Site icon Medplus.vn

Hiện tượng nổi hạch sau tai là gì?

Hiện tượng nổi hạch sau tai là gì?

Khi bị nổi hạch sau tai và đau, nhiều người lo sợ đây là dấu hiệu cảnh báo của ung thư. Tuy nhiên, hạch bạch huyết sưng to và dễ thấy ở các vị trí như cổ, sau tai, nách, bẹn có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

Hãy cùng MedPlus tìm hiểu những nguyên nhân làm hạch bạch huyết sau tai nổi lên gây đau và cách để chăm sóc chúng nhé!

Hiện tượng nổi hạch sau tai là gì?

Hệ thống bạch huyết là một mạng lưới các cơ quan, mạch máu và các hạch bạch huyết (tên gọi đầy đủ của hạch) nằm khắp cơ thể, trong đó nhiều nhất là ở cổ, sau tai, nách và bẹn. Thông thường, các hạch này chìm và không thể sờ thấy bằng tay.

Hệ thống hạch bạch huyết này hoạt động giống như một bộ lọc, giúp bẫy và bắt giữ các tác nhân gây hại cho cơ thể. Do đó, khi có một vấn đề nào đó xảy ra với cơ thể, như nhiễm trùng chẳng hạn, các hạch này bắt đầu “chiến đấu” khiến chúng sưng và gây đau. Bạn có thể quan sát thấy các hạch nổi ở sau tai có kích thước không quá lớn, chỉ khoảng bằng hạt đậu và dễ nhầm lẫn với mụn trứng cá thông thường.

Các nguyên nhân dẫn đến nổi hạch sau tai

Nổi hạch sau tai và đau có thể do nhiều nguyên nhân bệnh lý, nhiễm trùng hay các nguyên nhân hiếm gặp khác. Dưới đây là một số tác nhân gây sưng hạch bạch huyết thường gặp:

1. Nhiễm trùng

Nhiễm trùng đặc biệt là do nhiễm virus như cảm cúm, cảm lạnh, côn trùng cắn hoặc vết thương nhỏ thông thường là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên tình trạng nổi hạch sau tai và đau. Một số nhiễm trùng phổ biến khác có thể kể đến:

  • Viêm họng hạt
  • Nhọt
  • Bệnh sởi, rubella, quai bị, thủy đậu
  • Nhiễm trùng tai
  • Răng bị nhiễm trùng (áp xe)
  • Tăng bạch cầu đơn nhân do virus Epstein – Barr hoặc cytomegalovirus
  • Nhiễm trùng da hoặc vết thương, chẳng hạn như viêm mô tế bào
  • Virus gây suy giảm hệ miễn dịch cơ thể như HIV

Hoặc hạch bạch huyết sưng, đau cũng có thể xuất phát từ các bệnh nhiễm trùng không phổ biến khác như:

  • Bệnh lao.
  • Một số bệnh lây qua đường tình dục như giang mai.
  • Bệnh Lyme.
  • Toxoplasmosis – một bệnh nhiễm ký sinh trùng do tiếp xúc với phân của mèo bị nhiễm bệnh hoặc ăn thịt chưa nấu chín.
  • Sốt do mèo cào.

2. U lành tính (không phải ung thư)

Một số loại khối u phát triển nhưng lành tính và không phải là ung thư cũng có thể biểu hiện triệu chứng sưng ở các hạch bạch huyết trên cơ thể và sau tai.

  • U mỡ: Khối u vô hại, do sự phát triển của mô mỡ.
  • U nang: Sự phát triển của một túi chứa đầy dịch và đôi lúc gây đau.
  • Các vấn đề về tuyến nước bọt, chẳng hạn như viêm, sỏi nước bọt, nhiễm trùng hoặc khối u.
  • Viêm mô mỡ dưới da hoặc sẹo lồi (mô sẹo phát triển quá mức).

3. Chứng phình động mạch hay Hernias

Chứng phình động mạch hay Hernias là những phần phồng lên trong cơ hoặc mạch máu. Những nốt sần này thường phát hiện được khi bạn sờ vào.

4. Sưng do ung thư

Một số bệnh ung thư liên quan đến triệu chứng hạch bạch huyết sưng và đau:

  • Lymphoma – ung thư bắt nguồn từ hệ thống bạch huyết của bạn
  • Bệnh bạch cầu – ung thư mô tạo máu của cơ thể bạn, bao gồm tủy xương và hệ thống bạch huyết của bạn
  • Các bệnh ung thư khác đã lây lan (di căn) đến các hạch bạch huyết

5. Một số nguyên nhân nổi hạch sau tai và đau khác

  • Hiếm gặp trường hợp bị ảnh hưởng do tác dụng phụ của một số thuốc chẳng hạn thuốc chống co giật phenytoin (Dilantin) và thuốc phòng ngừa bệnh sốt rét.
  • Các bệnh lý liên quan đến rối loạn hệ thống miễn dịch: lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp,…

Phương pháp điều trị khi bị nổi hạch sau tai 

Tùy thuộc vào nguyên nhân làm bạn bị nổi hạch sau tai và đau mà bác sĩ sẽ chỉ định điều trị và hướng dẫn chăm sóc vị trí sưng hạch ngay tại nhà.

Chăm sóc bệnh nhân sưng hạch bạch huyết và đau tại nhà

  • Đắp một miếng gạc hay khăn nóng lên hạch sưng sau tai.
  • Uống nhiều nước để tránh mất nước.
  • Uống thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol, ibuprofen, aspirin để làm dịu bớt những cơn đau dữ dội. Chú ý thận trọng khi dùng aspirin cho trẻ em và thanh thiếu niên.
  • Nghỉ ngơi đầy đủ để giúp cơ thể hồi phục nhanh hơn.

Khi nào người bị nổi hạch sau tai nên đến khám bác sĩ?

Nếu bạn bị nổi hạch sau tai và đau sau vài ngày tự chăm sóc tại nhà và phát hiện những triệu chứng sau, bạn cần đến khám bác sĩ ngay để kịp thời can thiệp:

  • Sưng hạch không thuyên giảm sau 2 tuần hoặc chúng tiếp tục lớn hơn.
  • Vị trí hạch nổi lên có màu đỏ và mềm.
  • Các hạch này trở nên cứng, không đều và cố định tại chỗ.
  • Bạn bị sốt hoặc đổ mồ hôi ban đêm hoặc sụt cân không rõ nguyên nhân.
  • Xuất hiện bất kỳ hạch nào có đường kính lớn hơn 1 cm.

Dùng thuốc điều trị nguyên nhân làm sưng hạch bạch huyết

  • Nếu sưng hạch bạch huyết do virus thì bạn không cần điều trị với thuốc mà chúng thường tự hồi phục sau khi cơ thể “đánh thắng” virus.
  • Nếu tác nhân gây sưng đau hạch bạch huyết là do nhiễm vi khuẩn, kháng sinh là phương pháp điều trị phổ biến nhất.
  • Nếu nổi hạch sau tai và đau do rối loạn miễn dịch, chẳng hạn như lupus, bác sĩ sẽ lên kế hoạch điều trị nguyên nhân này tùy vào từng bệnh nhân.
  • Nếu triệu chứng nổi hạch sau tai được xác nhận là ung thư, phẫu thuật, hóa trị hay xạ trị thường là các phương pháp điều trị chính.

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu hơn về chứng nổi hạch sau tai. Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.

Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn: Swollen lymph nodes – Diagnosis and treatment – Mayo Clinic

Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất:

Exit mobile version