Theo Đông y, Nhung Hươu, Nai: có tác dụng bổ dưỡng, sinh tinh, ích huyết, mạnh gân xương, làm lành vết thương. Huyết Hươu, Nai: Có tác dụng bổ, tráng dương, chỉ huyết, giải độc. Cùng MedPlus tìm hiểu kỹ về công dụng và bài thuốc hay nhé !

Thông tin cơ bản
1. Thông tin khoa học:
- Tên Tiếng Việt: Hươu Nai
- Tên khoa học: Cervus nippon Temminck – Con hươu; Cervus unicolor Cuv. – Con nai.
- Họ: họ Hươu (Cervidae).
2. Mô tả
- Hươu: Cỡ trung bình trọng lượng cơ thể 60 – 80kg. Lông ngắn, mịn, màu vàng hung, có 6 – 8 hàng chấm trắng như sao dọc 2 bên thân. Con đực có sừng 2 – 4 nhánh, nhỏ hơn sừng nai.
- Nai: là loài lớn nhất trong họ hươu nai Cervidae, nặng 150 – 200 kg, dài thân 1.800 – 2.000mm. Bộ lông dày, sợi lông nhỏ, dài, nâu ở hông và mông, xám hay xám đen ở lưng và ngực, trắng bẩn ở bụng và mặt trong các chi. Nai đực có sừng (gạc) ba nhánh. Nhánh thứ nhất tạo với nhánh chính một góc nhọn lớn. Sừng to, thô, nhiều nhánh và nhiều đốt sần.
3. Phân bố, thu hái và chế biến
Phân bố
- Nai: Thế giới Nai phân bố ở các nơi: Đông nam Á, Trung Quốc, Assam, Nêpan, ấn Độ, Xây Lan, Mianma, Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaixia, Xumatra, Java, Borneo, Philippines. Ở Việt Nam: trước đây Nai gặp khắp các tỉnh có rừng, hiện nay chỉ còn dọc theo biên giới phía Tây, từ Tây bắc đến Đông nam bộ.
- Hươu sao, hươu vàng, nai và nai cà tông đều phân bố ở các nước thuộc châu Á; trong đó, hươu sao có diện phân bố hẹp và số lượng cá thể ít hơn. ở Việt Nam, hươu sao đã trở nên hiếm gặp và từ lâu đã được thuần dưỡng lẻ tẻ trong phạm vi gia đình ở tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, ở Vườn quốc gia Cúc Phương, vườn thú Hà Nội và Thảo cầm viên thành phố Hồ Chí Minh. Nai mới được phát triển gần đây ở Phú Yên, Đồng Nai
Thu hoạch
- Hàng năm vào cuối mùa hạ, sừng hươu, nai sẽ rụng đi, mùa xuân năm sau sẽ mọc lại. Mặt ngoài sừng thường có chứa nhiều lông tơ màu nâu nhạt, bên trong chứa nhiều mạch máu.
- Mùa nhung của hươu, nai vào tháng 2 – 3. Người ta thường đi săn vào mùa này để lấy được Lộc nhung chất lượng cao. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng nhung hiện tại tăng cao do đó một số nơi ở nước ta như Nghệ An, Hà Tĩnh đã nuôi nhốt Hươu, nai để cưa sừng tiêu thụ.
Bộ phận dùng
- Sừng ở các giai đoạn khác nhau: Lộc nhung (Mê nhung) – sừng non của con Hươu, Nai; Lộc giác (gạc) – sừng già; Lộc giác giao = Cao ban long – Cao nấu từ gạc.
Chế biến
- Khi cưa nhung hươu, nai cần cưa từ chỗ cách đáy nhung 3 – 4 cm. Máu chảy ra có thể được hứng và cho vào rượu uống để tăng cường sinh lý. Muốn hãm cho máu không chảy nữa thì dùng mực tà trộn với than gỗ sau đó bôi vào chỗ cưa. Sau đó dùng vải băng lại để tránh côn trùng.
Công dụng và tác dụng chính
A. Thành phần hoá học
- Trong thịt hươu, nai có 19% protid, 2% lipid, 10,8mg% Ca, 200,9mg% P 33mg% Mg, 2,7mg% Fe, 4,8mg% Zn, 0,44mg% Cu, các vitamin B1 0,26mg%, vitamin B2 0,6mg%, vitamin PP 5,lmg% (Viện Dinh dưỡng).
- Nhung và gạc hươu, nai chứa 52,5% protiđ, 2,5% lipid, chất keo (keratin), muối khoáng 34% gồm Ca và amoni dưới dạng phosphat, carbonat, Fe, Mg, chất đạm và một chất nội tiết tố (hormon) gọi là lộc nhung tinh.
B. Tác dụng dược lý
- Tác dụng làm cường tráng, giảm mệt mỏi, nâng cao sự tập trung, cải thiện giấc ngủ, tăng sự thèm ăn, cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng và rối loạn chuyển hóa đạm.
- Làm tăng lưu lượng máu ở động mạch vành qua tim, giúp tim co bóp mạnh hơn, cường tim, giúp tim đập chậm lại.
- Tăng cường hệ thống miễn dịch, tăng số lượng hồng huyết cầu, huyết sắc tố và tăng sinh tế bào hồng cầu, tăng bạch cầu.
- Tác dụng chống lở loét.
- Kích tố sinh sinh làm tăng nhanh về cân nặng và chiều cao.
- Tăng sự hồi phục các xương gãy và giúp vết thương hở nhanh lành.
C. Công dụng, tính vị và liều dùng
Tính vị
- Nhung hươu, nai: vị ngọt, mặn, tính ấm, không độc, vào 3 kinh thận, can, tâm.
