Site icon Medplus.vn

Hoài Sơn [Củ Mài] – Từ món ăn dân dã đến vị thuốc phổ biến trong Y Học

hoai son 1 - Medplus

Không chỉ là loại lương thực bổ dưỡng, Hoài Sơn còn là vị thuốc bổ, được sử dụng trong nhiều bài thuốc Đông Y, đặc biệt là các bài thuốc bổ tỳ vị chữa tiêu hóa kém. Bạn hãy cùng Medplus tìm hiểu về công dụng cũng như các bài thuốc tiêu biểu từ loại dược liệu này nhé !

A. Thông tin Dược liệu

Tên thường gọi: Hoài sơn, củ mài

Tên gọi khác: Khoai mài, sơn dược, chính hoài

Tên nước ngoài: Chinese Yam

Tên khoa học: Dioscorea persimilis Prain et Burk.

Họ: Củ nâu (Dioscoreaceae)

1. Đặc điểm Dược Liệu

Cây củ mài là một loại dây leo ở trên mặt đất, có thân củ. Củ có thể dài 1m, đường kính 2- 10cm với nhiều rễ con. Thân cây nhẵn hơi có góc cạnh, ở kẽ lá có những củ con gọi là “thiên hoài” hay “dái củ mài”. Lá đơn, mọc đối hoặc có khi so le, đầu lá nhọn phía cuống hình tim. Phiến lá dài 8-10cm, rộng 6-8cm. Cuống dài 1,5 – 3,5cm. Hoa đực hoa cái khác gốc. Quả khô cổ ba cạnh và có dìa. Mùa hoa vào tháng 7-8. Mùa quả vào tháng 9-11.

2. Phân bố

Mọc hoang ở khắp những vùng rừng núi nước ta. Trước đây, giữa các vụ thu hoạch nhân dân vẫn đi đào củ mài để ăn chống đói. Nhiều nhất tại các tỉnh Hà Bắc, Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.

3. Bộ phận dùng

Người ta thường sử dụng thân rễ củ mài để làm thuốc và gọi với tên là hoài sơn. Bộ phận này được thu hoạch vào mùa đông và đầu xuân khi cây tàn lụi.

4. Chế biến

Sau khi đem củ về rửa sạch, gọt vỏ thì chế biến bằng cách ngâm với nước phèn để loại bỏ chất nhớt (10g phèn chua trong 1 lít nước). Sấy diêm sinh liên tục trong 3 ngày đêm đến khi củ mềm nhũn, lấy ra nhúng nước, rửa sạch rồi phơi cho se lại. Tiếp tục sấy lưu huỳnh 1 ngày đêm cho đến khi củ mềm, phơi đến gần khô lại sấy lưu huỳnh 1 ngày đêm nữa.

5. Bảo quản

Hoài sơn tốt phải có màu trắng bóng, không vàng, chất củ rắn chắc, không xốp, không có vết lỗ chỗ, không bị sâu nhọt. Bảo quản trong hộp kín, để nơi khô ráo, tránh ẩm ướt.

B. Công dụng và cách dùng dược liệu

1. Thành phần dược liệu

Trong hoài sơn chứa chủ yếu là tinh bột. Ngoài ra, còn có mucin (một loại protein nhớt), allantoin, các axit amin như arginin, cholin và enzyme maltase.

Về giá trị dinh dưỡng, trong củ mài có 63,25% tinh bột, 0,45% chất béo, 6,75% chất đạm. Đây là một nguồn dinh dưỡng cao, đứng sau gạo và ngô.

Theo tài liệu Trung Quốc, hoài sơn có chất bột, chất nhầy (axit phytic), cholin, 16 axit amin, các men oxy hóa, vitamin C.

Ngoài ra, trong củ còn có nhiều loại nguyên tố vi lượng, tùy theo vùng đất trồng

2. Công dụng của Dược Liệu

Trong Đông y, hoài sơn có vị ngọt, tính bình, quy vào các kinh phế, tỳ vị và thận. Dược liệu này có tác dụng bổ tỳ, dưỡng vị, sinh tân, ích phế, bổ thận, chỉ khát.

3. Liều dùng

Mỗi ngày thường uống 10–20g, dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột.

C. Các bài thuốc tiêu biểu từ Hoài Sơn

1. Bài thuốc trị các bệnh đường ruột, tiêu hóa kém như bệnh viêm đại tràng, bệnh dạ dày

Nguyên liệu: Hoài sơn 10g, Bạch truật 8g, Trần bì 5g, bạch phục linh 6g
Các nguyên liệu trên cho vào nồi cùng 700ml nước, sắc uống.
Lượng nước sắc chia ra làm 2-3 lần uống trong ngày.

2. Bài thuốc trị di tinh, mộng tinh, thuốc bổ thận

Nguyên liệu: Hoài sơn 10g, Bạch truật 8g, Khiếm thực 10g, Sơn thù du 6g
Các nguyên liệu trên đem sắc cùng 700ml nước
Lượng nước sắc chia ra 3 lần uống trong ngày.

3. Bài thuốc bổ phổi, trị ho

Nguyên liệu: Hoài sơn 10g, củ mạch môn 10g, bách hợp 10g, sa sâm 6g
Các nguyên liệu trên đem sắc, uống hàng ngày

4. Bài thuốc trị tiểu đường

Nguyên liệu: Hoài sơn 15g, thiên hoa phấn 12g, bạch hộc 12g
Các nguyên liệu trên sắc với 1,2 lít nước. Sắc đến khi cạn nước còn 400ml thì dừng sắc, chắt lấy nước chia ra làm 3 lần uống trong ngày.

5. Chữa suy dinh dưỡng trẻ em kèm theo tiêu chảy

Hoài sơn 100g, phòng đảng sâm 50g (hoặc bố chính sâm 50g), ý dĩ 100g, bạch truật 50g, mạch nha 100g, hạt cau 25g, vỏ quýt 25g. Tất cả sao vàng, tán thành bột mịn, trộn đều, mỗi ngày ăn 16–20g bột.

Những lưu ý khi sử dụng hoài sơn

Lời kết

Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về Hoài Sơn cũng như một số tác dụng hay về loại dược liệu này!

Lưu ý

  1. Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
  2. Người bệnh không tự ý áp dụng
  3. Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng
Nguồn: tracuuduoclieu.vn , tham khảo
Sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam

 

Exit mobile version