Tuyến tụy là một cơ quan nhỏ, nằm phía sau dạ dày, bên cạnh ruột non. Tuyến tụy hỗ trợ quá trình tiêu hóa bằng cách giải phóng enzyme tiêu hóa (dịch tụy) vào ruột non. Ngoài ra còn giải phóng hormone insulin và glucagon để kiểm soát tiêu hóa, chuyển hóa thực phẩm thành năng lượng và điều hòa đường huyết trong cơ thể.
Viêm tụy cấp là gì?
Viêm tụy cấp là một tiến trình tự hủy mô do chính men tụy gây ra. Các men tụy được tiết ra dưới dạng không hoạt động và chỉ được hoạt hóa ở tá tràng. Nhưng do một nguyên nhân nào đó làm tăng nhạy cảm đáp ứng của tế bào nang tuyến tụy với acid, cholecystokinin, acetylcholine, các men này bị hoạt hóa trong chính lòng ống tụy chuyển thành dạng hoạt động gây phá hủy các mô tụy mà dẫn đến tình trạng tuyến tụy bị viêm nhiễm.
Viêm tụy cấp có nguy hiểm không?
Nếu không được chữa trị kịp thời, dịch tuyến tụy tiết ra có thể khiến các mô trong ổ bụng bị tổn thương nghiêm trọng và nhiễm trùng. Trường hợp nghiêm trọng hơn, các tổ chức của những cơ quan lân cận cũng có thể bị tổn thương. Một số trường hợp tiến triển nặng sẽ dẫn đến việc các mô tụy bị hoại tử và tụy bị hỏng hoàn toàn.
Nguyên nhân của bệnh Viêm tụy cấp
Đa số các trường hợp, nguyên nhân gây bệnh là do:
- Sỏi mật: do sỏi gây tắc nghẽn ở ống dẫn chung hoặc cơ vòng Oddi, khiến các men tụy bị giữ lại, phá hủy cấu trúc tuyến tụy.
- Rượu: sử dụng quá nhiều rượu là một trong những lý do chính gây ra viêm tụy cấp. Những người nghiện rượu có khả năng bị viêm tụy cấp cao hơn người bình thường.
- Thuốc và virus: nhiều loại thuốc có thể gây kích ứng tuyến tụy và một số loại virus có thể gây viêm nhiễm tuyến tụy, thường tồn tại trong thời gian ngắn.
- Rối loạn chuyển hóa: nồng độ canxi trong máu cao, tăng triglycerid trong máu,…
- Chấn thương vùng tụy: va đập, phẫu thuật,…
- Viêm tụy cấp do bệnh viêm mạn tính
Ngoài ra, có khoảng 10% các ca bệnh viêm tụy cấp không xác định rõ nguyên nhân.
Những triệu chứng của bệnh Viêm tụy cấp là gì?
Đau bụng
Đau bụng dai dẳng là triệu chứng thường gặp nhất. Cơn đau bắt đầu từ phần bụng trên (đau bụng thượng vị), có thể lan ra ngực và lưng. Cơn đau kéo dài trong vài ngày với cường độ không ổn định. Đặc biệt là sau khi ăn thực phẩm giàu chất béo, cơn đau có xu hướng trầm trọng hơn và dễ bị nhầm lẫn với đau dạ dày.
Buồn nôn và nôn mửa
Thường xảy ra sau triệu chứng đau bụng. Dễ nhận thấy nhất là nôn ra dịch dạ dày, dịch mật. Trường hợp nặng hơn sẽ nôn ra dịch máu loãng. Khác với viêm dạ dày cấp, sau khi nôn vẫn sẽ không hết hoặc giảm đau bụng.
Chướng bụng và bí trung đại tiện
Triệu chứng này là biểu hiện thường gặp của viêm tụy cấp thể hoại tử nặng. Một số trường hợp khác sẽ đi ngoài nhiều lần, phân lỏng.
Một số triệu chứng khác kèm theo
Tụt huyết áp, thiểu niệu hoặc vô niệu, rối loạn ý thức, sốt, nhịp tim tăng nhanh,…
Điều trị bệnh Viêm tụy cấp như thế nào?
Tùy theo nguyên nhân của bệnh mà bác sĩ sẽ lựa chọn ra phương án phù hợp.
Điều trị bảo tồn bằng thuốc
Với trường hợp nhẹ, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng cách truyền dung dịch điện giải (kali hay canxi) qua đường tĩnh mạch. Kèm theo đó là sử dụng thuốc giảm đau giúp bệnh nhân kiểm soát cơn đau do bệnh gây ra.
Phẫu thuật túi mật, sỏi mật
Nếu là do sỏi mật, bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật để lấy sỏi ra. Cắt bỏ túi mật hoặc phẫu thuật ống mật cũng là cách giúp tuyến tụy phục hồi lại bình thường.
Phẫu thuật tuyến tụy
Phẫu thuật sẽ được thực hiện nếu có hiện tượng nhiễm trùng, u nang hay xuất huyết. Một số trường hợp tiến triển nặng sẽ dẫn đến việc các mô tụy bị hoại tử và tụy bị hỏng hoàn toàn.
Xem thêm bài viết: 6 dấu hiệu cho thấy bạn mắc bệnh tim mạch
Nguồn tham khảo: NHS.uk
Đừng quên ghé MedPlus mỗi ngày để cập nhật thêm nhiều tin tức tổng hợp nhé!