- Cao ban long có vị ngọt, mặn, tính ấm.
- Lộc giác sương có vị mặn, hơi dính lưỡi, mùi vôi, tính ôn.
- Huyết hươu, nai có vị mặn, tính ấm, không độc.
- Quy Kinh
- Vào kinh Tỳ, Vị, Thận
Công năng
- Nhung Hươu, Nai: có tác dụng bổ dưỡng, sinh tinh, ích huyết, mạnh gân xương, làm lành vết thương.
- Cao ban long: Có tác dụng bổ trung, ích khí, chỉ huyết, hoạt huyết, giảm đau.
- Lộc giác sương: Có tác dụng bổ dưỡng, trợ dương, ích tinh
- Huyết Hươu, Nai: Có tác dụng bổ, tráng dương, chỉ huyết, giải độc.
Công Dụng
- Thuốc bổ, chữa mệt mỏi, làm việc quá sức, huyết áp thấp…
- Lộc nhung: Chữa đau lưng mỏi gối, váng đầu, ù tai, mờ mắt, chữa lở loét, sưng đau do ứ huyết, nhọt độc.
- Cao ban long: Dùng trong trường hợp thiếu máu, chảy máu, rong kinh, ho ra máu, nôn ra máu.
- Lộc giác sương: Chữa huyết hư, cơ thể suy nhược, gầy yếu, bạch đới.
- Huyết Hươu, Nai: Hứng được khi cưa nhung dùng uống ngay chữa ngộ độc thức ăn và thuốc; nếu pha vào rượu uống chữa liệt dương, đau bụng, đau lưng, mẩn ngứa.
Lưu ý sử dụng:
- Nhung hươu là dược liệu quý hiếm và có nhiều công dụng đối với sức khỏe. Theo Đông y Lộc nhung vị ngọt, tính ôn có tác dụng bồi bổ khí huyết, điều hòa cơ thể. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, tác dụng của dược liệu, đặc biệt là tác dụng đối với sinh lý nam giới vẫn chưa rõ ràng. Vì vậy trước khi sử dụng cần trao đổi với người có chuyên môn để được hướng dẫn cụ thể.
Liều dùng
- Lộc nhung ngày 4 -12g, làm thành bột uống với nước hay nước gừng
- Lộc giác đốt thành than hoà dấm bôi vào nhọt độc sau lưng, ở vú và các nơi khác.
- Lộc giác đốt tồn tính, tán bột uống chữa gân xương đau nhức.
- Cao ban long: Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 0,3-1g, có thể dùng dạng cao ngâm rượu.
Bài thuốc sử dụng

1. Chữa liệt dương, xuất tinh sớm, tiểu lắt nhắt, thai khó đậu, tứ chi lạnh, thắt lưng đau, gối mỏi:
Nhung hươu 40 g (thái mỏng, giã nát), hoài sơn 40 g (giã nát). Cho vào túi vải, ngâm với 1 lít rượu trong 7 ngày, uống 10-20 ml/ngày. Khi hết rượu lấy bã tán mịn, vò viên uống.
2. Chữa tinh huyết khô kiệt, tai điếc, miệng khát, đau lưng, tiểu như nước vo gạo:
Nhung hươu 40 g, đương qui 40 g, cả 2 sao khô, tán bột. Lấy thịt ô mai nấu thành cao trộn với bột trên, vo viên bằng hạt bắp, người lớn uống 50 viên/ngày, chia thành 2-3 lần, uống với nước cơm còn ấm.
3. Chữa trẻ em chậm lớn, còi xương, suy dinh dưỡng:
Bột nhung 0,5 g x 2 lần/ngày.
Giúp kéo dài tuổi thọ (dùng thường xuyên và đúng chỉ định): Bột nhung 0,3-1 g x 2-3 lần/ngày.
4. Thuốc bổ dùng cho người cao tuổi đang trong thể trạng suy yếu:
Cao ban long và long nhãn, mỗi thứ 50g. Long nhãn cắt nhỏ, sắc với nước rồi cho cao ban long đã thái mỏng vào. Đun tiếp và khuấy đều cho tan cao. Để nguội, uống mỗi lần 10g vào sáng sớm và trước khi đi ngủ. (Cao “nhị long ẩm”, thuốc bổ cổ điển của Hải Thượng Lãn Ông).
5. Thuốc cho người lao lực, mệt mỏi, mới ốm khỏi, ra mồ hôi trộm, phụ nữ sau khi đẻ:
Cao ban long 0,02g, cao ngũ gia bì chân chim 0,05g, mật ong 0,02g, triphosphat calci 0,07g, cho một viên. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 3-4 viên đối với người lớn; 2-3 viên cho trẻ em tùy tuổi (viên tăng lực của xí nghiệp dược phẩm).
6. Chữa nôn ra máu, thổ huyết, dạ dày và ruột chảy máu, tử cung xuất huyết, kinh nguyệt nhiều:
Cao ban long 4g, bồ hoàng (phấn hoa cỏ nến) 5g, cam thảo 5g. Tất cả sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.
7. Chữa trẻ em còi xương, gầy yếu, ăn kém tiêu:
Lộc giác sương 10g (sao với Gừng), Đậu nành 20g (sao thơm), hạt Sen 10g, hạt Bí đỏ 10g, vỏ Quýt 5g. Tất cả tán nhỏ, rây bột mịn. Ngày uống 3-4 lần, mỗi lần 10g. Có thể làm viêm với mật ong (Kinh nghiệm của ông Nguyễn Văn Rừng-Đắk Lắk)
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về một số tác dụng hay về loại dược liệu này!
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
- Người bệnh không tự ý áp dụng
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng
Nguồn: tracuuduoclieu.vn tham khảo Sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam