Site icon Medplus.vn

Gièng Gièng: “Bất ngờ” với nhiều bộ phận giúp chữa bệnh

Hình ảnh cây gièng gièng

Hình ảnh cây gièng gièng

Gièng gièng thuộc loại cây gỗ, hoa có màu đỏ khá rực rỡ nên thường được trồng làm cảnh và lấy bóng mát ở những nơi công cộng. Không chỉ vậy, gièng gièng còn có nhiều bộ phận được người dân sử dụng để chữa các loại bệnh phổ biến. Hãy cùng Medplus tìm hiểu xem những thông tin đặc biệt đó là gì nhé!

A. Thông tin về gièng gièng

Tên tiếng Việt: Gièng gièng, Cây lâm vố, Kok chăn, Cây hoa thơm

Tên khoa học: Butea monosperma (Lam.) Taub

Họ: Fabaceae (Đậu)

1. Đặc điểm về cây

Hoa gièng gièng có màu sắc rực rỡ
  • Gièng gièng thuộc loại cây gỗ cao 8-10m, có thân vặn và cành không đều.
  • Lá to, kép lông chim lẻ, lá chét 10-20cm, không giống nhau. Lá chét cuối hình thoi – mắt chim, các lá chét ở 2 bên không cân, hình trái xoan hay trái xoan ngược, tù, mặt dưới có nhiều lông mềm, dày đặc.
  • Hoa màu da cam sáng chói, cong, có lông mềm, xếp thành chùy dài.
Quả cây gièng gièng
  • Quả thuôn, tù ở hai đầu, có lông mềm màu trắng, có vân mạng, mép quả dày. bên trong chứa hạt màu đỏ, hình bầu dục rộng, nhẵn và phẳng.
  • Mùa hoa: Tháng 6-10.

2. Phân bố và thu hái

  • Gièng gièng phân bố rộng rãi ở các nước như: Ấn Độ, Xri Lanka, các nước Ðông Dương cho đến Inđônêxia.
  • Ở Việt Nam, cây mọc nhiều ở những chỗ đất trống của vùng đồng bằng và trong các savan, trên đất sét, cát (độ cao lên tới 1500m), từ Quảng Trị đến Ðồng Nai.
  • Gièng gièng có khả năng thích nghi cao với vùng có khí hậu nhiệt đới điển hình, hai mùa khô và mưa rõ rệt.
  • Cây thuộc nhóm ưa sáng, mọc trên loại đất đỏ bazan dễ thấm nước, ra hoa quả nhiều, hoa có màu đỏ đẹp nên thường được người dân trồng làm cảnh và lấy bóng mát ở những nơi công cộng.
  • Hạt gièng gièng có khả năng nảy mầm tốt.

3. Bộ phận dùng

Nhiều bộ phận của cây được sử dụng như: nhựa (trích từ cây gồm phần nửa là gôm), hoa, hạt và vỏ.

4. Thành phần hóa học

  • Nhựa trích từ cây gồm phân nửa là gôm. Từ gôm cây đã tách được leucocynictin; còn có pyrocatechin, acid kinotannic và gôm.
  • Lá và hoa đều chứa glucosid.
  • Hoa chứa 1,5% glucosid butrin 0,3% butein, 0,04% butin, 0,02% một glucosid và một heterosid.
  • Hạt chứa 3 alcaloid độc đối với giun đất; 18,97% một chất dầu màu vàng; các men proteolytic và lipolytic.

5. Tính vị và công năng

  • Nhựa cây có vị se màu đỏ, đông lại ngoài không khí, phồng lên trong nước lã và làm cho nước có màu đẹp.
  • Hạt có tính tẩy và trừ giun. Vỏ và hạt trị nọc độc.
  • Lá se, bổ. Hoa cũng có tính se, tác dụng lợi tiểu, lọc máu và kích dục.

B. Công dụng và liều dùng

Tại Ấn Độ:

  • Hạt dùng thay thế santonin để trục giun.
  • Gôm nhựa gièng gièng được dùng trị ỉa chảy và kiết lỵ.
  • Vỏ cây và hạt dùng trị rắn độc.

Tại Campuchia:

  • Người dân dùng lá Sa nhân (Amomum zerumbet) và giã ra với tỷ lệ 8 phần lá cây, 2 phần muối ăn và 1 phần nhựa gièng gièng. Dùng để trị ỉa chảy của trẻ em và người lớn.
  • Đồng thời, nhựa cũng dùng để băng bó các vết thương và vết loét bằng cách phối hợp với nhựa dầu mè (Jatropha curcas) để tạo thành bột đắp lên vết thương, mụn nhọt và viêm hạch.

Một số bài viết khác bạn có thể quan tâm dưới đây:

Cách chăm sóc trẻ em bị tiêu chảy cấp đơn giản ngay tại nhà

Pedialyte có giúp trị tiêu chảy ở trẻ em không?

Lời kết

Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về gièng gièng cũng như một số công dụng hay về loại dược liệu này!

Lưu ý:

  1. Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
  2. Người bệnh không tự ý áp dụng
  3. Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng

Nguồn tham khảo

Tracuuduoclieu.vn và các nguồn uy tín khác.

Exit mobile version