Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có cơ thể vô cùng nhạy cảm thế nên khi cho con đi chơi, bố mẹ cần chú ý bảo vệ trẻ khỏi ánh nắng mặt trời nhé!
Các biện pháp bảo vệ trẻ khỏi ánh nắng
Có rất nhiều biện pháp để bảo vệ trẻ khỏi ánh nắng mặt trời, cụ thể:
Hạn chế cho trẻ chơi dưới nắng
Cách tốt nhất để bảo vệ làn da nhạy cảm của trẻ khỏi tác động tiêu cực từ ánh mặt trời chính là hạn chế tối đa việc cho trẻ phơi da dưới nắng trực tiếp. Bố mẹ có thể cho trẻ chơi trong bóng râm như ở dưới tán cây lớn, sử dụng ô dù để tạo bóng râm hoặc ở trong lều tránh nắng. Bằng cách này bố mẹ vừa có thể bảo vệ làn da vừa đảm bảo được sức khỏe của bé, để con chơi dưới bóng râm sẽ mát mẻ hơn, tránh được nguy cơ say nắng, sốc nhiệt. Đồng thời, bố mẹ cũng nên tránh cho trẻ ra ngoài trời nắng vào khoảng thời gian giữa ngày (khoảng từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều) vì đây là thời điểm nắng gắt và vô cùng nóng nực.
Sử dụng các loại trang phục, phụ kiện che nắng cho trẻ
Bố mẹ nên cho trẻ mặc quần áo dài với chất liệu mỏng nhẹ, đường dệt dày kín, thoáng mát và thấm hút mồ hôi tốt như chất vải cotton.
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên sắm cho trẻ những chiếc mũ rộng vành để có thể che khuôn mặt, tai và cổ của trẻ khỏi ánh nắng trực tiếp. Hãy chọn lựa loại mũ có quai đeo để đảm bảo mũ luôn được đeo cố định trên đầu bé nhé!
Cho trẻ đeo kính râm chống tia UV
Tương tự như làn da, đôi mắt của trẻ cũng vô cùng nhạy cảm và ánh sáng chói lóa của ánh mắt trời có thể làm tổn thương thị lực của bé. Thế nên bố mẹ nên bảo vệ cửa sổ tâm hồn của con bằng cách cho con đeo kính râm.
Kính râm cho trẻ em không nhất thiết phải là sản phẩm từ những nhãn hiệu thời trang đắt đỏ, nhưng nhất định phải là một cặp kính có chất lượng tốt. Khi mua kính cho trẻ, bố mẹ cần chú ý các thông số sau để có thể chọn được một cặp kính râm chất lượng tốt, cụ thể:
- Có biểu tượng chứng nhận kiểm định chất lượng của Châu Âu – biểu tượng CE và BSEN 1836:2005;
- Nhãn UV400 – khẳng định khả năng bảo vệ mắt khỏi 100% tia UV;
- Kính có dây đeo cao su mềm, có thể tùy chỉnh độ rộng để giúp trẻ đeo chắc trên khuôn mặt.
Sử dụng kem chống nắng cho trẻ
Khi bố mẹ cho trẻ ra ngoài chơi hoặc đi dã ngoại vào ngày trời nắng nóng, bố mẹ nên chuẩn bị lều hoặc ô che nắng, đồng thời luôn chú ý kiểm tra thường xuyên để đảm bảo trẻ luôn ở dưới bóng râm và điều chỉnh vật dụng che nắng nếu cần thiết.
Tuy nhiên, để chống nắng triệt để cho trẻ, thoa kem chống nắng là việc làm không thể thiếu.
Khi bé được 6 tháng tuổi trở lên, bố mẹ hoàn toàn có thể sử dụng các loại kem chống nắng dạng sữa hoặc dạng xịt với công thức dành riêng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Để sử dụng kem chống nắng cho trẻ đúng cách, bố mẹ cần lưu ý một số vấn đề dưới đây:
- Kem chống nắng chỉ được sử dụng cho trẻ trên 6 tháng tuổi để tránh gây kích ứng làn da non nớt của trẻ. Trẻ dưới 6 tháng cần tránh ánh nắng trực tiếp hoàn toàn
- Bố mẹ nên chọn kem chống nắng có chỉ số SPF 15 trở lên và có ký hiệu Broad-spectrum (chống nắng phổ rộng), có nghĩa là loại kem này có thể bảo vệ da trẻ khỏi cả 2 loại tia UVA và UVB
- Thoa đều kem chống nắng lên toàn bộ các phần da hở, không được che chắn bởi quần áo và mũ nón. Khi thoa kem cho trẻ, bố mẹ nên vỗ nhẹ để kem thẩm thấu vào da chứ không nên xoa, miết kem vì có thể gây lực tác động quá mạnh lên da của trẻ
- Nên thoa kem chống nắng cho bé ít nhất 15 phút trước khi ra ngoài trời nắng và thoa lại sau 3-5 giờ tùy theo chỉ số SPF ghi trên nhãn sản phẩm. Nếu trẻ có hoạt động dưới nước hoặc đổ nhiều mồ hôi thì bố mẹ nên thoa lại kem chống nắng sau 60-80 phút (tùy theo khả năng kháng nước của loại kem chống nắng đó)
- Kiểm tra kỹ thành phần của kem chống nắng trước khi mua và sử dụng lên da của trẻ, đặc biệt là những trẻ có làn da siêu nhạy cảm hoặc mắc bệnh chàm da eczema để tránh phản ứng kích ứng và dị ứng
- Thử 1 chấm nhỏ của sản phẩm lên vùng da nhỏ của bé trước khi dùng lên toàn bộ cơ thể, nếu da trẻ có mẩn đỏ thì bố mẹ nên ngưng sử dụng kem ngay lập tức và tìm kiếm kem có công thức không chứa thành phần gây dị ứng
Làm gì khi da trẻ bị cháy nắng?
Làn da của trẻ rất nhạy cảm thế nên dù bố mẹ có che chắn cho bé tốt tới đâu, vẫn sẽ có trường hợp trẻ bị cháy nắng. Cháy nắng không có biểu hiện rõ rệt ngay lập tức mà phải một vài giờ đồng hồ sau da trẻ mới chuyển sang màu đỏ và có thể gây đau đớn cho trẻ.
Nếu trẻ bị cháy nắng, bố mẹ nên làm theo các bước sau đây:
- Ngâm một chiếc khăn mềm vào nước mát, vắt khô và nhẹ nhàng đắp lên vùng da bị ửng đỏ do cháy nắng của bé trong khoảng từ 10 đến 15 phút, lặp lại vài lần trong ngày để có hiệu quả tốt nhất
- Tắm cho bé bằng nước ấm để giảm nhiệt trên da bé và giảm vết ửng đỏ
- Sử dụng kem dưỡng ẩm dành riêng cho làn da nhạy cảm của trẻ nhỏ để làm mềm dịu da
- Đối với trẻ sơ sinh, mẹ nên cho trẻ bú thêm một chút, còn với trẻ lớn hơn mẹ có thể cho con uống chút nước mát để làm mát và bù lượng nước bị hao hụt (do trẻ tiết nhiều mồ hôi) trong cơ thể.
Nếu da trẻ có dấu hiệu bị cháy nắng nghiêm trọng, sưng và phồng rộp thì bố mẹ nên nhanh chóng cho trẻ đi khám để có cách điều trị tốt nhất, tránh kéo dài sự đau đớn cho trẻ.
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily