Site icon Medplus.vn

Giúp trẻ không thành người thua cuộc xấu tính

Giúp trẻ không thành người thua cuộc xấu tính

Giúp trẻ không thành người thua cuộc xấu tính

Hầu như trẻ nhỏ nào cũng hiếu thắng và sẽ khó chấp nhận khi thua cuộc. Tuy nhiên, để trẻ không trở thành “người thua cuộc xấu tính” bố mẹ cần dạy trẻ nhiều điều đấy!

Trẻ bỏ dở khi có vẻ sắp thua, hoặc trẻ tức giận, la lối, khóc lóc khi người khác thắng… đều chứng tỏ trẻ là những “người thua cuộc xấu tính”. Mà nếu trẻ luôn như vậy thì sẽ chẳng ai muốn chơi với trẻ nữa. Vì vậy, bố mẹ cần giúp trẻ học những kỹ năng để trở thành một người chơi đàng hoàng, tức là trẻ thua cuộc nhưng biết chấp nhận, và biết cư xử lịch sự khi chiến thắng nhé!

Khen ngợi những nỗ lực của trẻ

Nếu bố mẹ khen trẻ vì đã ghi được nhiều bàn thắng hay có điểm kiểm tra cao nhất lớp, trẻ sẽ càng trở nên hiếu thắng. Và trẻ sẽ nghĩ rằng, chiến thắng là quan trọng nhất, quan trọng hơn cả sự tử tế.

Vì vậy, bố mẹ hãy khen ngợi những nỗ lực của trẻ, dù kết quả là thế nào đi nữa. Hãy nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối xử tốt với người khác. Chẳng hạn, thay vì nói: “Con chạy nhanh nhất lớp nhỉ!”, thì bố mẹ nên khen: “Mẹ rất tự hào khi thấy con cổ vũ các bạn khác”.

Giúp trẻ không thành người thua cuộc xấu tính

Làm gương cho trẻ về tinh thần chơi đẹp

Bố mẹ nên thể hiện tinh thần chơi đẹp của mình bằng cách khi thắng cũng không tỏ ra kiêu ngạo, còn khi thua cũng không tức tối. Khi dẫn trẻ đi chơi thể thao hoặc khi xem thể thao trên TV, bố mẹ cũng nên luôn giữ thái độ bình tĩnh, thoải mái. Không tỏ ra hằn học, giận dữ lúc đội thể thao hoặc vận động viên mà mình thích bị thua. Nếu trọng tài phạm sai lầm, bố mẹ cũng không nên la lối mà nên giải thích cho trẻ rằng, đó là một phần của thể thao, và ai cũng có lúc sai sót.

Giúp trẻ hiểu được các cảm xúc khi trẻ thua cuộc

Khi hiểu rõ những cảm xúc của mình (buồn bã, thất vọng, cáu giận…), thì trẻ sẽ ít có thái độ và hành vi tiêu cực hơn. Bố mẹ nên dạy cho trẻ về các cảm xúc, cũng như giúp trẻ tìm cách vượt qua chúng.

Bố mẹ cũng nên nhìn nhận cảm xúc của trẻ, nói rằng bố mẹ biết khi thua cuộc thì chúng ta dễ buồn bã, xấu hổ, thất vọng…, nhưng trẻ có thể lựa chọn cách xử lý những cảm xúc đó.

Dạy trẻ thua cuộc kỹ năng kiểm soát hành động

Bố mẹ hãy nói rõ rằng, việc tức giận (khi thua cuộc) là có thể hiểu được, nhưng những hành động như ném đồ hoặc quát tháo là không thể chấp nhận. Bố mẹ nên tìm hiểu một số kỹ năng kiểm soát cơn giận dữ để dạy cho trẻ, giúp trẻ dần dần biết kiểm soát hành động của mình.

Đừng cố tình để trẻ thắng

Khi chơi với trẻ, nhiều bố mẹ chọn cách để trẻ thắng, nhằm tránh những phản ứng tiêu cực ở trẻ. Tuy nhiên, về lâu dài, cách này chỉ gây ra những hậu quả còn tiêu cực hơn. Bởi càng ngày, trẻ sẽ càng cảm thấy rằng mình không thể thua được. Tốt nhất là bố mẹ cứ để trẻ chơi một cách công bằng. Mỗi lần thua sẽ là một dịp để trẻ luyện tập cách chấp nhận thất bại, không làm một “người thua cuộc xấu tính”.

Phớt lờ cơn giận dữ của trẻ

Nếu trẻ gào khóc, ăn vạ do thua cuộc thì bố mẹ cứ phớt lờ. Lúc đầu, có thể trẻ sẽ càng làm mình làm mẩy, nhưng rồi trẻ sẽ chán khi thấy chẳng ai để ý đến mình. Ngay khi trẻ bình tĩnh lại, thì bố mẹ lại quan tâm, chú ý đến trẻ nhé! Sau vài lần như vậy, trẻ sẽ có hành vi đúng mực hơn.

Giúp trẻ biết cư xử lịch sự khi chiến thắng

Bố mẹ nên dạy trẻ cách hành động tử tế ngay cả khi chiến thắng, ví dụ như bắt tay và động viên đối thủ. Thậm chí, trẻ cũng nên cảm ơn bạn vì đã chơi cùng với mình. Trẻ cần được dạy để biết chú ý đến niềm vui khi chơi, chứ không phải là ai thắng ai thua. Như vậy, trẻ sẽ vui chơi với tinh thần thoải mái hơn, và bạn bè cũng thích chơi cùng trẻ hơn.

Tóm lại, bố mẹ nên thường xuyên chơi cùng trẻ ở nhà, để giúp trẻ rèn luyện các kỹ năng xã hội nhé. Trong mỗi lần chơi, bố mẹ hãy khen ngợi khi trẻ cư xử đúng, và thảo luận về những vấn đề trong hành vi của trẻ. Dần dần, trẻ sẽ học được cách “chơi đẹp” đúng nghĩa thôi.

Xem thêm bài viết:

Nguồn: verywellfamily

Exit mobile version