Site icon Medplus.vn

Hệ tiêu hoá và 10 sự thật thú vị

Hệ tiêu hoá là một hệ thống của cơ thể được dùng để tiêu hoá thức ăn thành các chất dinh dưỡng và năng lượng cho hoạt động sống. Hệ tiêu hoá gồm một số bộ phận khác nhau và có chiều dài tận 9 mét. Đây là một trong những hệ thống phức tạp nhất trong cơ thể con người. Bằng cách hiểu được cách hoạt động của hệ thống này, bạn có thể chăm sóc hệ tiêu hoá tốt hơn và có thể xác định nhanh chóng những vấn đề tiêu hoá có thể xảy ra.

1. Chiều dài

Hệ tiêu hoá có chiều dài khoảng 9m (tính từ miệng đến hậu môn). Hệ tiêu hoá có nhiệm vụ thực hiện chức năng phân huỷ thức ăn thành những chất dinh dưỡng quan trọng có thể hấp thụ được. Thức ăn được phân huỷ một cách cơ học (ví dụ: nhai bằng miệng) và được phân huỷ nhờ các enzyme. Qua đó, nó sẽ được tạo thành dạng phân tử có thể được hấp thụ và di chuyển qua máu.

Hệ tiêu hoá được tạo ra từ các cơ quan sau:

2. Bạn tiết ra nhiều nước bọt

Miệng chúng ta tiết ra khoảng 1 lít nước bọt trong một ngày. Việc tiết nước bọt cũng là bước đầu tiên trong quá trình tiêu hoá (thậm chí xảy ra trước khi thức ăn được đưa vào miệng). Quá trình phân hủy thức ăn được bắt đầu trong miệng của chúng ta thông qua việc nhai và thông qua các enzym có trong nước bọt. Nước bọt vừa có tác dụng giúp thức ăn dễ dàng đi vào thực quản, vừa có tác dụng bao bọc thức ăn để bảo vệ răng, niêm mạc miệng và thực quản của chúng ta.

3. Nuốt thức ăn là một hoạt động khá phức tạp

Thời gian để thức ăn đi xuống thực quản là khoảng 2 đến 5 giây. Sau khi thực hiện hoạt động nhai, thức ăn sẽ được biến thành một khối ẩm ướt được gọi là viên nén. Lúc này, các enzyme sẽ thực hiện chức năng phân giải tinh bột. Sau đó, thức ăn sẽ được chuyển xuống thực quản. Lúc này, các dây thần kinh xung quanh mô thực quản nhận được tín hiệu của viên nén và kích hoạt các nhu động cơ, giúp đưa thức ăn xuống dạ dày.

4. Dạ dày của bạn sản xuất Axit Clohydric

Một trong những ứng dụng thường gặp của Axit clohydric (HCl) là loại bỏ gỉ trên thép. Vậy làm cách nào mà loại axit này có thể tồn tại được trong cơ thể chúng ta? Nguyên nhân là do dạ dày của chúng ta được lót bởi một lớp chất nhầy dày để bảo vệ chúng ta khỏi axit và enzym pepsin mà nó tạo ra.

Chuyển động trộn của dạ dày, cùng với axit và sự phân hủy protein bởi pepsin, biến viên nén thành một chất lỏng sủi bọt được gọi là dịch dưỡng, sau đó được giải phóng từ từ vào ruột non. Quá trình này mất khoảng từ 2 đến 3 giờ.

Ở cấp độ dạ dày, một số thứ có thể được hấp thụ vào máu như rượu, aspirin và thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Trớ trêu thay, đây được xem là những thứ có thể gây kích ứng cho dạ dày.

5. Tuyến tụy và gan không bí ẩn như chúng ta nghĩ

Vai trò chủ yếu của tuyến tuỵ và gan là sản xuất các chất phân huỷ thức ăn. Khi dịch dưỡng đi vào đến ruột non, nó sẽ gặp dịch tiêu hoá do gan và tuyến tuỵ tiết ra. Ngoài ra, gan có nhiệm vụ sản xuất ra mật và chuyển mật vào trong túi mật. Sau đó, mật sẽ được giải phóng vào ruột non để phân hủy chất béo, trong khi tuyến tụy tiết ra các enzym vào ruột non để phân hủy protein, carbohydrate và chất béo. Ngoài ra, tuyến tụy cũng giúp tiết ra một chất gọi là bicarbonate có tác dụng trung hòa bất kỳ axit nào thoát ra khỏi dạ dày.

6. Những hoạt động tiêu hoá xảy ra trong ruột non

Bộ phận này là nơi diễn ra gần như toàn bộ quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng từ thực phẩm mà chúng ta ăn vào. Nó cũng là nơi diễn ra hoạt động quan trọng nhất của quá trình tiêu hoá (phân huỷ thức ăn thành các thành phần phân tử có thẻ được hấp thụ vào máu).

