Site icon Medplus.vn

Làm thế nào để ngủ bù khi bị thiếu ngủ ?

Làm thế nào để ngủ bù khi bị thiếu ngủ ?

Công việc bận rộn và con cái còn nhỏ thường khiến bạn không ngủ đủ giấc vì phải thu xếp quá nhiều thứ cùng một lúc. Nếu bạn không ngủ bù khi thiếu ngủ thì chẳng những sức khỏe giảm sút mà công việc cũng khó đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Khi thiếu ngủ, bạn sẽ có những biểu hiện rõ rệt như cảm thấy mệt mỏi, lờ đờ, yếu đuối… Những lúc như vậy, điều bạn mong muốn nhất là được ngủ thật nhiều! Vì thế, hãy cùng MedPlus tìm hiểu xem lợi ích của giấc ngủ và bạn có nên ngủ bù khi thiếu ngủ không nhé!

Lợi ích của giấc ngủ đối với sức khỏe

Thói quen ngủ đủ giấc có lợi ích giúp cải thiện khả năng học tập và tăng cường trí nhớ. Sau một đêm ngủ ngon, bạn sẽ có thể làm việc nhanh nhẹn và hiệu quả hơn vì bộ não đã được nghỉ ngơi. Nếu hoàn thành tốt công việc vào ban ngày, bạn sẽ có điều kiện đi ngủ sớm và ngủ đủ giấc vào đêm hôm sau.

Thói quen ngủ đủ giấc còn có lợi ích giúp cơ thể khỏe mạnh, tim mạch hoạt động tốt và ngăn ngừa tăng huyết áp, đường huyết và chán ăn. Trong giấc ngủ, cơ thể tiết ra các hormone tăng trưởng, hàn gắn tổn thương tế bào, mô, cải thiện cơ bắp, giúp tăng cường sức đề kháng và tránh bị nhiễm trùng.

Thói quen ngủ không nhất quán có thể gây tăng cân, lo lắng, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, đáp ứng miễn dịch chậm… Đồng thời, tình trạng thiếu ngủ còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, bệnh tiểu đường và khiến bạn gặp vấn đề về trí nhớ.

Vậy bạn có nên ngủ bù khi bị thiếu ngủ để đảm bảo sức khỏe?

Trường hợp nào bạn nên ngủ bù?

 

Nếu vì một lý do nào đó bạn không ngủ đủ giấc đêm hôm trước bạn thì hoàn toàn có thể ngủ bù vào đêm hôm sau. Giấc ngủ giúp cơ thể hồi phục, khi bạn ngủ bộ não xử lý và phân loại thông tin, cơ thể bạn nghỉ ngơi để hồi phục các hoạt động. Sau giấc ngủ, bộ não sẽ lập trình lại để bạn có thể định hướng và tỉnh táo vào ngày hôm sau.

Việc ngủ bù khi thiếu ngủ không đơn giản là ngủ thêm thời gian đã bị thiếu ngủ trước đó. Khi bạn ngủ bù, cơ thể cần thêm thời gian để phục hồi. Theo kết quả nghiên cứu năm 2016, cơ thể bạn sẽ cần tới 4 ngày để có thể hoàn toàn phục hồi do thiếu ngủ 1 giờ. Nếu bạn mất ngủ triền miên, cơ thể sẽ bị thiếu ngủ trầm trọng và bạn phải chịu đựng những triệu chứng ảnh hưởng của việc thiếu ngủ nên sẽ rất khó để ngủ bù.

Khoảng thời gian bạn ngủ giống như gửi tiền tiết kiệm vào tài khoản ngân hàng, việc ngủ không đủ giấc sẽ khiến khoản tiết kiệm này bị thiếu hụt và cần phải bổ sung.

Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia Hoa Kỳ cho biết, chúng ta cần ngủ 7,1 giờ mỗi đêm để giữ cơ thể khỏe mạnh vào ngày hôm sau, tuy nhiên 73% chúng ta không ngủ đủ giấc thường xuyên. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu ngủ như học tập, tăng ca, sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại di động vào ban đêm…

Tình trạng mất ngủ triền miên là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, làm giảm sức đề kháng và khiến huyết áp tăng. Điều này cũng có thể khiến hàm lượng hormone stress cortisol trong máu tăng cao khiến bạn dễ nổi cáu, chán nản hoặc tác động nghiêm trọng đến thần kinh. Thêm vào đó, tình trạng thiếu ngủ còn làm tăng nguy cơ bạn ngủ gật khi đang điều khiển máy móc và phương tiện giao thông dẫn đến dễ xảy ra tai nạn.

Cách ngủ bù khi bạn bị thiếu ngủ

Nhu cầu ngủ vào ban đêm của mỗi người không giống nhau tùy theo độ tuổi, tình trạng sức khỏe. Bạn cần xác định thời gian ngủ cần thiết cho bản thân và theo dõi hoạt động của cơ thể sau những thời gian ngủ nhất định. Nếu bị thiếu ngủ, bạn có thể thử áp dụng một số cách sau đây để ngủ bù và phục hồi sức khỏe:

  • Ngủ trưa khoảng 20 phút
  • Đi ngủ sớm hơn vào đêm tiếp theo
  • Ngủ bù vào đêm tiếp theo hoặc 2 đêm tiếp theo
  • Ngủ bù vào cuối tuần nhưng không quá 2 tiếng so với thời gian bạn thường thức dậy. Ví dụ bạn thường thức dậy lúc 7 giờ sáng, bạn cần thức dậy trước 9 giờ sáng khi ngủ bù vào cuối tuần.

Bạn có thể ngủ bù khi thiếu ngủ nhưng cần ngủ đúng thời gian và thời điểm để cơ thể được phục hồi.

Dưới đây là một số lưu ý giúp bạn ngủ đủ giấc:

  • Đi ngủ sớm hơn 15 phút mỗi tối
  • Điều chỉnh lịch sinh hoạt buổi tối
  • Tránh sử dụng cà phê, các chất kích thích vào buổi tối
  • Không sử dụng các thiết bị điện tử 2 giờ trước khi đi ngủ
  • Giữ phòng ngủ tối, nhiệt độ phù hợp và thoải mái, yên tĩnh
  • Tránh tập luyện thể thao trong thời gian 3 giờ trước khi đi ngủ
  • Giữ các thiết bị điện tử ở xa bạn để tránh ảnh hưởng tới giấc ngủ.

Nếu bạn áp dụng các cách trên mà vẫn gặp tình trạng mất ngủ, bạn cần đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và có biện pháp xử lý phù hợp.

Nhiều người vẫn xem nhẹ tầm quan trọng của việc ngủ đủ giấc đối với sức khỏe vì cảm thấy ngủ nhiều gây lãng phí thời gian quý giá để làm việc và những điều yêu thích. Tuy nhiên, thói quen ngủ đủ giấc là vô cùng cần thiết và đem lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Nếu muốn tinh thần minh mẫn và cơ thể khỏe mạnh, bạn hãy tập thói quen ngủ đúng giờ mỗi ngày nhé!

Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.

Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn: Sleep Debt: Can You Ever Catch Up?

Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất:

Exit mobile version