổ, ngực trên, mí mắt, nếp gấp khuỷu tay, gối, mặt, da đầu…
  • Mụn nước nhỏ, có thể vỡ, chảy dịch, đóng vảy do gãi
  • Xuất hiện các mảng da dày, có vảy
  • Da sưng, phù nề, trầy xước do gãi.

Dù không nguy hiểm nhưng viêm da cơ địa lại ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt bởi các triệu chứng thường kéo dài, nguy cơ tái phát cao, có thể để lại những tổn thương khó phục hồi trên da. Cụ thể:

  • Kích hoạt bệnh hen suyễn và viêm mũi dị ứng ở hơn 50% trẻ bị viêm da cơ địa khi 13 tuổi.
  • Da có vảy, ngứa mãn tính do thói quen gãi thường xuyên, thậm chí, khiến da đổi màu, dày và sạm.
  • Nhiễm trùng da: Gãi nhiều có thể dẫn đến các vết thương, làm tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn, virus, nấm…
  • Các vấn đề về giấc ngủ do cơn ngứa thường hoành hành dữ dội vào buổi tối, gây khó chịu.

Viêm da cơ địa có chữa khỏi được không?

Viêm da cơ địa có chữa khỏi được không và chữa như thế nào là câu hỏi được đặt ra hàng đầu. Hiện chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu bệnh viêm da cơ địa. Các biện pháp điều trị đa phần chỉ tập trung vào việc giảm nhẹ các triệu chứng và ngăn ngừa các đợt bùng phát mới.

Ngoài ra, nguyên nhân gây viêm da cơ địa hiện vẫn chưa được xác định chính xác nên việc điều trị cũng gặp nhiều khó khăn. Bệnh có thể khởi phát do các yếu tố bên trong như di truyền, miễn dịch, bệnh tật… hoặc các yếu tố bên ngoài như thời tiết, nhiệt độ môi trường, hóa chất, lông thú…

Tuy nhiên, dù chưa thể điều trị dứt điểm nhưng nếu phát hiện, điều trị sớm cũng như có cách phòng ngừa phù hợp, các triệu chứng của bệnh sẽ được kiểm soát nhanh chóng và có thể ngăn ngừa tối đa tần suất tái phát.

Điều trị viêm da cơ địa như thế nào?

Hiện các phương pháp điều trị viêm da cơ địa thường là:

  • Kem dưỡng ẩm: Sử dụng hàng ngày để da không bị khô
    • Thoa nhẹ, không chà xát. Dùng dụng cụ chuyên dụng thay vì tay để tránh nhiễm trùng
    • Sử dụng sau khi tắm, khi da còn ẩm.
  • Corticosteroid dạng kem và thuốc mỡ được bôi trực tiếp lên da để giảm sưng và tấy đỏ. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và vùng da bị ảnh hưởng mà bác sĩ có thể kê những loại thuốc corticosteroid khác nhau, chẳng hạn nếu nhẹ, có thể dùng hydrocortisone, nặng có thể dùng betamethasone valerate và betamethasone dipropionate…
  • Thuốc corticosteroid đường uống hiếm khi được sử dụng để điều trị bệnh chàm nhưng đôi khi có thể được kê đơn trong thời gian ngắn từ 5 đến 7 ngày để kiểm soát các đợt bùng phát nghiêm trọng.
  • Các loại kem chứa nhóm thuốc ức chế calcineurin như tacrolimus và pimecrolimus tác động lên hệ miễn dịch cũng được chỉ định sử dụng.
  • Thuốc kháng histamin trong trường hợp ngứa dữ dội.
  • Quấn băng ướt quanh vùng da tổn thương sau khi bôi corticosteroid. Phương pháp này thường được áp dụng trong trường hợp vùng tổn thương lan rộng và được thực hiện tại bệnh viện.
  • Liệu pháp ánh sáng (quang trị liệu): Chiếu tia UVA vào da giúp ức chế sự hình thành các chất gây viêm, giúp vết thương lành nhanh, chống nhiễm trùng. Tuy nhiên, việc sử dụng tia cực tím cũng có thể tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.

Biện pháp phòng ngừa giúp giảm tối đa tần suất tái phát

Để giảm nguy cơ viêm da cơ địa bùng phát, bạn có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:

  • Hạn chế gãi, thay vào đó có thể dùng tay xoa nhẹ lên da. Bởi hành động gãi có thể khiến da bị tổn thương và làm cho bệnh chàm dễ tái phát hơn. Ngoài ra, gãi nhiều cũng khiến da bị trầy xước, chảy máu, có thể dẫn đến nhiễm trùng hoặc để lại sẹo.
  • Hạn chế tiếp xúc với các yếu tố gây khởi phát bệnh, chẳng hạn:
    • Tránh mặc trang phục có chất liệu dễ gây kích ứng (sợi tổng hợp, len, chất liệu lông…)
    • Giữ phòng ngủ, không gian sinh hoạt thoáng mát nếu thời tiết nóng nực là nguyên nhân là khởi phát bệnh chàm
    • Tránh sử dụng xà phòng hoặc chất tẩy rửa có thể ảnh hưởng đến da, thay vào đó nên chọn các sản phẩm dịu nhẹ, có nguồn gốc từ thiên nhiên.
    • Vệ sinh nhà cửa thường xuyên để tránh bụi bẩn, nấm mốc.
  • Thay đổi chế độ ăn, tránh các thực phẩm dễ gây dị ứng như trứng, sữa bò, hải sản. Tuy nhiên, tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về chế độ ăn phù hợp.
  • Sử dụng kem dưỡng ẩm ít nhất 2 lần/ngày để tránh mất nước, tạo hàng rào bảo vệ cho da, giảm viêm và giảm nguy cơ chàm tái phát. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn sản phẩm dưỡng da phù hợp với tình trạng da hiện tại.

Hy vọng qua những thông tin được tổng hợp trong bài, bạn đã tìm được câu trả lời cho thắc mắc viêm da cơ địa có chữa khỏi được không, biết cách phòng ngừa và chăm sóc da phù hợp.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.

Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn: How Long Do the Symptoms of Eczema Last?

Atopic Dermatitis Symptoms, Causes, vs. Eczema, Remedies, and Treatment

Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất:

Exit mobile version