Site icon Medplus.vn

Lạ miệng, thanh mát với món canh atiso hầm giò heo

Bạn yêu thích Đà Lạt vì thiên nhiên rực rỡ và ẩm thực lôi cuốn? Vậy thì không nên bỏ qua cách nấu canh hoa atiso hầm giò heo – món ăn được xem là đỉnh cao của sự hội tụ giữa ẩm thực và cảnh sắc ngàn hoa của thành phố trên cao nguyên. Canh hoa atiso hầm chân giò không chỉ thơm ngon mà còn cung cấp nhiều chất bổ dưỡng cho gia đình bạn. Cùng tìm hiểu cách chế biến món canh ngay sau đây nhé!

1. Các công dụng của hoa Atiso

Công dụng hoa Atiso

Giúp hạ huyết áp

Một trong những tác dụng mạnh nhất của Atiso là khả năng làm giảm huyết áp. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng, việc uống trà Atiso thường xuyên có tác dụng hiệu quả tương đương với việc sử dụng các loại thuốc giảm huyết áp.

Tăng cường sự miễn dịch, hạn chế các bệnh về xương khớp

Atiso cũng đứng đầu trong các loại hoa quả về hàm lượng Vitamin (A, B1, C, D, E, F…. ), axit amin và các loại vi chất có tác dụng tốt cho cơ thể.

Vitamin C cần thiết để phát triển, sửa chữa các tế bào và mô trong cơ thể, quá trình tổng hợp collagen để có một làn da khỏe mạnh, làm chắc xương và răng.

Cung cấp chất điện giải

Trong atiso có chứa rất nhiều chất điện giải có lợi cho cơ thể (chất điện giải giúp điều hòa lượng chất lỏng trong cơ thể, duy trì cân bằng lượng pH trong máu).

Khi cơ thể làm việc sẽ mất đi chất điện giải như: natri, clorua, canxi, magiê, kali, phốt pho… qua tuyến mồ hôi. Vì vậy, atiso sẽ là nước uống tuyệt vời bổ sung chất điện giải cho cơ thể.

Giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn

Atiso có chức năng chữa trị các vấn đề liên quan tới tiêu hóa thông thường như: trướng bụng, đầy hơi, nhuận tràng, chữa táo bón, lợi tiểu, viêm bàng quan, hạn chế sự tạo sỏi ở đường tiết niệu…

2. Cách nấu canh hoa Atiso hầm giò heo

Canh giò heo hầm bông atiso là món ăn không thể thiếu trong bữa cơm gia đình của người dân xứ sở ngàn hoa. Là vùng đất tuyệt vời để hoa atiso sinh trưởng và phát triển, người dân nơi đây từ lâu đã biết cách sáng tạo nên món canh giò heo hầm atiso bổ dưỡng, biến nó trở thành món đặc sản của ẩm thực Đà Lạt. Atiso không chỉ là loại thảo mộc quý cung cấp vitamin C, kali, các chất chống oxy hóa hỗ trợ phòng ngừa ung thư, loài hoa này còn được các chị em phụ nữ yêu thích nhờ làm nên hương vị thơm ngon và bổ dưỡng.

2.1 Nguyên liệu

Giò heo: 1kg (nên mua giò phía trước cho ngon)

Bông atiso: 3 cái (chọn loại vừa, không chọn những bông quá già hay quá non)

Hành lá, ngò rí: 50gr

Cà rốt: 1 củ

Bắp cải trắng: 1 bông 100gr

Ớt sừng: 3 trái

Gia vị: muối, dầu ăn, hạt nêm, bột ngọt, tiêu, ớt bột, hành khô, tỏi.

Nguyên liệu món canh atison hầm giò heo

2.2 Cách thực hiện

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Hành khô và tỏi các bạn rửa sạch, bóc vỏ, băm nhuyễn. Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, cắt miếng hình tròn dày 0.5cm hoặc tỉa hoa theo sở thích.

Bông cải trắng rửa sạch, tách miếng vừa ăn. Ớt sừng rửa sạch, bỏ cuống, thái lát.

Giò heo làm sạch, cho vào nồi luộc sơ với chút muối, chặt miếng vừa ăn. Khi nước sôi vớt giò heo ra, rửa sạch lại bằng nước lạnh. Ướp giò với 1 thìa hành hỏi băm nhuyễn, 2 thìa hạt nêm, 1 thìa bột ngọt, ½ thìa tiêu, 1 thìa dầu ăn trong vòng 15 phút để chân giò ngấm đều gia vị.

Bước 2: Cách sơ chế hoa atiso

Cắt riêng phần bông và phần cọng của atiso. Phần bông bạn đem rửa sạch, tước hết phần cứng bên ngoài, chẻ làm 4, lấy ra hết phần nhụy bên trong vì nếu để nguyên nhụy nước hầm canh sẽ bị đục và giảm vị ngọt hấp dẫn. Phần cọng tước bỏ xơ, cắt khúc 3cm.

Sơ chế nguyên liệu

Bước 3: Nấu canh

Bắc nồi lên bếp, phi thơm 2 thìa dầu ăn với hành tỏi băm nhuyễn và 1 ít ớt bột để món canh hầm trở nên hấp dẫn hơn. Đổ một lượng nước vừa đủ vào nồi đủ làm ngập các nguyên liệu kể trên.

Cho giò heo vào nồi hầm với lửa lớn đến khi nước hầm sôi, dùng thìa hớt bọt phía trên để nước hầm được trong, sau đó cho bông atiso, cà rốt, bông cải trắng vào hầm cùng. Nêm vào canh 1 thìa muối, 1 thìa hạt nêm, 1 thìa bột ngọt.
Lưu ý: Không nên nêm nước mắm vì sẽ làm canh có hậu vị chua.

Văn nhỏ lửa, hầm cho đến khi chân giò và các nguyên liệu chín mềm. Trong quá trình hầm canh thỉnh thoảng dùng thìa hớt bọt ra ngoài cho nước dùng ngon và ngọt hơn. Nêm nếm lại gia vị lần cuối choa vừa ăn, thêm vào hành lá băm nhỏ và ½ thìa tiêu vào nồi rồi tắt bếp.

Bước 4: Trình bày và thưởng thức

Đổ canh hoa atiso hầm giò heo ra một tô lớn, cho ½ ớt thái lát, ngò rí và một ít tiêu lên trên là bạn có thể thưởng thức món canh này ngay bây giờ.

Trộn phần ớt thái lát còn lại với 3 thìa nước mắm ngon để ăn kèm canh giò heo cho món ăn thêm phần thơm ngon, đậm đà.

Canh atidso hầm giò heo thanh mát, lạ vị

Yêu cầu thành phẩm

Canh giò heo hầm atiso trình bày hấp dẫn, dậy mùi thơm, có vị ngọt đậm đà.

Nước canh màu trong, chân giò và các nguyên liệu hầm chín nhừ, đồng thời ngấm gia vị đậm đà tạo nên hương vị thơm ngon đặc trưng của món ăn.

Món canh hoa atiso nên dùng ngay lúc nóng cùng cơm trắng hoặc bún, mì. Có thể sử dụng trong ngày, chỉ cần hâm nóng lại trước khi dùng.

3. Kết luận

Trải nghiệm cách nấu canh atiso hầm chân giò để cảm nhận hương vị tinh túy đến từ vẻ đẹp thiên của núi rừng Đà Lạt. Hương vị thơm ngon, hấp dẫn của ẩm thực Tây Nguyên chưa bao giờ gần gũi đến thế.

Xem thêm:

Exit mobile version