Site icon Medplus.vn

Huyết áp thấp ăn gì và tránh gì?

Vẫn biết triệu chứng huyết áp thấp thường không khó để phát hiện, tuy nhiên rất nhiều người lại gặp khó khăn trong điều trị dẫn đến tâm lý buồn phiền, chán nản. Trên thực tế, chế độ ăn uống không khoa học khiến bệnh ngày một nghiêm trọng và khó kiểm soát hơn. Vậy bệnh huyết áp thấp nên ăn uống gì để cải thiện tốt hơn các triệu chứng và giúp đạt mức huyết áp an toàn? Cùng Medplus thông qua bài viết dưới đây để tìm hiểu nhé.

1. Huyết áp thấp là gì? Huyết áp bao nhiêu là thấp?

Huyết áp thấp là khi áp lực của dòng máu tác động lên thành động mạch giảm xuống thấp hơn mức bình thường. Huyết áp của một người bình thường dao động xung quanh mức 120/80 mmHg, khi giá trị này nhỏ hơn 90/60 mmHg hoặc dưới 120/80 mmHg nhưng có kèm theo các triệu chứng liên quan đến bệnh như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt,.. thì được xác định là huyết áp thấp.

Huyết áp thấp

2. Các triệu chứng huyết áp thấp cần lưu tâm

Dấu hiệu của huyết áp thấp có thể không giống nhau ở tất cả mọi người bởi sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng sức khỏe, tuổi tác,… Dưới đây là một số triệu chứng cảnh báo bệnh phổ biến:

– Đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, choáng váng,…, nhất là khi thay đổi tư thế nhanh do não không được cung cấp đủ oxy, thiếu dinh dưỡng để hoạt động. Tình trạng này còn được gọi là hạ huyết áp thế đứng hay hạ huyết áp tư thế.

– Mệt mỏi kéo dài: do máu không cung cấp đầy đủ đến các cơ quan để duy trì hoạt động bình thường.

– Giấc ngủ không ổn định, trằn trọc vào ban đêm nhưng hay ngủ gà ngủ gật, ngáp ngủ vào ban ngày.

– Mắt nhìn mờ, kém tập trung, dễ nhầm lẫn, tâm lý thất thường, dễ nổi cáu.

– Da xanh xao, nhợt nhạt, môi tím tái, hay sợ lạnh, tay chân tê buốt nhức mỏi.

– Nhịp thở nhanh nông, mạch nhanh không ổn định, toát mồ hôi lạnh không liên quan đến thời tiết, ngất xỉu hoặc mất ý thức khi hạ huyết áp đột ngột.

Biểu hiện của huyết áp thấp

3. Huyết áp thấp nên ăn uống gì?

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng giúp cung cấp năng lượng, tăng cường sức khỏe và cải thiện các triệu chứng do huyết áp thấp. Dưới đây là những chú ý trong ăn uống hàng ngày đối với người bị huyết áp thấp:

3.1 Nên ăn nhiều thực phẩm giàu sắt, vitamin B12 và acid folic

Nên ăn nhiều thực phẩm giàu sắt, vitamin B12 và acid folic

Sắt, vitamin B12, acid folic là ba tiền chất quan trọng trong quá trình tạo máu, tham gia hình thành tế bào hồng cầu ở tủy xương, việc thiếu hụt các thành phần này có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu hoặc chất lượng máu giảm sút khiến cơ thể suy nhược, mệt mỏi và đây cũng là một nguyên nhân gây huyết áp thấp thường gặp.

Do vậy, người bệnh nên tăng cường bổ sung các chất này trong một số thực phẩm như: hàu, trai, ngao, sò, cá thu, cá mòi, cá hồi, gan động vật, thịt bò, thịt gà, trứng, sữa, ngũ cốc nguyên hạt, các loại rau có màu xanh đậm, trái cây tươi,…

3.2 Nên ăn mặn hơn bình thường

Natri trong muối ăn có khả năng giữ nước để tăng lưu lượng tuần hoàn, từ đó giúp tăng huyết áp. Bác sĩ thường khuyên người bệnh huyết áp thấp nên ăn mặn hơn bình thường một chút nhưng không quá 10 – 15 mg muối/ngày. Nếu chưa quen ăn mặn có thể ăn một số sản phẩm như cháo đóng hộp, thịt hun khói, phô mai, dầu oliu…

Tuy nhiên với những người có bệnh về tim mạch hoặc bệnh thận thì không nên áp dụng phương pháp này.