Ruột non có cấu tạo gồm 3 phần: Tá tràng, hỗng tràng và hồi tràng. Ruột non tiếp tục phân hủy thức ăn thành các thành phần phân tử có thể được hấp thụ vào máu. Mật từ túi mật và các enzym tiêu hóa từ tuyến tụy được trộn lẫn vào dịch dưỡng ở tá tràng. Còn hỗng tràng và hồi tràng có nhiệm vụ chính trong việc hấp thụ các chất dinh dưỡng đi vào máu. Ngoài ra, các nhung mao có trong ruột sẽ tạo thành một bề mặt diện tích cực lớn giúp hấp thụ các phân tử và đưa chúng vào máu.

7. Tầm quan trọng của chất xơ

Khi ruột non đã hoàn thành quá trình phân hủy thức ăn và hấp thụ chất dinh dưỡng, nó sẽ đưa những phần thức ăn chưa được tiêu hoá (chất xơ) vào ruột già. Bên cạnh việc làm mềm phân, chất xơ còn có ảnh hưởng đến sức khỏe của vi khuẩn đường ruột (đóng vai trò hỗ trợ hệ miễn dịch). Vì vậy, việc hấp thụ chất xơ là cần thiết cho cả hệ tiêu hóa và sức khỏe tổng quát của cơ thể.

8. Ảnh hưởng của nước đến hình dáng và kết cấu của phân

Mỗi ngày ruột già nhận được khoảng 1 lít chất lỏng từ ruột non. Bên cạnh chất xơ, ruột non còn đẩy chất lỏng vào ruột già, nơi nó được hấp thụ và hình thành phân. Việc uống đủ nước giúp phân mềm hơn và giúp cho việc đi vệ sinh trở nên dễ dàng hơn. Nếu không uống đủ nước, phân sẽ trở nên cứng hơn và việc đi vệ sinh sẽ gặp khó khăn.

Cấu tạo của ruột già được chia thành 3 phần là manh tràng, kết tràng và trực tràng. Mặc dù có sự khác nhau về tần suất, nhưng nhìn chung phân được chuyển vào trực tràng từ 1 đến 2 lần trong ngày nhằm chuẩn bị cho việc đi vệ sinh.

9. Hệ tiêu hoá là một thế giới rộng lớn

Hệ tiêu hoá của mỗi người chứa hơn 500 loại vi khuẩn. Những vi khuẩn này không xuất hiện khi chúng ta được sinh ra. Chúng chỉ được phát triển với một số lượng đáng kể trong tháng đầu tiên và hầu hết chúng được tìm thấy trong ruột già.

Vi khuẩn trong hệ tiêu hoá đóng một vai trò quan trọng đối với sức khoẻ của hệ tiêu hoá. Cụ thể, chúng có tác dụng chống lại các sinh vật mang bệnh, hấp thụ các chất dinh dưỡng đi qua ruột non thông qua quá trình lên men và hỗ trợ hệ miễn dịch của cơ thể.

10. Cơ thể của bạn thực sự có hai bộ não

Một điều thú vị là hệ tiêu hóa có một “bộ não nhỏ” riêng của nó. Cụ thể, quá trình tiêu hóa được điều chỉnh bởi hệ thần kinh ruột (ENS). Hệ thần kinh ruột được tổ chức như một hệ thần kinh độc lập vì nó được tạo thành từ một lượng lớn các tế bào thần kinh và được điều chỉnh bởi những chất dẫn truyền thần kinh (nhất là serotonin) giống như trong não. Đây chính là lý do mà hệ thần kinh ruột được xem như “bộ não thứ hai” của cơ thể.

Bộ não của chúng ta hoạt động một cách chặt chẽ với hệ tiêu hoá. Chẳng hạn như khi bạn nghĩ đến điều gì khiến bạn lo lắng, dạ dày của bạn sẽ bị rung lên hoặc thậm chí gây ra tình trạng tiêu chảy.

Lời kết

Hệ tiêu hoá đóng một vai trò quan trọng trong việc nuôi sống cơ thể. Tuy nhiên, nhiều người lại thờ ơ và phớt lờ nó bằng việc tống nhiều “chất độc” vào trong hệ tiêu hoá và gây ra những tình trạng xấu đến sức khoẻ. Hãy giữ gìn và chăm sóc hệ tiêu hoá bằng những phương pháp như ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước để bạn có thể có một sức khoẻ tốt hơn.

Xem thêm:

Nguồn: 10 Interesting Facts About Your Digestive System

Exit mobile version