3.3 Ăn nhiều hoa quả, rau củ tốt cho bệnh huyết áp thấp

Rau củ quả là nguồn cung cấp nhiều loại vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể, giúp tăng cường miễn dịch và nâng cao sức khỏe để đối phó hiệu quả với tình trạng mệt mỏi, chán ăn do huyết áp thấp. Bởi vậy, người bệnh nên ăn những thực phẩm như dưa chuột, bí xanh, bắp cải, táo, lê, đu đủ, dứa,… Đặc biệt, các loại rau củ quả giàu vitamin C như cam, chanh, bưởi, xoài… giúp hấp thu sắt tốt hơn. Nho khô và hạt hạnh nhân cũng tốt cho tuyến thượng thận, giúp điều hòa huyết áp.

Nên ăn nhiều hoa quả

3.4 Nên uống nhiều nước để cân bằng huyết áp

Các chuyên gia khuyến cáo người bệnh huyết áp thấp nên uống tối thiểu 2 lít nước/ngày (tương đương khoảng 10 cốc) để duy trì thể tích máu, ổn định huyết áp. Với những người thường xuyên lao động nặng, làm việc trong điều kiện thời tiết nóng bức, tập luyện thể dục, hoạt động ngoài trời, bị tiêu chảy, nôn mửa,… nên chú ý bổ sung nước thường xuyên để tránh mất nước quá mức gây hạ huyết áp đột ngột.

3.5 Trà cam thảo, trà húng quế tốt cho người bị huyết áp thấp

– Trà cam thảo: Theo tạp chí Y khoa Anh, hoạt chất glycyrrhizinic có trong cam thảo làm tăng nồng độ của aldosterone gây co mạch, tăng giữ natri và nước để nâng chỉ số huyết áp.

– Trà húng quế: Lá húng quế rất giàu kali, magiê và vitamin C giúp điều hòa huyết áp tốt, bởi vậy hãy dùng một tách trà húng quế mỗi ngày.

3.6 Thực phẩm chứa cafein làm tăng huyết áp tạm thời

Thành phần caffein có trong cà phê, trà, ca cao, socola,.. có tác dụng kích thích hệ thống tim mạch, tăng nhịp tim, nhờ đó giúp tăng huyết áp tạm thời tuy nhiên không nên quá lạm dụng, chỉ tiêu thụ một lượng nhỏ vừa phải.

Thực phẩm chứa cafein làm tăng huyết áp tạm thời

4. Những thực phẩm, đồ uống mà người bệnh huyết áp thấp nên tránh

4.1 Đồ uống có cồn

Rượu, bia có thể gây mất nước, dẫn đến tụt huyết áp đột ngột, bởi vậy cần tránh sử dụng.

4.2 Thực phẩm giàu carbonhydrat

Một số loại thực phẩm như gạo trắng, bánh mì, mì ống, khoai tây,… giàu carbonhydrat được cơ thể tiêu hóa nhanh nên dễ gây hạ huyết áp.

4.3 Đồ ăn chứa nhiều chất béo bão hòa

Thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, mỡ động vật,… khiến hệ tiêu hóa phải làm việc vất vả hơn và tiêu tốn nhiều năng lượng hơn.

Đồ ăn chứa nhiều chất béo bão hòa

4.4 Sữa ong chúa

Một số chất trong sữa ong chúa có thể gây giãn mạch làm giảm huyết áp, nên đây không phải là lựa chọn thích hợp cho người bệnh huyết áp thấp.

5. Kết luận

Hi vọng bạn và người thân đã tìm được cho mình câu trả lời: “Huyết áp thấp nên ăn uống gì?” thông qua bài viết trên. Chắc chắn rằng một chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học kết hợp sử dụng các sản phẩm hỗ trợ sẽ giúp cải thiện tình trạng huyết áp thấp để bạn vui khỏe mỗi ngày.

Xem thêm:

Nguồn: Tuthuyettap.com

Exit mobile version